Tỉnh Cà Mau nằm ở cực Nam của Tổ quốc, ba mặt giáp biển, bờ biển dài nhất nước. |
Tiềm năng đa dạng
Tỉnh Cà Mau nằm ở cực Nam của Tổ quốc, ba mặt giáp biển, bờ biển dài nhất nước (254 km với 87 cửa sông lớn - nhỏ ra biển), trên biển có ba cụm đảo: Hòn Khoai, Hòn Chuối và Hòn Đá Bạc, có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng - an ninh, trong đó, cụm đảo Hòn Khoai gần đường hàng hải quốc tế, rất thuận lợi cho phát triển kinh tế hàng hải.
Vùng biển Cà Mau có diện tích thăm dò, khai thác khoảng 80.000 km2, nằm trong vòng cung đường biển của nhiều trung tâm phát triển ở khu vực Đông Nam Á; là một trong bốn ngư trường trọng điểm của cả nước, nguồn lợi thủy sản rất dồi dào, phong phú, đa dạng về loài, có nhiều loài có giá trị kinh tế cao; sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản hằng năm đạt trên 550.000 tấn, xuất khẩu sang hơn 50 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, kim ngạch xuất khẩu hằng năm đạt trên 1 tỷ USD.
Ngoài ra, tỉnh có tiềm năng về năng lượng điện gió, điện mặt trời, điện khí, cảng biển nước sâu, du lịch biển, đảo; có Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, Vườn Quốc gia U Minh Hạ đã được UNESCO công nhận là khu Dự trữ sinh quyển của thế giới…
Những con số ấn tượng
Thời gian qua, kinh tế - xã hội phải chịu tác động lớn bởi dịch Covid-19. Nhưng nhờ những thay đổi mạnh mẽ trong cải cách thủ tục hành chính, nắm bắt thông tin, hỗ trợ, tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển, chỉ số PCI năm 2020 của Cà Mau tăng hai bậc so với năm 2019, xếp 43/63 tỉnh, thành cả nước.
Trong năm tháng qua, tỉnh đã thu hút thêm chín dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 3.314 tỷ đồng, tăng ba dự án so với cùng kỳ năm 2020, gồm các lĩnh vực: Đầu tư xây dựng khu đô thị, điểm du lịch sinh thái, Nhà máy xử lý chế biến phụ phẩm thủy hải sản, dự án Nhà máy xử lý nước thải tập trung, cây xăng dầu... Tính luỹ kế đến nay, trên địa bàn tỉnh có 398 dự án được cấp phép đầu tư, trong đó có 10 dự án FDI với tổng vốn đăng ký gần 129.602 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Cà Mau cũng tiếp tục đẩy mạnh xây dựng các chương trình, đề án mở rộng, nâng cấp hệ thống giao thông bộ và giao thông thủy, chủ động phát triển hạ tầng các đô thị. Một số công trình, dự án phục vụ phát triển kinh tế biển đã và đang hoàn thành.
Đầu tư xây dựng nhiều công trình thủy lợi, đê, kè trọng yếu phục vụ sản xuất, chắn sóng, chống xói lở, xâm nhập mặn. Tập trung xây dựng các đô thị phát triển kinh tế biển là thị trấn Năm Căn (huyện Năm Căn), Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời), Khánh Hội (huyện U Minh), Cái Đôi Vàm (huyện Phú Tân), Tân Thuận (huyện Đầm Dơi)… Nhiều dự án điện gió, điện mặt trời, điện khí đang được đầu tư và mời gọi đầu tư ở khu vực ven biển mở ra nhiều cơ hội mới để Cà Mau phát triển.
Các công trình phúc lợi xã hội như điện, đường, trường, trạm, chợ, trung tâm văn hóa - thể thao, trạm nước sạch… ở các xã ven biển được quan tâm đầu tư, tỷ lệ hộ dân sử dụng điện lưới quốc gia đạt 99,9%; trường học đạt chuẩn quốc gia đạt 60%; 100% trạm y tế có bác sĩ.
Hoạt động khai thác, đánh bắt, nuôi trồng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản được quản lý chặt chẽ hơn. Tỉnh chủ trương nghiêm cấm việc khai thác thủy sản ven bờ; coi trọng công tác giáo dục, tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; thực hiện dự án thả rạn nhân tạo bước đầu có hiệu quả tích cực; chỉ đạo quyết liệt việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá để ngư dân không xâm phạm vùng biển nước ngoài; đầu tư xây dựng một số cảng cá, khu neo đậu, tránh trú của tàu thuyền; …
Qua đó đã tạo điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi bám biển, giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho ngư dân. Hằng năm, kinh tế biển đóng góp khoảng 55% GRDP; là tỉnh đứng đầu cả nước có số lượng nhà máy chế biến thủy sản và kim ngạch xuất khẩu mặt hàng tôm.
Hoạt động khai thác, đánh bắt, nuôi trồng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản được quản lý chặt chẽ hơn. |
Phát huy hiệu quả ba đột phá chiến lược
Mục tiêu xây dựng tỉnh Cà Mau phát triển nhanh, bền vững được thể hiện rõ trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025. Trong đó, mục tiêu tổng quát xác định: Xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy đoàn kết, dân chủ, đồng thuận trong nhân dân; tiếp tục khơi dậy sức sáng tạo, ý chí và khát vọng phát triển; khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư; không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; chú trọng phát triển kinh tế biển; thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, hướng đến tăng trưởng xanh; đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân; đảm bảo quốc phòng, an ninh; mở rộng quan hệ đối ngoại; xây dựng tỉnh Cà Mau phát triển nhanh, bền vững.
Phát huy những thành quả đạt được, trong năm năm 2020-2025, tỉnh xác định thực hiện ba khâu đột phá chiến lược:
Một là, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và của doanh nghiệp, xây dựng chính quyền điện tử, xây dựng nền kinh tế số, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, nâng cao trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức.
Hai là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh; tập trung đào tạo nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Ba là, huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiệu quả, trong đó ưu tiên đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông đi trước một bước; tập trung đầu tư phát triển rõ nét các đô thị động lực gồm: TP. Cà Mau, thị trấn Sông Đốc, thị trấn Năm Căn; tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, ưu tiên mời gọi các nhà đầu tư chiến lược, có tiềm lực tài chính mạnh đầu tư vào các ngành, lĩnh vực mà tỉnh có tiềm năng, lợi thế để tạo đột phá trong phát triển.
Giai đoạn 2015-2020, Cà Mau thực hiện hiệu quả ba đột phá chiến lược, tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng cả chiều rộng và chiều sâu, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Nhờ đó, kinh tế Cà Mau đạt tốc độ tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng.
Tổng sản phẩm (GRDP theo giá so sánh) tăng bình quân gần 7%/năm; quy mô nền kinh tế ước đạt hơn 60.000 tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người đạt gần 51 triệu đồng/năm; năng suất lao động xã hội giai đoạn 2016-2020 tăng bình quân 5,7%/năm.
Trong giai đoạn 2021-2025, Cà Mau tiếp tục phấn đấu đạt nhiều mục tiêu: GRDP bình quân tăng 6,5 - 7%/năm; trong cơ cấu kinh tế, ngư, nông, lâm nghiệp chiếm 28,7%; công nghiệp, xây dựng chiếm 35%; dịch vụ chiếm 32,5%; thuế nhập khẩu, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 3,8%; tổng vốn đầu tư xã hội bình quân hằng năm giai đoạn 2021-2025 chiếm từ 30-32% GRDP;...
Với những giải pháp và chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội linh hoạt, phù hợp tình hình thực tế, cùng với sự đồng lòng từ chính quyền địa phương đến người dân, mảnh đất địa đầu cực Nam của Tổ quốc hứa hẹn tiếp tục nối dài những thành quả đạt được, vươn mình, phát triển nhanh và bền vững.
CÀ MAU PHẤN ĐẤU ĐẠT THÀNH TÍCH:⇒ GRDP giai đoạn 2021-2025 bình quân tăng 6,5-7%/năm; GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 77 triệu đồng (tương đương 3.320 USD). ⇒ Cơ cấu kinh tế: Ngư, nông, lâm nghiệp chiếm 28,7%; công nghiệp, xây dựng chiếm 35%; dịch vụ chiếm 32,5%; thuế nhập khẩu, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 3,8%. ⇒ Tổng vốn đầu tư xã hội bình quân hằng năm giai đoạn 2021-2025 chiếm từ 30-32% GRDP; Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 6,5%/năm; Tỉ lệ đô thị hóa đạt 31%. (trích Nghị quyết Đại hội XVI của Đảng bộ tỉnh Cà Mau) |