📞

Các công ty truyền thông Mỹ đòi quyền lợi từ các 'gã khổng lồ công nghệ'

Minh Quân 11:54 | 02/04/2023
Các tổ chức, công ty truyền thông nhỏ có thể cùng hợp tác để thương lượng về mức giá quảng cáo với các "gã khổng lồ" công nghệ.
Các nghị sỹ Mỹ đã đề xuất một dự luật cho phép các công ty truyền thông có thể hợp tác để thương thảo với các Big Tech về chi phí quảng cáo. (Nguồn: Reuters)

Ngày 1/4, theo dự luật mới có nhóm nghị sỹ Mỹ tái đề xuất, các đài truyền hình và nhà xuất bản tin tức có ít hơn 1.500 nhân viên toàn thời gian có thể hợp tác, cùng thương lượng mức giá quảng cáo với các “gã khổng lồ” công nghệ như Google, một trong các công ty lớn nhất về quảng cáo trực tuyến.

Thượng nghị sỹ đảng Dân chủ Amy Klobuchar, Chủ tịch tiểu ban chống độc quyền của Ủy ban Tư pháp Thượng viện cùng với Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa John Kennedy đã tái đề xuất dự luật này. Nó cũng nhận được sự ủng hộ của nhiều nghị sỹ thuộc cả hai đảng. Trước đó, các nghị sỹ đã trình dự luật lên Quốc hội, nhưng không thành công đưa nó trở thành luật.

Trong nhiều năm qua, các nhà sản xuất tin tức đã phàn nàn rằng họ không được khoản tiền xứng đáng với số lượng độc giả mà nội dung của họ thu hút cho các nền tảng trực tuyến.

Liên minh Tin tức/Truyền thông, một hiệp hội thương mại trong ngành truyền thông, đã đánh giá cao dự luật này, cho rằng nó sẽ bảo vệ và duy trì hoạt động báo chí địa phương. Theo Hiệp hội này, các công nghệ mới nổi như Trí tuệ nhân tạo (AI) càng làm nổi bật hơn nhu cầu về tăng cường phần chi cho các nhà sản xuất tin tức, khi lợi nhuận của họ sẽ ngày càng bị thu hẹp trong tương lai.

Google đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận của báo giới về dự luật này. Tuy nhiên, công ty này từng cho biết, doanh thu quảng cáo và phí cấp phép mang tới doanh thu cần thiết cho các tổ chức tin tức. Google cũng khẳng định công cụ tìm kiếm của họ đưa độc giả đến trang web của các nhà xuất bản tin tức hàng tỷ lần/tháng.

Trong khi đó, tháng 12/2022, Meta, công ty mẹ của Facebook, đã đe dọa xóa tin tức nếu Quốc hội thông qua biện pháp cạnh tranh báo chí.

(theo Reuters)