Nhỏ Bình thường Lớn

Các “độc chiêu” thúc đẩy sáng tạo

Để thúc đẩy niềm đam mê trong công việc và gia tăng sức sáng tạo của nhân viên, nhiều công ty đã không ngừng nghĩ ra những ý tưởng độc đáo, mới lạ. Các ý tưởng như vậy thường đem lại cho công ty những sản phẩm thành công và những nhân viên vui vẻ. Dưới đây là 7 "độc chiêu" mà các hãng công nghệ đã áp dụng và được nhiều nhân viên hưởng ứng.

7 năm làm, 1 năm nghỉ

Cứ 7 năm một lần, Nhà thiết kế nổi tiếng người Áo Stefan Sagmeister lại đóng cửa xưởng làm việc Sagmeister & Walsh ở New York và cho phép các nhân viên của mình nghỉ xả hơi trong hẳn 1 năm để đi tìm những cảm hứng sáng tạo mới. Nhờ vậy mà những sản phẩm trong xưởng thiết kế của Sanmeister luôn đầy ắp tính sáng tạo. Nhà thiết kế đầy tài năng này cũng không ngần ngại khuyến khích nhân viên của mình thể hiện ….

20% thời gian

Để thúc đẩy khả năng sáng tạo của từng cá nhân, Google luôn khuyến khích các kỹ sư tham gia vào các dự án sáng tạo riêng ngoài các công việc hàng ngày của họ. Thông thường, thời gian dành cho các dự án sáng tạo này chiếm đến 20% thời gian làm việc một tuần. Và Gmail - dịch vụ e-mail hàng đầu thế giới là một trong những thành công từ chính sách "20% thời gian" của Google.

Các văn phòng làm việc của Google luôn là những văn phòng có thiết kế độc đáo nhất thế giới. Từ những ánh đèn tối màu trong phòng nhạc của Google Toronto (Canada ) tạo cảm giác như đang ở hộp đêm đến không khí làm việc ấm áp như ở nhà riêng tại Google Paris (Pháp) hay như lạc vào khu rừng với nhiều động vật hoang dã tại chi nhánh Google - San Francisco (Mỹ),…

Một trong những "độc chiêu" khác mà Google hay áp dụng để khuấy động sức sáng tạo cho nhân viên là mời những nhân vật nổi tiếng từ nhiều giới tới công ty diễn thuyết thông qua chương trình @Google Talks. Khách mời của Google cũng rất đa dạng, từ những gương mặt của làng giải trí như Lady Gaga, Tina Fey cho đến các nghệ sĩ, tác giả, diễn viên, chính khách… Mục tiêu của các buổi nói chuyện này là "giúp bộ não học tập, phát triển và tư duy". Các buổi nói chuyện sau đó sẽ được Google đưa lên Youtube.

Cảm hứng từ lãnh đạo

Văn phòng làm việc cũ của tỷ phú Bill Gates đã được hãng Microsoft biến thành một ga-ra chứa đầy những những đồ chơi công nghệ mới nhất. Các nhân viên của hãng có thể tự do đến đây để làm việc, thảo luận hoặc đơn giản là chơi đồ chơi. Thỉnh thoảng, đội ngũ nhân viên lại tổ chức một "tuần gara" để cả nhóm có thể tập trung lại cùng nhau sáng tạo và bàn luận về sản phẩm.

Phục vụ ăn thật ngon

Asana, dự án phần mềm ứng dụng quản lý dự án được đồng sáng lập bởi Dustin Moskowitz (cựu sáng lập Facebook) và Justin Roenstein lại sử dụng đồ ăn để thu hút và khuyến khích sức sáng tạo của nhân viên. Văn phòng của Asana có hẳn một nhà ăn lớn với hai đầu bếp thường trực có nhiệm vụ xây dựng những bữa ăn bổ dưỡng, hảo hạng để tăng năng suất và tránh triệu chứng buồn ngủ sau khi ăn cho nhân viên.

Nếu nhân viên cảm thấy vẫn chưa đủ, họ có thể thưởng thức socola từ bức tường phủ đầy socola trong văn phòng, hoặc làm một cốc rượu Scotch trong tủ rượu Scotch gần đó.

Tạo không gian dịu nhẹ

Các nghiên cứu gần đây cho thấy ánh sáng dịu nhẹ sẽ giúp tăng khả năng sáng tạo. Vì thế mà công ty bán vé Eventbrite tại San Francissco (Mỹ) đã thiết kế một văn phòng thư giãn với ánh sáng dịu nhẹ và tuyệt đối tĩnh lặng với những chiếc ghế sofa êm ái. Các nhân viên có thể đến đây tĩnh tâm suy nghĩ hay đơn giản chỉ là để ngả lưng sau những giờ làm việc mệt mỏi.

Kết hợp hóa trang

"Hack day" hay còn gọi là hackathon là sự kiện thu hút rất nhiều kỹ sư công nghệ, các nhà phát triển phần mềm tham gia để cùng nhau tạo ra các sản phẩm mới. Thường họ sẽ phải làm việc cả đêm để viết phần mềm. Thay vì mặc trang phục chỉnh tề, hãng Yammer lại yêu cầu các nhân viên của mình phải mặc trang phục hóa trang quái dị khi tham gia hack day do công ty tổ chức. Ý tưởng thú vị này ngay lập tức nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của toàn bộ nhân viên công ty.

Tổ chức các cuộc thi sáng tạo

Hãng công nghệ IBM thường xuyên tổ chức các giải đấu trí tuệ lớn xoay quanh những chủ đề nhất định. Cuộc thi nổi tiếng và lớn nhất là "Cuộc thi sáng tạo" (the "Innovation Jam") được tổ chức trực tuyến vào năm 2006. Công ty đã thu hút hơn 150.000 người từ 104 đất nước và 67 công ty. Nhiều ý tưởng xuất sắc nhất của những người tham gia đã được IBM sử dụng và tiếp tục phát triển trở thành những công nghệ tiêu biểu như hệ thống thanh toán chăm sóc sức khỏe thông minh, công nghệ 3D Internet,…

Lan Nhi (Theo Business Insider)