Một nét văn hoá rất Việt
Buổi tối đầu tiên ở Hà Nội, cô Claire Sibonney thưởng thức một tách cà phê tại quán cà phê Đinh nằm ẩn mình trong căn nhà cổ nhìn ra hồ Hoàn Kiếm. Cà phê là một phần không thể thiếu trong văn hoá Việt Nam, bên cạnh những ngôi đền linh thiêng phủ bóng lịch sử. Hành trình của nhà văn người Canada bắt đầu với việc khám phá một số quán cà phê, từ những quán hiện đại theo phong cách phương Tây đến những quán cổ điển, mang đầy hơi thở truyền thống như cà phê Đinh.
Quán cà phê Đinh trong căn nhà cổ đầy hoài niệm. (Nguồn: Đinh Café) |
Trong không gian ấm cúng với những bàn gỗ thấp, ghế đẩu và những bức ảnh gia đình đen trắng, Sibonney gọi một cốc cà phê sữa nóng, một ly cà phê robusta đen đặc truyền thống với sữa đặc. Người pha chế cho cà phê vào phin rồi đặt lên trên cốc, đổ nước nóng vào, ngắm nhìn “hương vị” của hạt cà phê ngấm từ từ và nhỏ giọt vào cốc.
Với Sibonney, lần đầu tiên nhấp ngụm cà phê robusta đặc quánh, cô cảm nhận như có một “tia chớp” chảy qua qua người và được cân bằng bởi vị ngọt của sữa đặc. Đây không phải là hương vị cà phê arabica nhẹ nhàng mà nữ văn sĩ biết và yêu thích ở quê nhà, cà phê Việt Nam đắng, dư vị mạnh và làm tươi tỉnh tâm hồn.
Sibonney cho biết, đây là lần đầu tiên mình cảm nhận được sự đặc sắc của văn hóa cà phê Việt Nam. Để hiểu thêm về nguồn gốc cùng những ảnh hưởng của cà phê tới đời sống người Việt Nam hiện nay, cô đã tìm đến ông Tú Văn Công, một chuyên gia trong giới ẩm thực Street Eats Hanoi. Ông Công cho biết, văn hóa cà phê Hà Nội có nguồn gốc từ thời thực dân Pháp, các nhà truyền giáo Pháp đã giới thiệu cà phê đến Việt Nam năm 1857 và đến cuối thế kỷ XIX, những đồn điền cà phê đầu tiên được thành lập.
Theo ông Công, ban đầu, cà phê được coi là đặc quyền của các tầng lớp tinh hoa, trí thức và học giả. Theo thời gian, người Việt dần thích nghi với phương pháp pha cà phê của người Pháp và tạo ra phin lọc, khiến thức uống này trở nên dễ tiếp cận hơn.
Bên cạnh đó, Việt Nam là nước sản xuất cà phê lớn thứ hai thế giới, sau Brazil và là nguồn cung hạt robusta hàng đầu. Tác giả cho rằng, dù hạt robusta thường bị các chuyên gia cà phê xem là kém chất lượng nhưng nó đã ăn sâu vào văn hóa thưởng thức cà phê của Việt Nam.
Hương vị cuộc sống
Theo nhà văn người Canada, người dân địa phương đã quen với vị đắng khói đặc trưng, hàm lượng caffeine cao và thói quen thêm sữa đặc để cân bằng vị chát của cà phê robusta. Loại cà phê này cũng được điều chỉnh để phù hợp với khẩu vị Việt Nam thông qua việc sáng tạo những biến thể cà phê độc đáo.
Tiêu biểu như cà phê trứng nổi tiếng của Hà Nội, được chế biến bằng cách đánh lòng đỏ trứng với đường đến độ bông xốp và mịn, rồi cho lên tách cà phê.
Theo ông Anthony Slewka, quản lý khách sạn Sofitel Legend Metropole Hanoi, khách sạn lâu đời nhất ở Thủ đô, dù không phải người yêu thích món cà phê trứng này, du khách vẫn có thể cảm nhận được sự sáng tạo trong từng lớp hương vị. Năm 1946, khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ, sữa tươi ở Hà Nội trở nên khan hiếm. Vì vậy, ông Nguyễn Văn Giảng, một nhân viên pha chế của Metropole Hanoi, đã sáng tạo lớp bọt của cappuccino cho khách hàng châu Âu bằng cách sử dụng lòng đỏ trứng đánh bông lên.
Cà phê trứng là thức uống đầy hấp dẫn, độc đáo với du khách nước ngoài. (Nguồn: Đinh Café) |
Đối với Sibonney, văn hóa cà phê ở Việt Nam còn gắn bó sâu sắc với những người trẻ và người lao động. Sau một ngày dài làm việc, trò chuyện bên cốc cà phê trở thành dấu ấn quen thuộc của đời sống người Việt Nam.
Trở về Canada, Sibonney ghé thăm Cộng Cà Phê tại Toronto, tiếp tục thưởng thức văn hóa cà phê Việt Nam. Tại đây, cô được nghe quản lý kể về câu chuyện của những chiếc ghế nhựa hoặc ghế xếp thấp, phổ biến ở các quán cà phê, nhà hàng và trên vỉa hè ở khắp Việt Nam bởi sự giản dị, dễ tiếp cận và tinh thần cộng đồng.
Nữ văn sĩ cũng háo hức tìm hiểu về “cuộc cách mạng robusta” đang diễn ra tại Canada và trên toàn cầu. Đây là một chủ đề tuyệt vời để tán gẫu với người lạ ở Cộng Cà Phê, khiến cô nhớ về những cuộc trò chuyện tại Việt Nam. Ban đầu, Sibonney có phần e ngại trước hương vị mạnh mẽ của hạt cà phê này, nhưng giờ đây thức uống này lại là cơ hội để cô được sống chậm lại, thưởng thức cà phê mạnh pha thêm chút đường và cảm nhận hương vị ngọt ngào đan xen với chút đắng của cuộc sống.
Trong chuyến hành trình khám phá Việt Nam, vị khách đến từ Canada không chỉ thưởng thức cà phê như một thức uống, mà còn là biểu tượng của sự sáng tạo, kiên cường và tính cộng đồng. Dù là ly robusta đậm đà hay cà phê trứng độc đáo đều mang theo câu chuyện về lịch sử, bản sắc và sự khéo léo của người Việt. Hơn hết, ở mọi góc phố, cà phê không chỉ là nguồn năng lượng mà còn là nơi kết nối, tâm tình và thư giãn.
(*) Tác giả là nhà văn tự do, biên tập viên, nhà chiến lược nội dung với hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực báo chí. Các tác phẩm xuất hiện trên các tạp chí như National Geographic, WIRED, TIME, SELF, Teen Vogue, InStyle...
Cô từng là phóng viên tại Reuters, Giám đốc kỹ thuật số tại Canadian Living, biên tập viên tại Huffington Post, Today’s Parent, Fashion và EnRoute. Ngoài công việc biên tập, cô giảng dạy báo chí tại trường Centennial College (Canada).