Lập trường nhất quán của ASEAN
Trả lời câu hỏi của phóng viên Tuổi Trẻ về phản ứng của Việt Nam trước Tuyên bố Chủ tịch tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 30 vừa qua tại Philippines không nhắc đến 3 cụm từ “quân sự hóa”, “xây đảo” và “tôn trọng đầy đủ tiến trình ngoại giao pháp lý”, bà Lê Thị Thu Hằng giải thích Tuyên bố tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 30 vừa qua là Tuyên bố của Chủ tịch hội nghị chứ không phải Tuyên bố chung của Hội nghị.
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết, trong tuyên bố của Chủ tịch Philipines về vấn đề Biển Đông đã nêu được lập trường chung nhất quán của ASEAN. Cụ thể, các nước có trách nhiệm hợp tác, duy trì hoà bình, ổn định, an ninh và tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông, kiềm chế, không đe doạ và sử dụng vũ lực, tôn trọng đầy đủ các tiến trình pháp lý và ngoại giao, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hoà bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), hướng tới Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Theo bà Hằng, đây là tuyên bố của Chủ tịch, do đó, nội dung được Chủ tịch tham vấn và đưa vào tuyên bố với mức độ như thế nào là do Chủ tịch quyết định.
Cũng liên quan tới Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 30, phóng viên DPA đề cập với việc chưa có tuyên bố nào rõ ràng về vấn đề Biển Đông và nhiều năm nay cũng chưa có một tuyên bố chung nào mang tính đồng thuận về vấn đề Biển Đông trong ASEAN. Đáp lại bình luận này, bà Lê Thị Thu Hằng khẳng định lại rằng tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 30, vấn đề Biển Đông đã được đề cập với nội dung nêu trên. Theo thông lệ ASEAN, với tuyên bố của Chủ tịch, việc có đề cập đến những nội dung này hay không là quyền của Chủ tịch.
Phản đối quyết định đơn phương của Trung Quốc
Trả lời câu hỏi của phóng viên Dân trí liên quan tới việc mới đây Trung Quốc tự ban hành quy chế về cấm đánh bắt cá ở Biển Đông, có hiệu lực từ ngày 1/5-16/8, bà Lê Thị Thu Hằng khẳng định Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa cũng như các quyền hợp pháp đối với các vùng biển của Việt Nam được xác định phù hợp với UNCLOS 1982.
“Việt Nam kiên quyết phản đối và bác bỏ quyết định đơn phương này của Trung Quốc vì đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa cũng như các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên các vùng biển của mình; vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS năm 1982 và các văn bản pháp lý liên quan; đi ngược lại với tinh thần và lời văn của DOC ký giữa ASEAN và Trung Quốc năm 2002; không phù hợp với xu thế phát triển của quan hệ hai nước trong bối cảnh hiện nay; không có lợi cho duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực”, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao nhấn mạnh.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Reuters về tác động tới Việt Nam trong vấn đề Biển Đông khi quan hệ Mỹ-Trung Quốc ngày càng thân thiết hơn cũng như một số nước láng giềng trong khu vực ngày càng có quan hệ chặt chẽ hơn với Trung Quốc, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao nhấn mạnh Việt Nam chủ trương đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, tích cực chủ động hội nhập quốc tế, là bạn và đối tác tin cậy của các nước trên thế giới. Việt Nam ủng hộ các nước hợp tác vì hòa bình, ổn định, hợp tác phát triển và thịnh vượng ở khu vực cũng như trên thế giới. “Chúng tôi cho rằng duy trì hòa bình, ổn định an ninh, an toàn hàng hải và hàng không trên Biển Đông là lợi ích và trách nhiệm chung của các nước trong và ngoài khu vực. Theo đó, các nước cần cùng nhau bảo vệ và cùng nhau thực hiện mục tiêu chung này, kiên trì giải quyết vấn đề Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, tuân thủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý”, bà Hằng nói.
Trước thông tin về cuộc họp kín giữa 11 nước thành viên Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà không có Mỹ, bà Lê Thị Thu Hằng khẳng định Việt Nam xem việc tham gia TPP và các hiệp định thương mại tự do (FTA) là một trong các bước triển khai chủ trương chủ động để tích cực hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng và toàn diện, hoàn thiện hệ thống pháp luật và thể chế kinh tế thị trường, tạo động lực mới để phát triển, đồng thời đóng góp vào xu thế hội nhập và liên kết khu vực. Theo đó, Việt Nam sẽ tiếp tục quá trình đổi mới này, đẩy mạnh chuẩn bị trong nước để đảm bảo thực thi hiệu quả các cam kết của FTA mà Việt Nam đã và sẽ tham gia. Việt Nam sẽ cùng các nước trong TPP thảo luận và thống nhất những định hướng trong tương lai.