Ngay khi dịch xuất hiện trở lại, Hà Nội đã tổ chức khoanh vùng rộng, phong tỏa hẹp những nơi có ca mắc. (Ảnh: Vinh Hà) |
Khoanh vùng rộng, phong tỏa hẹp
Ngày 29/4, Hà Nội ghi nhận ca nhiễm Covid-19 đầu tiên sau 73 ngày không có ca mắc trong cộng đồng, đánh dấu sự trở lại lần thứ 4 của dịch Covid-19. Đặc biệt, sự xuất hiện của biến thể Delta với tốc độ lây lan nhanh và chu kỳ lây nhiễm ngắn khiến việc phòng, chống dịch gặp nhiều khó khăn.
Ngay từ khi dịch xuất hiện trở lại, với phương châm thực hiện tốt mục tiêu “kép” vừa kiểm soát dịch Covid-19 vừa phát triển kinh tế, chống làm đứt gãy sản xuất, Thành phố đã tổ chức khoanh vùng rộng, phong tỏa hẹp những nơi có ca mắc, đồng thời, thần tốc truy vết, xét nghiệm, cách ly các trường hợp liên quan.
Số ca nhiễm tăng lên mỗi ngày, Hà Nội buộc phải thực hiện giãn cách xã hội linh hoạt gồm cả Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16 (bắt đầu từ ngày 24/7).
Mới đây, ngày 10/9, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong trong buổi thông tin với báo chí về tình hình, kết quả công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố cho biết, mục tiêu của việc thực hiện giãn cách xã hội là nhằm ngăn chặn đà lây lan của dịch bệnh; rà soát, truy vết các trường hợp F0, F1 để đưa cách ly, F2 để cách ly tại nhà; tạo điều kiện nâng cao năng lực hệ thống y tế trên địa bàn thành phố; chuẩn bị các phương án, kịch bản ứng phó với dịch bệnh ở mức độ cao hơn.
Để đảm bảo chủ động trong các tình huống, Hà Nội: Chuẩn bị 135 cơ sở cách ly, khả năng tiếp nhận 42.982 người và 100.000 giường cách ly các đối tượng F1. Xây dựng các kịch bản, phương án đáp ứng về y tế với 40.000 giường bệnh điều trị theo mô hình tháp 3 tầng của Bộ Y tế. Bố trí và kích hoạt 14.600 giường điều trị bệnh nhân không triệu trứng và triệu chứng nhẹ (tầng 1); xây dựng phương án điều trị 8.000 bệnh nhân Covid-19 triệu chứng trung bình, nặng và nguy kịch (tầng 2, tầng 3) tại các bệnh viện tuyến thành phố. Đảm bảo cung cấp oxy y tế đáp ứng công suất 40 tấn/ngày, 1.200 tấn/tháng, trường hợp khẩn cấp có thể nâng công suất đạt 100 tấn/ngày, 3.000 tấn/tháng. |
Trước diễn biến dịch ngày càng phức tạp, số ca nhiễm ngoài cộng đồng tăng nhanh, để chủ động trong tất cả các tình huống, Hà Nội đã xây dựng các khu cách ly với công suất lớn, được quản lý và vận hành hiệu quả, an toàn không để xảy ra lây nhiễm chéo.
Mặt khác, mặc dù thực hiện Chỉ thị 16, nhưng Hà Nội không đóng cửa mà thực hiện điều chỉnh hoạt động siêu thị, chợ dân sinh, cửa hàng tiện lợi và thực hiện phát phiếu đi chợ theo ngày, giờ cho người dân để đảm bảo yêu cầu giãn cách, phòng chống dịch.
Chính vì vậy, trong 53 ngày giãn cách xã hội, người dân Thủ đô không phải lo lắng về nhu yếu phẩm, thuốc men, đặc biệt, không xảy ra tình trạng tăng giá, ép giá, khan hiếm diện rộng.
Nhờ vậy, đến nay, số ca nhiễm trên địa bàn thành phố đang có chiều hướng giảm dần, đặc biệt là số ca mắc trong cộng đồng.
Trong ngày 13/9, Hà Nội ghi nhận 30 ca mắc mới, giảm nhiều so với ngày có ca nhiễm cao nhất là 133 (hôm 29/8) và 7 ngày đầu giãn cách, số ca mắc trung bình trên 60 ca/ngày. Số ca mắc mới chủ yếu là đã được cách ly và trong khu vực đã phong tỏa.
Hai "mũi giáp công"
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc tầm soát, bóc tách F0 khỏi cộng đồng và hoàn thành tiêm chủng mũi 1 vaccine Covid-19 cho 100% người dân từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn, ưu tiên nhóm nguy cơ cao, Thành phố đã tổ chức thực hiện 2 "mũi giáp công” một cách bài bản và quyết liệt.
Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, từ khi thực hiện chủ trương xét nghiệm toàn thành phố cho tính 18h ngày 13/9, có hơn 2,7 triệu mẫu được lấy, phát hiện 18 ca dương tính. Số mẫu gộp xét nghiệm PCR trên 1,9 triệu, có trên 500.000 mẫu âm tính và 13 mẫu dương tính, số còn lại đang chờ kết quả.
Trong số gần 750.000 mẫu test nhanh kháng nguyên, có 46 mẫu dương tính, sau đó xét nghiệm lại bằng PCR, kết quả 5 ca dương tính.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người dân xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì, ngày 10/9. (Nguồn: TTXVN) |
Một số ý kiến cho rằng, việc xét nghiệm toàn thành phố gây tốn kém chi phí không cần thiết, tăng nguy cơ lây nhiễm, lặp lại vết xe của TP. Hồ Chí Minh và sẽ không sàng lọc hết những ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, muốn phát hiện sớm nguồn lây nhiễm trong cộng đồng thì không có cách nào khác là phải thực hiện xét nghiệm. Nếu không làm điều đó, thì có nghĩa là chúng ta chấp nhận trong cộng đồng vẫn có người lây nhiễm.
Người đứng đầu ngành Y tế cho rằng, Hà Nội đang triển khai rất tích cực "mũi giáp công" này. Xét nghiệm chính là cách để Hà Nội có thể giảm thời gian giãn cách, tầm soát được các ca nhiễm trong cộng đồng. Từ đó, tổ chức cách ly, khoanh vùng dập dịch một cách triệt để, tiến tới nới lỏng giãn cách, đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới.
Để người dân được bảo vệ trước sự tấn công của virus SARS-CoV-2, thì vaccine được coi là "vũ khí" hữu hiệu nhất. Chính vì vậy, Hà Nội đặt mục tiêu thực hiện "mũi giáp công" thứ hai là trước ngày 15/9, phải tiến hành tiêm vaccine Covid-19 mũi 1 cho 100% người dân đủ 18 tuổi trở lên trên địa bàn.
Những ngày qua, tiến độ tiêm vaccine đã được thực hiện rất nhanh. Tính tới 21h ngày 13/9, Hà Nội đã tiêm được 5.454.383 liều (4.818.332 mũi 1 và 636.051 mũi 2). Trong đó, có một số đơn vị đã cơ bản hoàn thành kế hoạch tiêm vaccine mũi 1 cho người dân như: quận Ba Đình, quận Hoàn Kiếm, huyện Sóc Sơn, huyện Thường Tín, huyện Hoài Đức, quận Bắc Từ Liêm.
Trong quá trình thực hiện "mũi giáp công" thứ hai này, các quận, huyện của Hà Nội đã tập trung huy động tối đa mọi nguồn lực, nghiêm túc triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm hoàn thành sớm nhất việc tiêm chủng vaccine cho người dân trên địa bàn.
Với những kết quả bước đầu hiện nay, khi số ca mắc Covid-19, đặc biệt là ca mắc trong cộng đồng giảm trong những ngày gần đây, nhiều điểm cách ly, phong tỏa được dỡ bỏ cho thấy công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Hà Nội đang đi đúng hướng.
Bởi vậy, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng với những biện pháp hiện nay mà chính quyền Thành phố đang áp dụng, các "mũi giáp công" này chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả, giúp thủ đô sớm kiểm soát dịch bệnh để người dân có thể trở lại cuộc sống, an tâm sản xuất, phát triển kinh tế.