📞

Bước đột phá trong công tác duy trì và phát triển tiếng Việt ở nước ngoài

Chu An 12:59 | 08/09/2024
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) Lê Thị Thu Hằng đã trả lời phỏng vấn báo chí nhân Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN (8/9).

Thứ trưởng có thể cho biết những kết quả nổi bật của Đề án “Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN giai đoạn 2023-2030” trong thời gian qua?

Đề án “Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2023-2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 3/8/2022, có thể coi là đột phá trong công tác duy trì, phát triển tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN, tạo động lực quan trọng thúc đẩy các hoạt động giảng dạy, học tập và đáp ứng nguyện vọng và nhu cầu thiết thực của cộng đồng.

Qua hai năm thực hiện, Đề án đã nhận được nhiều sự quan tâm của các cơ quan, đoàn thể, tổ chức xã hội, cộng đồng doanh nghiệp và đặc biệt là sự hưởng ứng của kiều bào.

Ủy ban Nhà nước về NVNONN, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với các ban, bộ, ngành và các cơ quan liên quan nỗ lực triển khai các hoạt động đồng bộ, như: tổ chức tập huấn nghiệp vụ giảng dạy tiếng Việt ở Việt Nam và sở tại cho giáo viên kiều bào; xây dựng Tủ sách tiếng Việt và cung cấp sách phục vụ cộng đồng tại một số địa bàn (Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc…); Áo, Pháp, Czech, Hungary, Slovakia, Bỉ, Qatar…); phối hợp xây dựng website dạy tiếng Việt cho NVNONN của Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Chương trình “Chào Tiếng Việt” và “Dấu ấn Việt Nam” của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV4)…

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước về NVNONN Lê Thị Thu Hằng. (Ảnh: Bảo Chi)

Cộng đồng người Việt Nam ở nhiều nước phối hợp tích cực với cơ quan đại diện tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Tôn vinh tiếng Việt như: thành lập các Ban tiếng Việt chuyên trách trong hội đoàn; mở mới hoặc mở rộng quy mô các trường, lớp dạy và học tiếng Việt; thành lập “Diễn đàn Gìn giữ tiếng Việt ở nước ngoài”; tổ chức các hội thảo, tọa đàm… chia sẻ kinh nghiệm về phương pháp dạy và học tiếng Việt.

Đặc biệt là chuỗi hoạt động Ngày Tôn vinh tiếng Việt và cuộc thi “Tìm kiếm Sứ giả tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN” sau hai năm tổ chức đã lựa chọn và vinh danh 10 sứ giả tiếng Việt ở các địa bàn, độ tuổi khác nhau, trong đó sứ giả nhỏ tuổi nhất mới 8 tuổi (ở Nhật Bản) và có cả sứ giả là người nước ngoài (Lào).

Sự tham gia tích cực của các cơ quan đại diện, sự năng động, hưởng ứng của các hội đoàn, tổ chức, cá nhân kiều bào, đã cộng hưởng cùng trong nước để chúng ta từng bước tổ chức được chuỗi hoạt động tôn vinh tiếng Việt ở các địa bàn.

Có thể thấy rằng, với chủ trương đúng đắn của Nhà nước, nếu có sự đồng lòng, chung tay của xã hội và đặc biệt là cộng đồng NVNONN, chúng ta không chỉ tạo được sân chơi, môi trường giao lưu cho kiều bào, tạo cơ hội nâng cao năng lực tiếng Việt, đặc biệt với thế hệ trẻ sinh ra ở nước ngoài; mà còn khích lệ lòng tự hào dân tộc, tình yêu quê hương đất nước, góp phần củng cố khối đại đoàn kết dân tộc thông qua kết nối mạng lưới hội đoàn kiều bào.

Vừa qua, tiếng Việt đã trở thành ngôn ngữ chính thức tại San Francisco, Mỹ. Đây là một trong những ví dụ cho thấy nhu cầu sử dụng tiếng Việt ngày càng tăng ở các nơi trên thế giới, có vai trò không nhỏ trong thúc đẩy sự hội nhập và phát triển của cộng đồng. Bà đánh giá như thế nào về điều này?

Ngày 11/6, Hội đồng Giám sát thành phố và quận hạt San Francisco đã thông qua Nghị quyết quyết định sử dụng tiếng Việt trong các dịch vụ công như phiên dịch, thông báo, văn bản trên website, bên cạnh tiếng Anh, tiếng Trung Quốc, Tây Ban Nha và Philippines.

Mới đây, tại Lễ thượng cờ nhân kỷ niệm quốc khánh Việt Nam tại Tòa thị chính thành phố San Francisco, tôi đã thay mặt Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại San Francisco tiếp nhận bản tuyên bố do Thị trưởng thành phố San Francisco ký với nội dung công bố ngày 2/9/2024 là Ngày Di sản hữu nghị Việt Nam - Mỹ tại thành phố và địa hạt San Francisco năm 2024.

Có thể nói, đây là một trong những dấu mốc quan trọng và có ý nghĩa nổi bật đối với cộng đồng người Việt Nam tại San Francisco nói riêng, cộng đồng NVNONN nói chung. Sự kiện thể hiện sự hội nhập mạnh mẽ của cộng đồng người Việt nơi đây.

Được công nhận là một trong những ngôn ngữ chính thức tại San Francisco, tiếng Việt không chỉ là ngôn ngữ giao tiếp của riêng cộng đồng người Việt mà còn là phương tiện để cộng đồng có tiếng nói trong các hoạt động kinh tế, văn hóa và chính trị của sở tại.

Qua đó, tạo thuận lợi cho việc duy trì, quảng bá tiếng Việt và bảo tồn bản sắc văn hóa Việt Nam trong cộng đồng. Thế hệ trẻ người Việt sinh ra và lớn lên ở nước ngoài có thể tiếp tục học và sử dụng tiếng mẹ đẻ, qua đó giữ vững mối liên hệ với nguồn cội và văn hóa dân tộc.

Hơn thế nữa, việc tiếng Việt được công nhận tại San Francisco có thể tạo điều kiện thuận lợi cho mở rộng giao lưu, hợp tác trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục giữa Việt Nam và Mỹ, giúp tăng cường sự hiểu biết và hợp tác giữa hai quốc gia, đồng thời thúc đẩy quảng bá hình ảnh và vị thế của Việt Nam trên thế giới.

Đây cũng có thể là tiền đề cho việc công nhận tiếng Việt là ngôn ngữ hành chính chính thức ở những nơi khác có đông người Việt Nam sinh sống.

Lễ thượng cờ Việt Nam tại San Francisco. (Nguồn: Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại San Francisco)

Một trong những điều rất được quan tâm trong công tác giảng dạy và tôn vinh tiếng Việt ở nước ngoài là làm thế nào để khuyến khích, bồi dưỡng cho thế hệ trẻ sinh ra ở nước ngoài hiểu được tầm quan trọng của việc giữ gìn và phát huy tiếng Việt. Ủy ban đã có những sáng kiến và kế hoạch gì liên quan đến vấn đề này?

Từ lâu, Ủy ban Nhà nước về NVNONN đã nhận thức rõ tầm quan trọng của việc khuyến khích thế hệ trẻ người Việt sinh ra ở nước ngoài giữ gìn tiếng Việt, vì thế hệ trẻ chính là tương lai của cộng đồng và là nhân tố quan trọng để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa và truyền thống.

Chúng tôi đã triển khai nhiều chương trình, hoạt động thúc đẩy việc học tiếng Việt cho thế hệ trẻ kiều bào. Nổi bật trong đó là chương trình Trại Hè Việt Nam được tổ chức hàng năm và một trong các tiêu chí hàng đầu để chúng tôi lựa chọn đại biểu tham dự là các em phải nói được tiếng Việt.

Chương trình tạo điều kiện cho thanh, thiếu niên kiều bào từ khắp thế giới trở về được tham gia vào các hoạt động văn hóa, lịch sử và giao lưu với thanh thiếu niên trong nước; giúp các bạn trẻ hiểu rõ hơn và kết nối với quê hương, cội nguồn, đồng thời tạo cơ hội để thực hành và trau dồi tiếng Việt.

Năm 2022, trong chương trình, lần đầu tiên chúng tôi tổ chức cuộc thi kể chuyện bằng tiếng Việt nhằm giúp các em hiểu hơn về ý nghĩa, vẻ đẹp của tiếng Việt và thúc đẩy tình yêu tiếng Việt, nâng cao trách nhiệm gìn giữ và truyền bá tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN.

Thời gian qua, Ủy ban và các cơ quan liên quan đã từng bước tổ chức các hoạt động phát triển phong trào học tập, sử dụng tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN một cách rộng khắp và bài bản.

Trong công tác hỗ trợ dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng, Ủy ban chú trọng khuyến khích, đồng hành cùng cộng đồng người Việt Nam ở các nước tiếp tục truyền thống dạy tiếng Việt và đa dạng hóa hình thức dạy tiếng Việt.

Từ hơn 10 năm qua, Ủy ban đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường Đại học và Nhà xuất bản Giáo dục tổ chức thường niên khóa tập huấn phương pháp giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên kiều bào, lúc đầu là tại Việt Nam, và bây giờ là bắt đầu tổ chức ngay ở sở tại.

Ủy ban cũng quan tâm hỗ trợ việc duy trì, tu bổ và xây dựng mới một số điểm trường, lớp học ở nơi cộng đồng gặp nhiều khó khăn (Lào, Campuchia); cung cấp sách giáo khoa và dụng cụ học tập cho nhiều địa bàn; đồng hành, hỗ trợ các hoạt động bảo tồn tiếng Việt do cộng đồng NVNONN tổ chức (như Diễn đàn gìn giữ tiếng Việt ở nước ngoài tại Ba Lan, Lớp tiếng Việt và hội thảo về tiếng Việt tại Fukuoka, Nhật Bản); thúc đẩy đưa tiếng Việt trở thành ngôn ngữ chính được giảng dạy tại hệ thống giáo dục sở tại như Pháp, Lào, Đài Loan (Trung Quốc)…

Đặc biệt, năm 2022, Ủy ban đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN giai đoạn 2023-2030, làm cơ sở để triển khai hàng loạt hoạt động tôn vinh, duy trì, lan tỏa tiếng Việt trong cộng đồng.

Qua hai năm triển khai, Đề án đã bước đầu nhận được sự quan tâm và hiệu ứng rất tích cực từ phía cộng đồng và các cơ quan chức năng, tổ chức xã hội và doanh nghiệp trong nước.

Việt Nam đang đề xuất xây dựng thêm các trung tâm văn hóa Việt tại nước ngoài. Thông qua các trung tâm này, liệu có phải việc dạy và học tiếng Việt ở nước ngoài sẽ được tổ chức hệ thống hơn và hiệu quả hơn, thưa bà?

Xây dựng các trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài là một trong các nhiệm vụ được đề xuất tại dự thảo Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 của Chính phủ, nhằm mục đích khẳng định vị thế đất nước, quảng bá các thành tựu phát triển của đất nước, con người Việt Nam, lan tỏa văn hóa Việt Nam ra thế giới.

Tôi cho rằng, để các trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài có thể phát huy vai trò trong việc tổ chức dạy và học tiếng Việt một cách hệ thống, bài bản và hiệu quả hơn thì cần có những định hướng rõ ràng và sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Thứ nhất, đối với người dân sở tại, các trung tâm văn hóa là nơi quảng bá văn hóa Việt Nam, khuyến khích bạn bè quốc tế tìm hiểu, trân trọng văn hóa Việt Nam, phần nào tiếp cận ngôn ngữ quê hương qua các tủ sách tiếng Việt, các hoạt động trình diễn nghệ thuật, triển lãm, hội thảo, ngày hội văn hóa Việt Nam...

Thứ hai, với cộng đồng người Việt Nam ở sở tại, đây sẽ là mái nhà chung, là nơi bảo tồn, lưu giữ những nét đẹp văn hóa Việt Nam, nơi kiều bào, đặc biệt là thế hệ trẻ học và thực hành tiếng Việt và tìm về với cội nguồn dân tộc.

Điều quan trọng là tạo không gian và môi trường cho kiều bào ở các lứa tuổi, trình độ khác nhau tìm hiểu và khám phá văn hóa dân tộc qua các hoạt động được thiết kế phù hợp, qua đó khơi dậy tình yêu đối với tiếng Việt và văn hóa Việt Nam.

Thứ ba, việc phát triển các trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài cần có lộ trình, đi từng bước, có trọng tâm trọng điểm, lựa chọn địa bàn và cách thức triển khai phù hợp.

Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng tặng quà cho giáo viên kiều bào nhân Ngày Tôn vinh tiếng Việt và Khai giảng lớp tiếng Việt cho trẻ em gia đình đa văn hóa năm 2024 tại Hàn Quốc. (Ảnh: Bảo Chi)

Vậy còn vai trò của đội ngũ sứ giả tiếng Việt trong duy trì và phát huy tiếng Việt ở nước ngoài?

Theo tôi, đội ngũ sứ giả tiếng Việt đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc duy trì và phát huy tiếng Việt trong cộng đồng người Việt trên khắp thế giới.

Họ không chỉ là những người trực tiếp giảng dạy ngôn ngữ, mà còn là những nhân tố then chốt trong việc giữ gìn và truyền tải bản sắc văn hóa Việt Nam đến thế hệ trẻ sinh ra, lớn lên ở nước ngoài và cả bạn bè quốc tế.

Họ giúp người học, đặc biệt là thế hệ trẻ người Việt sinh ra ở nước ngoài, hiểu rõ hơn về cội nguồn của mình thông qua ngôn ngữ mẹ đẻ. Việc học tiếng Việt không chỉ là học một ngôn ngữ, mà còn là tiếp thu những truyền thống, phong tục tập quán của quê hương.

Các thầy cô đóng vai trò như những người truyền cảm hứng, khơi dậy và lan tỏa tình yêu đối với tiếng Việt trong cộng đồng.

Đối với nhiều người học, đặc biệt là những người trẻ sinh ra trong môi trường không nói tiếng Việt, việc học ngôn ngữ mẹ đẻ có thể gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nhờ sự nhiệt huyết và tận tâm của các giáo viên tình nguyện, các em có thể dần yêu thích và gắn bó với tiếng Việt.

Chúng ta đều biết rằng, sự tồn tại và phát triển của một cộng đồng bền vững phụ thuộc vào việc duy trì ngôn ngữ và văn hóa gốc.

Các sứ giả tiếng Việt góp phần xây dựng nền tảng cho cộng đồng NVNONN thông qua việc giữ gìn và phát huy tiếng Việt. Điều này không chỉ giúp thế hệ trẻ có thể giữ liên kết với cội nguồn, mà còn tạo điều kiện cho sự gắn kết mạnh mẽ hơn giữa các thành viên trong cộng đồng.

Đặc biệt, họ hoạt động hoàn toàn tình nguyện, nhiều người không nhận thù lao nhưng vẫn tận tụy cống hiến thời gian và công sức của mình vì mục tiêu gìn giữ ngôn ngữ và văn hóa, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao đối với cộng đồng, với đất nước, và là nguồn động viên lớn cho NVNONN trong việc duy trì tiếng Việt trong môi trường quốc tế.

Chúng tôi rất trân trọng, biết ơn và nguyện sẽ đồng hành cùng các thầy cô trong sự nghiệp cao cả của mình.