Tăng cường bảo mật thông tin
Ngày 9/11/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 147/2024/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng.
Các nền tảng mạng xã hội cần cung cấp cho người dùng sự lựa chọn về cách thức bảo vệ quyền riêng tư của họ. (Nguồn: nplaw) |
Trong đó, nghị định quy định nhiều điểm mới như: phải xác thực số điện thoại mới được đăng bài, bình luận, livestream trên mạng xã hội,…
Việc xác thực tài khoản mạng xã hội bằng số điện thoại hoặc số định danh cá nhân giúp các nền tảng mạng xã hội bảo vệ người dùng khỏi các tài khoản giả mạo, lừa đảo hoặc các hành vi xâm nhập tài khoản trái phép.
Quy định này cũng giúp mỗi cá nhân người dùng mạng xã hội nâng cao ý thức trách nhiệm khi phát ngôn, chia sẻ, bình luận, ứng xử trên môi trường không gian mạng.
Ngoài ra, khi triển khai, sẽ loại bỏ các tài khoản ảo - vốn là một trong những nguyên nhân của tình trạng nhiễu thông tin trên mạng xã hội.
Để quy định này phát huy hiệu quả mục tiêu mong muốn, các nền tảng mạng xã hội cần có các biện pháp bảo vệ dữ liệu mạnh mẽ và không lạm dụng thông tin cá nhân của người dùng.
Không những vậy, các nền tảng mạng xã hội cũng cần cung cấp cho người dùng sự lựa chọn về cách thức bảo vệ quyền riêng tư của họ.
Cải thiện quy trình kiểm duyệt
Nghị định số 147/2024/NĐ-CP còn quy định rõ về việc ngăn chặn và gỡ bỏ nội dung vi phạm pháp luật. Theo đó, các nhà cung cấp dịch vụ phải có trách nhiệm kiểm duyệt nội dung xấu độc trên nền tảng của mình, trong vòng 24 giờ kể từ khi có yêu cầu từ cơ quan chức năng, các nhà cung cấp phải gỡ bỏ các nội dung vi phạm pháp luật.
Để tuân thủ quy định này, các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội sẽ đứng trước áp lực khối lượng công việc rất lớn khi phải rà soát và gỡ bỏ các nội dung vi phạm trong thời gian ngắn.
Rõ ràng, các nền tảng mạng xã hội cần đầu tư nguồn lực nhân sự và công nghệ (trí tuệ nhân tạo (AI) và các công cụ kiểm duyệt tự động) để cải thiện, nâng cấp hệ thống giám sát, xử lý.
Ngoài ra, trong quá trình rà soát và xử lý chỉ trong 24 cũng có thể sẽ phát sinh tình huống sai sót, ví dụ như xóa nhầm các nội dung không vi phạm.
Điều này có thể ảnh hưởng đến quyền tự do ngôn luận của người dùng, khi những bài viết, bình luận hợp pháp bị gỡ bỏ không chính đáng.
Để cân bằng giữa việc tuân thủ các quy định của Nghị định 147/2024/NĐ-CP và bảo vệ quyền tự do ngôn luận của người dùng, các nền tảng mạng xã hội ngoài việc cải thiện quy trình kiểm duyệt, xử lý trong nội bộ nền tảng thì cần phải đảm bảo tính công khai minh bạch, cho phép người dùng có thể kháng cáo (nếu xử lý sai), khuyến khích sự tham gia của cộng đồng người dùng.
Cũng cần lưu ý, các nền tảng mạng xã hội cần xây dựng tiêu chí rõ ràng để phân biệt giữa “nội dung vi phạm” và “nội dung gây tranh cãi”.
Tránh lạm dụng quyền lực
Yêu cầu khóa tạm thời hoặc vĩnh viễn các tài khoản vi phạm nhiều lần sẽ mang lại nhiều lợi ích trong việc ngăn ngừa vi phạm, tạo động lực, áp lực để người dùng tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định của các nền tảng mạng xã hội.
Đây là chế tài nhằm hướng đến việc răn đe đối với những người dùng có hành vi vi phạm, đặc biệt là các hành động như phát tán thông tin sai lệch, tuyên truyền bạo lực, kích động thù hận, hay các hành vi lừa đảo trực tuyến.
Tuy vậy, cũng cần hạn chế những tiêu cực phát sinh từ quy định này. Chẳng hạn như tình huống các nền tảng mạng xã hội vô tình có sai sót trong quá trình xác định vi phạm.
Thậm chí, không loại trừ có khả năng lạm dụng quyền lực, xóa quyền tham gia mạng xã hội một cách không công bằng, gây tổn hại đến quyền tự do ngôn luận của các cá nhân.