TIN LIÊN QUAN | |
Trung Quốc đưa trực thăng đón ngư dân Việt Nam gặp nạn | |
Không có công dân Việt Nam bị ảnh hưởng các vụ nổ bom ở Thái Lan |
Khó khăn lắm tôi mới thuyết phục được anh Đỗ Nam Trung (chuyên viên Vụ Đông Bắc Á) chia sẻ về công việc của mình khi phụ trách công tác bảo hộ công dân ở Tổng Lãnh sự quán (TLSQ) Việt Nam ở Nam Ninh. Cũng giống như nhiều cán bộ ngoại giao khác, anh ngại chia sẻ về công việc của mình. Thế nhưng, khi câu chuyện trở nên thân tình, anh đã cởi mở hơn để chia sẻ những lời gan ruột của một người thực sự có tâm với đồng bào của mình nơi đất khách.
Địa bàn đặc biệt
Anh Trung vốn không phải dân làm lãnh sự chuyên nghiệp, anh không phải là cán bộ của Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) mà từ Vụ Đông Bắc Á. Sau một nhiệm kỳ tại Bắc Kinh (Trung Quốc) và trở về công tác tại Vụ Đông Bắc Á, anh lại nhận nhiệm vụ đến Nam Ninh vào năm 2012. Tại đây, anh được phân công phụ trách công tác lãnh sự, trong đó có bảo hộ công dân.
Anh chia sẻ: “So với các địa bàn khác, công tác bảo hộ công dân ở Nam Ninh có những đặc thù riêng. Khu tự trị Quảng Tây của Trung Quốc có đường biên giới dài tới 700km với Việt Nam, nên sự giao lưu, đi lại giữa nhân dân hai nước là rất lớn. Chính vì vậy, tại đây liên tục xảy ra các vụ việc liên quan đến người Việt Nam bị lừa, bán sang lao động, mại dâm hoặc lấy chồng Trung Quốc trái phép… Nhiều trường hợp bị bán sâu vào các tỉnh nội địa Trung Quốc nhưng vẫn trốn thoát qua ngả Quảng Tây.
12 ngư dân trên tàu cá của tỉnh Tiền Giang bị bão, gặp nạn ngoài khơi Micronesia đã được đưa về nước an toàn ngày 28/2/2016.. |
Mỗi năm, TLSQ tiếp nhận và xử lý hàng ngàn hồ sơ liên quan đến công dân Việt Nam do các cơ quan chức năng sở tại bàn giao để xác minh nhân thân. Đó là chưa kể đến những vụ do công dân sở tại trình báo, hoặc do công dân Việt Nam chủ động kêu cứu hoặc tìm đến nhờ hỗ trợ…”.
Lượng công việc lớn như vậy và thường xuyên có các sự vụ phát sinh nên khái niệm “ngày làm việc, giờ làm việc” của các anh nhiều lúc rất không cố định, vào lúc đêm hôm hay ngày nghỉ vẫn có thể phải giải quyết các vụ việc phát sinh. Ở Nam Ninh, anh được giao quản lý đường dây nóng bảo hộ công dân của TLSQ do Cục Lãnh sự công bố. Chính vì vậy, khi có bất kỳ vấn đề gì, bà con đều gọi đến số này bất kể lúc nào.
Nếu như công việc thường nhật của các anh là xử lý các hồ sơ bảo hộ công dân do phía Trung Quốc bắt giữ để chuyển về Việt Nam xác minh thì có khi tối muộn, bước chân ra cửa cơ quan lại thấy những tốp công dân tìm đến yêu cầu được bảo hộ. Có những lúc vào ngày nghỉ Tết, nghỉ lễ, theo thói quen, anh vẫn hay ghé qua TLSQ và đôi khi vẫn gặp vài công dân đang vạ vật chờ ở bên ngoài. Cũng phải thôi, bởi họ không biết tiếng, không biết làm thế nào để liên lạc với đường dây nóng và quan trọng nhất là họ không còn nơi nào để đi.
Trong khi tồn tại những mặt trái không thể phủ nhận của mạng xã hội thì mặt khác, Facebook giúp ích đáng kể cho các anh trong công tác bảo hộ công dân. Trong thời gian công tác tại TLSQ, ngoài việc đảm bảo đường dây nóng luôn thông suốt, các anh cũng thường xuyên kiểm tra thông tin trên Facebook của mình để kịp thời nhận tiếp nhận các thông tin liên quan đến công dân Việt Nam tại địa bàn. Rất nhiều công dân đã kịp thời được TLSQ Việt Nam tại Nam Ninh bảo hộ, giải cứu… nhờ đăng tải, tiếp nhận thông tin qua mạng xã hội như trường hợp của Mỹ Lai, Hoàng Thị Hiệu... được báo giới đăng tải rộng rãi.
Anh kể: “Quảng Tây là địa bàn rộng và có khá đông người Việt. Nhiều khi công dân Việt Nam gặp nạn cần bảo hộ lại nằm sâu cả ở các tỉnh trong lục địa, chúng tôi nhận được thông tin mà không thể xác định được ngay vị trí của công dân vừa kêu cứu, phải dựa vào mạng internet để khai thác triệt để những thông tin ít ỏi mà mình có, kể cả khi đã có sự hỗ trợ của công an sở tại”.
Những trăn trở sau câu chuyện
Với những người làm công tác bảo hộ công dân như anh Trung, quãng thời gian làm bảo hộ công dân mang đến những trải nghiệm và kỷ niệm rất đặc biệt. Anh chia sẻ, nó giống như một bức tranh đa sắc khổng lồ được ghép bằng vô số mảnh nhỏ những số phận rời rạc, không mảnh nào giống mảnh nào. Có những mảnh, anh quên ngay sau khi ghép, như người lái đò tiễn khách qua sông. Có những mảnh, anh dõi theo đến mãi sau này, chỉ để xem những công dân ấy có cuộc sống tốt đẹp hơn sau khi được TLSQ giải cứu hay không. Có những mảnh, đến tận bây giờ vẫn nhớ đến và thường xuyên gọi điện, viết thư để hỏi thăm như hai cậu bé người dân tộc Nùng ở Hà Giang. Họ nói, nếu không được bảo hộ kịp thời, rất có thể họ đã không thể trở về như một số em đã sang lao động cùng họ.
Nhiều trường hợp, sau khi làm thủ tục xong, TLSQ phải cử người đưa công dân đến tận cửa khẩu hai nước, hoặc thuê xe đưa họ đến cửa khẩu rồi chụp ảnh gửi về TLSQ làm tin, để chắc chắn họ đã về Việt Nam an toàn.
“Ai làm công tác bảo hộ công dân cũng chỉ mong một kết thúc có hậu sẽ đến với những người mà mình trực tiếp bảo hộ. Thế nhưng, cuộc sống mà, không phải lúc nào cái kết có hậu cũng tới. Nhiều trường hợp sau khi được chúng tôi bảo hộ, đôi khi cả hỗ trợ tài chính, để trở về quê nhà, họ tìm được việc làm ổn định, rồi sinh cơ, lập nghiệp. Thế nhưng cũng có những trường hợp không thể hòa nhập được với cuộc sống quê hương vì nhiều lý do, để rồi lại bỏ đi biệt tích. Đơn cử như trường hợp em bé người Khơ Mú ở một bản miền núi Nghệ An, sau khi được giải cứu về vẫn không thể thích nghi với cuộc sống trước kia vì những mặc cảm riêng” - anh chia sẻ.
Anh bảo, điều khiến anh day dứt về công tác bảo hộ công dân khi rời Nam Ninh chính là thực trạng con số công dân Việt Nam cần được bảo hộ ở đây vẫn đang không ngừng tăng lên. Trong đó, cái nghèo về kinh tế chỉ là một phần nguyên nhân dẫn đến việc bà con xâm nhập nước láng giềng bất hợp pháp, dù là chủ động hay bị động. Nguyên nhân khác, quan trọng hơn, chính là cái nghèo về nhận thức khiến bà con phạm sai lầm, để rồi sau đó không biết cách tự bảo vệ mình.
Chia tay Nam Trung khi Hà Nội đã lên đèn, nhà nhà đang sum họp bên mâm cơm tối, ám ảnh trong tôi là tâm tư của anh: “Những gì tôi chia sẻ chỉ như là một bức hình chụp vội trong muôn vàn công việc mà các cơ quan đại diện Việt Nam trên toàn thế giới đã và vẫn đang làm để bảo hộ công dân. Trong số những người được bảo hộ, còn sống trở về, dù có thế nào cũng là may mắn. Những công dân chết nơi đất khách quê người, được bảo hộ để người thân mang được thi thể hay lọ tro cốt về thì ít may mắn hơn. Nhưng thiệt thòi nhất chính là những người đi không ai biết, chết chẳng ai hay… mà hiện chưa có giải pháp nào thực sự hữu hiệu để giáo dục, thuyết phục, ngăn chặn từ trong nhận thức”.
Yêu cầu các nước đối xử nhân đạo với ngư dân tại Biển Đông Tại cuộc Họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao ngày 4/8, các phóng viên đã đặt câu hỏi về phản ứng của Việt Nam ... |
ĐSQ Việt Nam tại Đức thiết lập 4 đường dây nóng Trong trường hợp khẩn cấp hoặc có thông tin về người Việt là nạn nhân của vụ tấn công tại Munich, đề nghị bà con ... |
Tình hình người Việt trong vụ tấn công ở Munich Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã yêu cầu Đại sứ quán Việt Nam tại Đức tìm hiểu về hình hình người Việt tại Munich ... |