Máy bay tàng hình B-2 Spirit Mỹ. (Nguồn: wikipedia) |
Công nghệ tàng hình
Radar - thuật ngữ viết tắt của cụm từ tiếng Anh “Radio Detection and Ranging” (Dò tìm và Định vị bằng Sóng vô tuyến) hay “Radio Angle Detection and Ranging” (Dò tìm và Định vị góc bằng Sóng vô tuyến) - là hệ thống dùng để định vị và đo khoảng cách cũng như lập bản đồ các vật thể, được sử dụng phổ biển trong hàng hải, hàng không và quân sự. Radar hoạt động ở tần số vô tuyến siêu cao tần, có bước sóng siêu ngắn, dưới dạng xung được phát theo một tần số lặp xung nhất định.
Trong quá trình lan truyền, gặp bất kỳ chướng ngại nào, sóng radar bị phản xạ trở lại và tín hiệu phản xạ trở lại được chuyển sang tín hiệu điện. Biết vận tốc sóng, thời gian sóng phản xạ trở lại, người ta có thể xác định được khoảng cách từ máy phát đến đối tượng cần theo dõi. Sóng radio có thể dễ dàng tạo ra với cường độ thích hợp, có thể phát một lượng sóng cực nhỏ và sau đó khuếch đại vài lần, vì thế, radar thích hợp để định vị vật ở khoảng cách xa hơn so với phản xạ của âm thanh hay của ánh sáng quá yếu, không đủ để định vị.
Sóng điện từ phản xạ (tán xạ) từ các bề mặt - nơi có sự thay đổi lớn về hằng số điện môi - nói cách khác, một chất rắn trong không khí hay chân không, hoặc một sự thay đổi nhất định trong mật độ nguyên tử của vật thể với môi trường ngoài, sẽ phản xạ sóng radar. Sóng radar tán xạ theo nhiều cách, phụ thuộc vào tỷ lệ giữa kích thước của vật thể tán xạ với bước sóng của sóng radio và hình dạng của vật. Nếu bước sóng ngắn hơn nhiều so với kích thước vật, tia sóng sẽ dội lại tương tự như tia sáng phản chiếu trên gương. Nếu như bước sóng lớn hơn so với kích thước vật, vật thể sẽ bị phân cực, giống như một ăngten phân cực.
Tàng hình trong quân sự được hiểu là tập hợp các giải pháp để giảm tầm nhìn của các phương tiện chiến đấu (máy bay, xe tăng, tàu chiến…) trong các khoảng phổ radar, hồng ngoại... thông qua các cấu trúc hình học đặc biệt, sử dụng vật liệu và lớp phủ hấp thụ radar, nhằm giảm tối đa khoảng cách bị phát hiện, nhờ đó, làm tăng khả năng sống sót của xe - máy quân sự. Các công nghệ được áp dụng để giảm khả năng bị phát hiện là một mảng độc lập trong khoa học quân sự về các biện pháp đối phó điện tử. Đáng lưu ý, sự hấp thụ đáng kể của sóng vô tuyến chỉ có thể đạt được trong khoảng bước sóng centimet và kém hơn trong khoảng bước sóng decimet.
Máy bay tàng hình Sukhoi T-50 Nga. (Nguồn: Wikipedia) |
Ở trình độ công nghệ hiện tại, không thể đạt được sự hấp thụ hoàn toàn bất kỳ phát xạ vô tuyến nào trên một vật thể ở một góc độ tùy ý. Theo hướng này, một phần tín hiệu sẽ được hấp thụ bởi các lớp phủ đặc biệt và phần còn lại được phản xạ để sóng vô tuyến không quay trở lại radar quan sát (đặc biệt hiệu quả chống lại các trạm thu phát kết hợp). Tuy nhiên, máy bay được tạo ra bằng công nghệ tàng hình cũng không hẳn “vô hình” đối với các hệ thống phòng không hiện đại.
Công nghệ tàng hình mới
Các nhà khoa học nhận thấy, ngụy trang-tàng hình được sử dụng ngày nay có những nhược điểm lớn là đắt đỏ, giảm khả năng cơ động của đối tượng, đồng thời, sóng radar vẫn bị phản xạ bởi phương tiện chiến đấu, mặc dù ở mức độ thấp hơn. Bên cạnh đó, tín hiệu được hấp thụ vẫn tạo ra một “cái bóng” có thể được phát hiện bởi các hệ thống định vị tiên tiến hơn. Trong khuôn khổ dự án ANASTASIA, các chuyên gia Nga cùng với các đồng nghiệp Italy đã đưa ra một cơ sở lý thuyết mới, cho phép tạo ra một thế hệ máy bay vô hình mới.
Tàu tàng hình USS Zumwalt Mỹ. (Nguồn: Wikipedia) |
Phương pháp ngụy trang mới được đề xuất không dựa trên nguyên tắc hấp thụ tín hiệu định hướng, hiện đang được áp dụng trong chế tạo máy bay chiến đấu "vô hình" mà theo hướng để sóng radar truyền qua chúng, như là tín hiệu không gặp chướng ngại nào trên đường truyền, nhờ kích thích trạng thái đặc biệt của trường điện từ. Hiện tại, các chuyên gia đã phát triển lý thuyết tàng hình tổng quát và chuyển nó sang mô hình toán học.
Công nghệ như vậy sẽ có thể giúp che giấu không chỉ các mục tiêu quân sự lớn, mà cả các thiết bị điện tử vi mô và vi mạch điện tử nano. Trong tương lai, các nhà khoa học dự định tạo ra các mô hình cân bằng cả momen điện và momen từ. Hiện tại, máy bay duy nhất của Nga sử dụng đầy đủ công nghệ tàng hình là Su-57. Có thể các khám phá mới sẽ giúp nó trở nên “vô hình” hơn trước các radar đối phương.