Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM lần thứ 13 |
Các Bộ trưởng tiến hành Phiên họp về “Các vấn đề quốc tế và khu vực”, đặc biệt các vấn đề liên quan đến hòa bình, an ninh, chủ nghĩa khủng bố, không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, an ninh hàng hải… Các thành viên chia sẻ đánh giá về tình hình phức tạp tại Trung Đông - Bắc Phi, Ucraina, khủng hoảng nhập cư, tác động của việc Anh rút khỏi EU. Nhiều thành viên bày tỏ quan ngại trước những diễn biến đang tác động đến môi trường an ninh tại châu Á, trong đó có Bán đảo Triều Tiên, Biển Đông và Hoa Đông.
Hội nghị nhất trí về nhu cầu cấp thiết cần tăng cường hợp tác nhằm duy trì hòa bình, an ninh và ổn định, khẳng định cam kết cùng nỗ lực bảo đảm hòa bình, ổn định và thịnh vượng, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không, tự do thương mại, đề cao các biện pháp xây dựng lòng tin, nguyên tắc kiềm chế không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết các tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình trên cơ sở của luật pháp quốc tế, trong đó có Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Luật biển Liên hợp quốc 1982 (UNCLOS).
Hội nghị đánh giá cao vai trò của ASEAN trong thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin và hợp tác vì hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng ở châu Á - Thái Bình Dương và thế giới cũng như vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh, cục diện thế giới đang chuyển biến nhanh chóng và sâu sắc. Trong khi hòa bình và hợp tác vẫn là xu thế chủ đạo, cộng đồng quốc tế đang phải đối mặt với những thách thức chưa từng có. Các thách thức về an ninh truyền thống và phi truyền thống đang tác động sâu rộng. Chủ nghĩa khủng bố và cực đoan đã trở thành vấn đề toàn cầu và là mối đe dọa đối với tất cả chúng ta. Các nỗ lực về giải trừ quân bị và không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, trong đó có vũ khí hạt nhân, đã không đạt được kết quả như mong đợi. Khủng hoảng di cư và nhân đạo tiếp tục trầm trọng, nguy cơ xung đột do tranh chấp lãnh thổ và biển đảo ngày càng hiện hữu, tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu vượt xa dự báo.
Phó Thủ tướng cho rằng, các thành viên ASEM phải cùng hành động để có thể ứng phó hiệu quả hơn với các thách thức ngày càng gắn kết và có hệ lụy sâu rộng này trên cơ sở thúc đẩy quan hệ đối tác mạnh mẽ và năng động hơn giữa châu Á và châu Âu, trong khi vẫn giữ vững các giá trị cốt lõi và các nguyên tắc của ASEM về bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi.
Theo đó, Việt Nam ủng hộ mọi nỗ lực của cộng đồng quốc tế phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế để tìm giải pháp hòa bình và bền vững cho các xung đột và tranh chấp ở Trung Đông, châu Phi, châu Á… Phó Thủ tướng khẳng định, tại khu vực của mình, các thành viên ASEAN, đã bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về những diễn biến đáng lo ngại ở Bán đảo Triều Tiên, trong đó có các vụ phóng tên lửa đạn đạo và thử hạt nhân gần đây, tái khẳng định ủng hộ phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên, kêu gọi kiềm chế và nối lại đối thoại nhằm giảm căng thẳng và tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy hòa bình và ổn định ở Bán đảo Triều Tiên và khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam và các nước ASEAN đã và đang phối hợp chặt chẽ với cộng đồng quốc tế, trong đó có các thành viên ASEM, để bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh an toàn, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông và bảo đảm các tuyến giao thương trong và ngoài khu vực không bị cản trở. Theo đó, cần kiên trì thúc đẩy nỗ lực chung, khẳng định cam kết giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS); tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý; kiềm chế các hoạt động có thể làm phức tạp thêm tình hình. Việt Nam hoan nghênh việc ASEAN và Trung Quốc thông qua Khung Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) và việc chính thức khởi động đàm phán một COC thực chất và có hiệu lực.
Toàn cảnh phiên họp sáng 12/11. |
Là thành viên tích cực, Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục phối hợp với các thành viên ASEM đóng góp vào nỗ lực duy trì hòa bình, an ninh và ổn định ở châu Á - Thái Bình dương và trên toàn thế giới.
* Trưa cùng ngày, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM lần thứ 13 đã kết thúc tốt đẹp. Hội nghị đã thông qua Tuyên bố Chủ tịch với nhiều quyết định quan trọng, chuyển thông điệp mạnh mẽ của các thành viên ASEM về quyết tâm tăng cường quan hệ đối tác Á - Âu vì hòa bình và phát triển bền vững, đồng thời định hướng cho hợp tác của Diễn đàn trong thời gian tới. Các Bộ trưởng cũng thông qua 15 sáng kiến mới, trong đó có sáng kiến của Việt Nam về “Hội nghị ASEM về cùng hành động ứng phó biến đổi khí hậu nhằm đạt các Mục tiêu về phát triển bền vững” được đánh giá cao và nhiều thành viên tham gia đồng bảo trợ.
Tại Lễ bế mạc, các thành viên hoan nghênh Liên minh châu Âu đăng cai Hội nghị Cấp cao ASEM lần thứ 12 vào năm 2018 và Tây Ban Nha đăng cai Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM lần thứ 14 vào năm 2019, đồng thời khẳng định cùng nỗ lực phối hợp bảo đảm thành công của các Hội nghị.
Sau hai ngày làm việc khẩn trương, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM lần thứ 13 đã kết thúc tốt đẹp, đề ra những định hướng và các biện pháp cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả cũng như nâng tầm hợp tác của ASEM trong thập niên phát triển mới của Diễn đàn. Những kết quả tích cực đạt được tại Hội nghị tiếp tục chứng tỏ vai trò của ASEM là một cơ chế đối thoại và hợp tác quan trọng. Các thành viên đều khẳng định quyết tâm chung tăng cường quan hệ đối tác năng động và gắn kết giữa hai châu lục Á - Âu trong giai đoạn mới.
Đối với Việt Nam, trong triển khai đổi mới toàn diện, hội nhập quốc tế sâu rộng và nâng cao chất lượng và hiệu quả của đối ngoại đa phương, Diễn đàn ASEM tiếp tục là một cơ chế hợp tác liên khu vực quan trọng để thúc đẩy các lợi ích, quan tâm về kinh tế, phát triển và an ninh cũng như nâng cao vị thế của đất nước trong cục diện đang định hình.