Hai vị thuyền trưởng vui mừng vì vừa trở về từ cõi chết. |
Chuyện xảy ra đã hơn nửa tháng, thế nhưng khi kể lại, gương mặt thuyền trưởng chiếc tàu đánh cá QNg 96307- TS Nguyễn Văn Lộc (52 tuổi) ở khu dân cư số 9, thôn Tây, xã An Vĩnh (huyện Lý Sơn) vẫn còn nguyên vẻ thất thần. Toàn bộ cuộc đối mặt với cơn bão số 9 hầu như còn in đậm trong trí ông. Tôi ngồi đắm mình nghe ông Lộc kể.
Tàu của ông Lộc chuyên làm nghề lặn khơi xa. Chuyến ấy ra khơi với 15 thuyền viên, dự định 2 tháng sau mới quay về. Rời bến được 1 tuần, các thợ lặn mới chỉ thu hoạch được 1 ít hải sâm, ông Lộc dự định đi xa hơn mong có thu hoạch thì sáng 26/9 nghe đài báo bão. Khi ấy tàu đang ở tọa độ 15.5 độ Vĩ bắc, 114 độ Kinh đông. Lúc này bản tin dự báo cơn bão đang ở 123 độ Kinh đông. Tính toán trên bản đồ, ông Lộc thấy bão còn cách xa tàu mình hơn 500 hải lý, cầm chắc sẽ về bờ trước khi bão tới.
Sáng ngày 27/9 ông Lộc cho tàu quay lại bờ, đến chiều thì tàu về đến vùng Gò Ngầm thuộc vùng biển Trung Sa. Tiếp tục cho tàu chạy đến sớm hôm sau thì cách đảo Bom Bay (quần đảo Hoàng Sa) 12 hải lý. Không ngờ cơn bão đi nhanh quá, chẳng bao lâu gió đã ập đến cực kỳ hung hãn. Không dám chạy tiếp, ông Lộc định cho tàu nấp vào đảo Bom Bay. Thế nhưng theo dự báo, cơn bão số 9 mạnh đến cấp 15 nên vị thuyền trưởng này lo ngại nếu trú được vào đó cũng chưa hẳn đã yên thân. Nhớ cơn bão năm ngoái, có 3 chiếc tàu cũng nấp ở đây nhưng vẫn bị bão đánh vỡ toác.
Ông Lộc quyết định dấn ga chạy về hướng đảo Lý Sơn. Đến bây giờ ông vẫn cho rằng mình đã quyết định đúng. Sau 1 ngày đêm chuyển hướng, chạy đến tọa độ 13.8 độ Vĩ bắc,110 độ Kinh đông thì bão chặn đứng con tàu. Khi tàu chỉ còn cách bờ biển Quy Nhơn có 80 hải lý nữa thì tàu đứng hẳn, không thể nhích thêm tí nào.
Ông Lộc đành cho neo tàu và hối thúc thuyền viên thả dòm dù để giữ thăng bằng. Thế nhưng 1 cái dòm dù không ăn thua trước cơn bão quá lớn, ông Lộc cho thyền viên đục rỗng đầu 1 cái phuy kèm neo thả xuống tiếp, 3 tiếng đồng hồ sau dòm dù rách toang như xơ mướp. Tàu chòng chành dữ dội, hầu hết thuyền viên mặt cắt không còn giọt máu, tinh thần suy sụp nghiêm trọng.
Ông Lộc cố động viên anh em đục 2 thùng phuy nữa, thêm 2 cái neo thả xuống cộng với 3 chiếc lốp ôtô rồi liên tục đổ dầu diezel lên 2 bên mạn tàu. Theo kinh nghiệm dân gian thì sóng bủa vào gặp dầu sẽ trượt sang 2 bên chứ không “bổ” xuống tàu mình. Đến lúc này, mọi người trên tàu đều rũ rượi, vừa đói vừa khát. Không thể nấu cơm, mì tôm cũng ướt trôi lềnh bềnh, téc đựng nước ngọt 1.000 lít cũng bị bão đánh tan. Lúc ấy, không ai nói ra nhưng chắc trong lòng mỗi người đều đã nghĩ đến cái chết.
Nghỉ hơi nhấp ngụm trà, đôi mắt nhìn xa xăm ra hướng biển, ông Lộc kể tiếp: “Cơn bão kéo quá dài, mọi nỗ lực giữ tàu thăng bằng đã bị sóng dữ phá tan. Trong lúc tưởng như cái chết đã cận kề thì tất cả những người trên tàu đều thấy “ông” (cá voi) xuất hiện. Một “ông” chắn trước mũi tàu, mỗi khi có con sóng ập tới là “ông” nhảy lên, dùng tấm thân không lồ đỡ không cho sóng vỗ vào tàu. Hai bên mạn tàu cũng có 2 “ông” khác kè thân vào nên tàu mới giữ được thăng bằng nếu không đã bị lật úp vài ba lần rồi. Khi ấy mọi người trên tàu đều quỳ mọp xuống, nhắm mắt lại xin “ông” che chở qua cơn hoạn nạn.
Từ khi có các “ông” đến trợ giúp, con tàu như êm hẳn trong cơn bão quật. Đến 5 giờ chiều 29 bão vào bờ, mọi người đồng thanh ồ lên khóc vì còn sống rồi vái lia vái lịa tạ ơn các “ông”. Khi ấy chúng tôi mới hoàn hồn tìm cách gọi về bờ nhưng tất cả mọi phương tiện đều mất liên lạc. May quá cái radio còn dùng được, mở ra thì nghe đài đang đọc tên tàu mình thông báo mất tích”.
Vợ ông Lộc, bà Võ Thị Nhậm (54 tuổi) mộc mạc: “Suốt mấy ngày liền tôi cứng miệng không nói được câu gì, chỉ biết cầu xin trời phật cho chồng con thoát bão. Thằng cháu cứ liên tục liên lạc di động với con trai tôi đang ở trên tàu để nghe tin ba nó. Chiều 29 bỗng dưng nó nghe máy bên kia có tín hiệu. Mừng quá nó cầm máy chạy sang nhà tôi. Mất sóng, nhưng tôi nghe máy bên kia tít tít là biết tàu không bị chìm, nếu tàu chìm làm sao máy điện thoại hoạt động”. Chiều 29 tàu ông Lộc thẳng tiến về Lý Sơn, đến 23 giờ ngày 30 họ đặt chân lên bờ. Ông Lộc tâm sự: “Khi đặt chân lên đất tôi mới biết mình còn sống, nhìn vợ con mà nghẹn cứng họng không nói được gì”.
Kể xong chuyện mình, ông Lộc dắt tôi đến nhà ông Nguyễn Văn Thiện (33 tuổi), người cùng thôn và là người cùng cảnh ngộ, thuyền trưởng tàu QNg 6380 TS. Ông Thiện kể lại: “Tàu anh Lộc 200 CV còn suýt bị bão vật huống gì tàu của tôi chỉ có 75CV. Vì tàu nhỏ nên không đi xa bờ, chỉ lặn quanh quẩn quần đảo Hoàng Sa. Rời bến được 10 bữa thì nghe tin báo bão, sáng 27 tôi cho tàu chạy về Lý Sơn. Chiều hôm sau tàu chỉ còn cách Lý Sơn có 8 hải lý, chạy vài chục phút nữa là tới bờ nhưng bão ập đến, sóng to dữ dội, tàu không thể chạy thêm. Tôi cho dừng tàu, thả dòm dù và đổ dầu xuống biển. Khi ấy tôi cầm lái, liên tục xoay chuyển hướng mũi con tàu đâm thẳng về hướng con sóng ập đến chứ sóng đánh ngang mạn thì chìm ngay".
Mức tổn thất trong chuyến biển vừa rồi của ông Lộc là 200 triệu, của ông Thiện là 100 triệu, đó không phải là khoản tiền nhỏ, nhất là khi chỉ cách đây 3 năm, ông Lộc đã bị đắm 1 chiếc tàu bạc tỷ tại quần đảo Hoàng Sa. Đó là chưa kể 2 chiếc tàu giờ đã bị bão quật đến “tưa xơ mướp”, phải sửa lại khối tiền mới ra khơi trở lại được. Thế nhưng so với mạng sống của 29 con người, số tiền tổn thất trên trở nên “nhỏ rức”, không để lại chút muộn phiền nào trên gương mặt của 2 thuyền trưởng. Cả ông Lộc và ông Thiện cùng tâm sự: “Đã ở Lý Sơn là phải bám biển mới sống được. |
Khi ấy anh em cũng khóc, nhưng là khóc mừng vì đã có “ông” đến cứu. Chiều tối ngày 29 biển yên dần, nhìn xuống thì không còn thấy “ông” nào. Các “ông” đã lặng lẽ bơi ra biển xa khi đã cứu chúng tôi thoát khỏi cái chết. Nếu không có các “ông” cứu giúp thì giờ tôi đã mất xác ngoài biển, bỏ lại người vợ với 3 đứa con nhỏ dại, 1 đứa còn đang nằm trong bụng mẹ”.
Niềm vui đoàn tụ với gia đình và niềm vui chia sẻ của hầu hết người dân thôn Đông thức suốt đêm đón 2 con tàu trở về tại bến cảng đã như liều thuốc trợ lực khiến 29 thuyền viên không thấy mệt mỏi. Suốt đêm 30/9 họ ngồi với nhau để nghe những người trở về từ cõi chết kể chuyện được cá “ông” cứu sống.Theo Nông nghiệp