📞

Các NGO góp phần tích cực vào sự phát triển của Việt Nam

11:54 | 05/07/2018
Sáng 5/7, tại Hà Nội, Ủy ban Công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài (NGO) đã tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động giai đoạn 1996-2017.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Tham dự Hội nghị có lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đại diện các cơ quan giúp việc cho Ủy ban Công tác về các NGO (sau đây gọi tắt là Ủy ban) và đại diện các cơ quan đầu mối liên quan.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo Hội nghị. (Ảnh: Trung Hiếu)

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những kết quả Ủy ban và các bộ, ngành, địa phương đã đạt được trong thời gian qua. Thủ tướng đồng thời khẳng định hoạt động của Ủy ban đã góp phần tích cực vào những thành tựu xây dựng và phát triển đất nước nói chung và của công tác đối ngoại nói riêng.

Bên cạnh đó, Thủ tướng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác phi chính phủ nước ngoài và đề nghị Ủy ban cùng các các Bộ, ngành, địa phương tạo điều kiện cho các NGO hoạt động tại Việt Nam, phù hợp với các ưu tiên và theo đúng các quy định của pháp luật của Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng quà lưu niệm cho Ủy ban Công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài. (Ảnh: Trung Hiếu)

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu phải thống nhất nhận thức về công tác phi chính phủ nước ngoài, tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của Ủy ban, đổi mới cắt giảm thủ tục hành chính, hoàn thiện các văn bản pháp quy liên quan và tăng cường vận động và hợp tác với các NGO.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã đánh giá công tác quản lý hoạt động của các NGO từ khi Nghị định 12/2012 NĐ-CP được ban hành. Thứ trưởng nhấn mạnh: Công tác phi chính phủ nước ngoài được Đảng và Nhà nước Việt Nam coi là một bộ phận của công tác đối ngoại nhân dân, gắn liền với đường lối, chính sách đối ngoại qua từng giai đoạn phát triển của đất nước. Để giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo về các vấn đề liên quan đến hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài ở Việt Nam, tháng 5/1996, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định thành lập Ủy ban công tác về các tổ chức phi chính phủ, nay là Ủy ban công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài.

Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Trung Hiếu)

Theo Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn, hội nghị được tổ chức nhằm tổng kết, đánh giá những kết quả đã đạt được và đề ra phương hướng hoạt động trong thời gian tới của Ủy ban, nhằm tiếp tục tăng cường hơn nữa hiệu quả hoạt động của Ủy ban trong tham mưu và giúp việc cho Thủ tướng Chính phủ. Hoạt động này cũng nhằm cụ thể hóa những chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về công tác phi chính phủ nước ngoài, cũng như sự phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương trong hợp tác với các NGO.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe đại diện Ủy ban báo cáo tổng kết công tác về các NGO giai đoạn 1996-2017. Báo cáo nêu rõ, qua hơn 20 năm hoạt động, Ủy ban đã bám sát các chủ trương của Đảng và quy định của Nhà nước, nỗ lực triển khai các nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, Ủy ban đã kịp thời đề xuất và tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ các chủ trương, chính sách và ban hành các văn bản pháp quy liên quan đến công tác phi chính phủ nước ngoài. Ngoài ra, Ủy ban luôn quán triệt thông tin, hỗ trợ và hướng dẫn cho các Bộ, ngành, địa phương trong hợp tác với các NGO, hướng dẫn và làm thủ tục đăng ký cho gần 1.500 lượt NGO hoạt động ở Việt Nam.

Toàn cảnh Hội nghị. (Ảnh: Trung Hiếu)

Bên cạnh đó, Ủy ban đã thực hiện hiệu quả công tác vận động viện trợ của các NGO và hỗ trợ hiệu quả cho các địa phương cho công tác này, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Hiện nay, Việt Nam có quan hệ với hơn 1.000 NGO, trong đó, khoảng 500 NGO hoạt động thường xuyên tại Việt Nam hàng năm hỗ trợ khoảng 3.000 chương trình, dự án và khoản viện trợ với giá trị viện trợ giải ngân trong hơn 20 năm qua đạt trên 4,3 tỷ USD không hoàn lại. Hoạt động của các NGO được triển khai trên nhiều lĩnh vực mà Việt Nam có nhu cầu hợp tác như y tế, giáo dục, phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường… đã giúp giải quyết một số vấn đề bức thiết của người dân ở vùng khó khăn, thúc đẩy hiểu biết và quan hệ giữa nhân dân Việt Nam với bạn bè quốc tế…