Các chuyên gia kinh tế tại buổi thảo luận |
Phát biểu tại khai mạc, ông Peter Jankowitsch, Chủ tịch Hội Hữu nghị Áo – Việt, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Áo cho biết mục đích của Hội thảo nhằm phân tích quá trình chuyển đổi kinh tế thành công của Việt Nam đồng thời là một dịp tốt để doanh nghiệp Áo trao đổi về những cơ hội và thách thức khi làm ăn tại Việt Nam, nhất là có thể giải đáp các khó khăn gặp phải.
Chào mừng Hội thảo, Đại sứ Việt Nam tại Áo Nguyễn Thiệp đã cảm ơn và đánh giá cao sáng kiến của Hội Hữu nghị Áo – Việt, hỗ trợ của Học viện Ngoại giao Áo tổ chức Hội thảo, coi đây là một đóng góp rất thiết thực của Hội hữu nghị vào việc tăng cường hợp tác Việt – Áo. Đại sứ Nguyễn Thiệp nhấn mạnh Hội thảo là dịp để các nhà nghiên cứu nhìn lại kinh nghiệm của Việt Nam; đồng thời là cơ hội tìm hiểu kinh doanh tại một thị trường mới nổi với gần 100 triệu dân, đang mở cửa và hội nhập vào kinh tế thế giới; khẳng định đầu tư của Áo tại Việt Nam đều thành công và mong muốn gắn bó lâu dài với Việt Nam; khẳng định Chính phủ Việt Nam sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài và Đại sứ quán Việt Nam tại Áo tiếp tục là một địa chỉ tin cậy cho các doanh nghiệp Áo quan tâm tới thị trường Việt Nam.
Tiếp đó, Tiến sĩ Thomas Jandl đã giới thiệu công trình nghiên cứu “Việt Nam trong nền kinh tế toàn cầu” mà ông mới xuất bản viết về quá trình chuyển đổi kinh tế Việt Nam, với các số liệu, tư liệu phân tích thu thập được trong nhiều năm nghiên cứu ở Việt Nam. Ông cho rằng là một trong số các thị trường mới nổi, Việt Nam đang thu hút chú ý của nhiều công ty xuyên quốc gia, do các lợi thế cạnh tranh hấp dẫn, nhất là bối cảnh nhiều công ty đang xem xét lại chiến lược đầu tư ở khu vực trong đó có Trung Quốc.
Giáo sư Wener Clement, người từng làm chuyên gia tại Viện quản lý Kinh tế TW, cố vấn tại Bộ Kế hoạch Đầu tư đầu những năm 90, cho rằng quyết định chuyển đổi kinh tế của Việt Nam tại Đại hội VI là một quyết định dũng cảm. Đồng thời, Giáo sư cũng nêu lên những khó khăn, thách thức mà Việt Nam phải đối mặt khi bắt đầu chuyển đổi kinh tế, từ việc làm quen với các khái niệm của kinh tế thị trường, sửa đổi hệ thống pháp luật cho đến đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý… GS W. Clement phân tích những nguyên nhân dẫn đến thành công của Việt Nam, ông nhấn mạnh ngoài chính sách đúng đắn của lãnh đạo, người dân Việt Nam có nhiều đức tính tốt đẹp như chăm chỉ, ham học hỏi, có ý chí làm giàu… và điều quan trọng là Việt Nam đã duy trì được sự ổn định xã hội; ông kết luận, kinh nghiệm phát triển kinh tế của Việt Nam có thể là một thí dụ tốt đẹp cho các nước đang phát triển tham khảo trong quá trình cải cách. Ông Hans-Jorrg Hortnagl, đại diện của Phòng Kinh tế Áo (WKO) đề cập đến trao đổi thương mại Áo – Việt tăng trưởng liên tục trung bình 30% trong 5 năm qua; phân tích các tiềm năng và thế mạnh của kinh tế Việt Nam (thị trường lớn, dân số trẻ, chi phí nhân công thấp, môi trường ổn định..); khẳng định WKO sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp Áo làm ăn tại Việt Nam.
Các công ty Áo dự Hội thảo quan tâm tìm hiểu về chính sách ưu đãi đối với đầu tư công nghệ thông tin, như nhu cầu lập băng thông rộng cho các công ty phần mềm, chính sách của Việt Nam về năng lượng, ưu tiên dành cho năng lượng tái tạo và các biện pháp thu hút đầu tư của các địa phương. Các diễn giả đã khẳng định nhu cầu và chính sách của Việt Nam thu hút các doanh nghiệp công nghệ cao với nhiều chính sách ưu đãi và kêu gọi các doanh nghiệp Áo vốn có thế mạnh về công nghệ cao, cần nhanh chóng nắm bắt cơ hội tại Việt Nam, khi Việt Nam đang khẩn trương đàm phán FTA với EU cũng như TPP với các nước ở châu Á -Thái Bình Dương… Cuộc Hội thảo đã diễn ra sôi nổi, tạo cơ hội cho doanh nghiệp và giới kinh tế hiểu sâu hơn về chính sách phát triển của Việt Nam, đóng góp thiết thực vào việc mở rộng hơn nữa hợp tác nhiều mặt giữa hai nước hiện nay.
B.C