Trong số bốn thương hiệu viễn thông đã được cấp phép cung cấp 4G (Viettel, VinaPhone, MobiFone và Gmobile), Viettel là công ty đầu tiên thử nghiệm dịch vụ này tại Việt Nam. Tại Vũng Tàu, nhà mạng này đã thử nghiệm 4G với 157 trạm trong tổng số 478 trạm, cung cấp dịch vụ cho khách hàng từ tháng 12/2015.
Kết quả thử nghiệm ban đầu cho thấy, chất lượng 4G của Viettel ổn định, tốc độ thực tế với các máy đầu cuối hiện đại nhất đã đạt 289Mbps (chuẩn cao của thế giới là 300 Mbps). Với công nghệ 4G, Viettel có thể cung cấp dịch vụ video HD 720p mọi nơi trong vùng phủ sóng 4G. Dự kiến, Viettel sẽ cung cấp chính thức 4G trong quý I/2017.
Lễ ra mắt dịch vụ 4G của Viettel tại Lào. |
Sau khi Viettel cung cấp thử nghiệm, VinaPhone cũng hoàn tất công việc tương tự tại Phú Quốc và TP. Hồ Chí Minh, với tốc độ truyền dẫn ngang với dịch vụ cáp quang hiện nay.
Với MobiFone, mạng di động này đã ra mắt thử nghiệm dịch vụ 4G tại 3 thành phố lớn là Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh trong tháng 5 và tháng 6 vừa qua với tốc độ cao nhất lên đến 225 Mbps/75Mbps.
Kinh nghiệm 4G của các nhà mạng
Trong số các nhà mạng được cấp phép 4G tại Việt Nam, Viettel là đơn vị duy nhất có kinh nghiệm triển khai 4G trước đó, ở tại các thị trường nước ngoài mà tập đoàn này đang kinh doanh. Mạng 4G lớn nhất của Viettel hiện nay là tại Campuchia, đã triển khai được hơn 1 năm với vùng phủ trải rộng trên 90% lãnh thổ.
Dịch vụ 4G LTE của Metfone (thương hiệu của Viettel tại Campuchia) có tốc độ gấp 15 lần 3G. |
Dịch vụ 4G LTE của Metfone (thương hiệu của Viettel tại Campuchia) có tốc độ gấp 15 lần 3G và là nhà mạng duy nhất tại Campuchia sử dụng công nghệ truyền tải Metro Ethernet Full-MPLS tiên tiến nhất thế giới, hỗ trợ băng thông tới 1Gbps. Dung lượng đường trục lớn nhất tại Campuchia sử dụng công nghệ DWDM lên tới 400Gb mỗi giây.
Viettel cũng đã triển khai 4G tại Lào, Haiti, Burundi và sắp tới là Peru.
Cũng nhờ kinh nghiệm quốc tế, Viettel không chỉ tận dụng được tối đa nguồn lực chất lượng cao hiện có là 5.000 kỹ sư làm chủ về hệ thống viễn thông di động 3G, có thể nhanh chóng tiếp cận và vận hành mạng 4G sắp được xây dựng, mà còn tiến hành đào tạo gần 350 kỹ sư tối ưu cho mạng 4G trong đó có 10 chuyên gia đã hoàn thành các khóa học chuyên sâu về 4G và làm việc tại các phòng thí nghiệm 4G tại nước ngoài (Phần Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc).
Hạ tầng cho 4G được chuẩn bị ra sao?
Hiện tại, trong khi các mạng khác tại Việt Nam chỉ hỗ trợ tối đa công nghệ 40 Gbps thì Viettel với hơn 200.000 km cáp quang trải rộng trên cả nước, kết nối liên tỉnh (3 đường trục Bắc - Nam gồm 1C, 2B, 1D) đang được nâng cấp lên tốc độ 100 Gbps/1 bước sóng, tổng dung lượng kết nối đạt 2,4 Tbps.
Công ty này cũng sở hữu đường kết nối Internet lớn nhất tại Việt Nam, với hai đường cáp quang biển (IA, AAG) và 2 đường kết nối trên đất liền, tổng dung lượng lên tới 800 Gbps. Hạ tầng này là bước chuẩn bị cho việc bùng nổ băng thông khi chính thức cung cấp dịch vụ 4G trong năm 2017.
Khách hàng tham khảo dịch vụ 4G của Unitel tại Lào. |
Nguồn tin từ Viettel cho biết, khi triển khai 4G, nhà mạng này cam kết vùng phủ rộng nhất với việc đạt hơn 35.000 trạm phát sóng 4G vào năm thứ 5 được cấp phép triển khai, tỷ lệ người dân được phủ sóng 86,1%.
Hai nhà mạng còn lại là MobiFone và VinaPhone cũng đang tích cực nâng cấp hạ tầng để cung cấp 4G với chất lượng tốt nhất.