Trả lời phỏng vấn hãng thông tấn Cyprus (KNA) mới đây, Thủ tướng Bulgaria Boyko Borisov nhận định nếu Brussels điều chỉnh cách tiếp cận với Ankara, điều này cần được thể hiện trong chính sách quốc phòng của liên minh. Đối với Bulgaria và một số nước EU (như Hy Lạp, Cyprus...), Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia láng giềng gần gũi, có dân số đông và lực lượng quân đội mạnh. Ngoài ra, EU còn có quan hệ thương mại với Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như hợp tác trong hoạt động chống khủng bố và giải quyết cuộc xung đột ở Syria.
Thủ tướng Borisov cũng nêu rõ rằng với vai trò Chủ tịch luân phiên EU từ ngày 1/1 vừa qua, Bulgaria chỉ “đưa ra ý tưởng” về các vấn đề trong quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ như việc mở rộng liên minh thuế quan hay nới lỏng chế độ thị thực cho công dân nước này. Quyền quyết định thuộc về Hội đồng châu Âu.
Thủ tướng Bulgaria Boyko Borisov. (Nguồn: Andalou Agency) |
Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker nhấn mạnh EU và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ "không thể đạt tiến triển trong các mối quan hệ chừng nào Ankara còn bắt giam các nhà báo".
Phát biểu tại cuộc họp báo chung ở Bulgaria, ông Juncker cho rằng "Thổ Nhĩ Kỳ đang xa rời mục tiêu trong quá khứ về việc gia nhập EU", do đó liên minh này đang chờ đợi xem bước tiến nào Ankara có thể đạt được trong những tháng tới. Tuy nhiên, Chủ tịch EC nêu rõ "sẽ không có bất kỳ tiến bộ nào được ghi nhận khi vẫn còn các nhà báo bị bắt giữ tại Thổ Nhĩ Kỳ".
Sau khi xảy ra cuộc đảo chính bất thành hồi tháng 7/2016, giới chức Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giữ hơn 50.000 người biểu tình.