📞

Buồn khi rau quả… được mùa

09:54 | 19/08/2008
Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) đã được đưa vào ứng dụng tại Việt Nam từ 5-7 năm nay nhưng dường như chưa có kết quả. Việt Nam gia nhập WTO, rau quả tươi nếu muốn xuất ra thị trường nước ngoài phải đảm bảo được sản xuất theo quy trình GAP. Tuy nhiên, đến thời điểm này, việc triển khai ứng dụng vẫn cứ “dậm chân tại chỗ”.

Lợi ích từ GAP

Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) có nghĩa là sản xuất gắn với an sinh xã hội. Việt Nam đã từng tham gia xây dựng ASEAN GAP, tức quy trình sản xuất nông nghiệp tốt dành cho các nước trong khối ASEAN. Dựa trên quy trình này, Việt Nam đã xây dựng VIETGAP - quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho rau, quả tươi an toàn tại Việt Nam.

Rau, quả được sản xuất theo GAP phải đảm bảo: an toàn về vệ sinh thực phẩm (dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và vi sinh vật trong ngưỡng cho phép); rõ về nguồn gốc, xuất xứ và cuối cùng là sản xuất gắn với an sinh xã hội.

Nếu trước kia, việc vận dụng quy trình GAP vào sản xuất rau, quả tại Việt Nam chỉ là được chăng hay chớ thì bây giờ đã là lúc phải thay đổi. Việt Nam gia nhập WTO, điều này có nghĩa rau, quả tươi trong nước muốn xuất ra nước ngoài phải đảm bảo tuân theo GAP, và ngược lại, hàng hóa từ nước ngoài vào Việt Nam cũng phải theo VIETGAP. 

Ông Bùi Sĩ Doanh - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật - Bộ NN&PTNT phân tích: “Hàng nông sản tươi của Việt Nam khá phong phú nhưng nếu tính xuất ra thị trường nước ngoài thì mới được số ít, đặc biệt là rau, quả tươi. Về rau thì chưa xuất khẩu được, còn quả cũng mới có một số: bưởi, thanh long xuất sang Mỹ, Đài Bắc - Trung Quốc, Nhật Bản.

Hiện tại, chúng ta đang thương lượng xuất khẩu thêm một số loại: chuối, vải, chôm chôm, song đang gặp không ít khó khăn bởi, khi nhập khẩu, các doanh nghiệp nước ngoài đều có người sang tận vùng sản xuất của Việt Nam để xem xét điều kiện có đảm bảo không”?

Ông Doanh tâm sự: “Nếu xuất khẩu được ra thị trường nước ngoài không những giảm áp lực cho người sản xuất mà còn phát huy được thế mạnh về hàng nông sản của Việt Nam”. Ngẫm lại, rau, quả của Việt Nam luôn luôn rơi vào tình trạng được mùa thì ế ẩm.

Quả vải, mấy năm trở lại đây, giá quá rẻ, những nơi vựa vải: Thanh Hà (Hải Dương), Lục Ngạn (Bắc Giang) người nông dân rơi nước mắt trước giá vải bị rớt thê thảm. Trước tình cảnh ấy, không ít người đã chặt bỏ vải để trồng cây khác mặc dù thời gian trồng 1 cây vải đến lúc cho quả không hề ngắn.  Cần phải sản xuất theo GAP

Theo Phó Cục trưởng Bùi Sĩ Doanh: “Nước ta có lợi thế để sản xuất rau, quả tươi hướng tới xuất khẩu, khi đã xuất khẩu tức đầu ra không còn gặp khó khăn. Từ trước tới nay rau, quả Việt Nam xuất khẩu không được bao nhiêu, một mặt do sản xuất của chúng ta còn manh mún, nhỏ lẻ nên số lượng không nhiều, thêm vào đó, sản xuất còn theo cổ truyền không đảm bảo chất lượng xuất khẩu. Vì vậy, muốn hướng tới sản xuất hàng hóa với rau, quả tươi phải sản xuất theo quy trình GAP, có như vậy mới đủ điều kiện để xuất khẩu ra thị trường thế giới”.

Như vậy, rau, quả tươi của Vịêt Nam muốn vươn tầm ra thị trường thế giới phải được sản xuất theo quy trình GAP. Ngày 20-1-2008, Bộ NN&PTNT cũng đã có Quyết định 379 chính thức ban hành VIETGAP vào sản xuất rau, quả tại Việt Nam.

Theo đó, ở Việt Nam sẽ chỉ có 1 quy trình sản xuất duy nhất đó là VIETGAP. Đánh giá về tiến độ áp dụng quy trình GAP vào sản xuất  rau, quả của Việt Nam, ông Bùi Sĩ Doanh cho biết: “Một số mô hình sản xuất rau, quả tại Việt Nam hiện nay cũng mới chỉ theo hướng GAP chứ chưa thực sự “chuẩn” theo GAP, đến nay diện tích rau, quả được sản xuất theo quy trình này rất ít, không đáng bao nhiêu”.

Phân tích nguyên nhân dẫn đến tiến độ áp dụng GAP vào sản xuất nông nghiệp nước ta còn chậm trễ, hầu hết các quan điểm đều đồng tình, khó khăn nhất là vấn đề phải lập hồ sơ theo dõi cụ thể từng loại rau, quả được sản xuất như thế nào? Ngoài ra, công tác quy hoạch sản xuất còn quá chậm do các địa phương còn chưa thực sự vào cuộc.

Ông Bùi Sĩ Doanh nhấn mạnh: “Trước mắt cần tập trung tổ chức lại việc sản xuất, phải có cơ chế ràng buộc sự tham gia của chính quyền địa phương, song song đó tiến hành tập huấn cho nông dân để họ nhận thức được lợi ích của việc áp dụng GAP vào sản xuất. Nếu không, sẽ lại rơi vào tình trạng cộng đồng chạy theo dư luận xã hội, sau đó lại không đáp ứng được giống như việc sản xuất rau an toàn vừa qua”.

Mặt khác, nhiều cơ quan chuyên môn hiểu và nhận thức về GAP cũng chưa đầy đủ. Căn cứ vào QĐ 379 của Bộ NN&PTNT tại Việt Nam chỉ có duy nhất VIETGAP. Song, ngày 8-8 vừa qua, Sở NN&PTNT TP Hồ Chí Minh lại cấp tiêu chuẩn HCMC-GAP cho một số hộ nông dân sản xuất rau ăn quả tại xã Nhuận Đức - Củ Chi.

Việc sản xuất rau, quả tươi theo quy trình GAP vấn đề không còn dừng lại tự nguyện nữa, muốn có một nền nông nghiệp tốt, các sản phẩm nông nghiệp không còn bị nước ngoài “chê”, rõ ràng quy trình GAP là yêu cầu bắt buộc. Sản xuất hàng hóa là nền sản xuất mà chúng ta đang hướng tới, như vậy GAP chính là cây cầu nối cho nông nghiệp Việt Nam bước ra thế giới. Theo ANTĐ