Tàu Trung Quốc và Philippines đối đầu tại Biển Đông, ngày 16/5. (Nguồn: Getty Image) |
Hành động của Trung Quốc không phù hợp với UNCLOS
Ngày 18/6, Mỹ lên tiếng cảnh báo Trung Quốc rằng, Washington có nghĩa vụ phải bảo vệ đồng minh hiệp ước thân thiết của mình - Philippines trước những căng thẳng leo thang với Trung Quốc tại Biển Đông.
Cùng ngày, Canada, Australia và Nhật Bản cũng đồng loạt lên án các hành động leo thang của Trung Quốc ở Biển Đông và tái khẳng định sự ủng hộ của họ dành cho Philippines.
Tin liên quan |
Quan chức Mỹ: Các nước phải lên tiếng công nhận phán quyết về Biển Đông |
Trong một cuộc điện đàm ngày 18/6, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Kurt Campbell đã thảo luận về hành động của Trung Quốc với người đồng cấp Philippines Maria Theresa Lazaro. Cả hai đều đồng ý rằng, “các hành động nguy hiểm của Trung Quốc đe dọa hòa bình và ổn định trong khu vực”.
Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller, trong cuộc điện đàm, ông Campbell đã tái khẳng định rằng, theo Hiệp ước phòng thủ chung (MDT) năm 1951, Washington và Manila có nghĩa vụ phải giúp bảo vệ lẫn nhau trong các cuộc xung đột lớn, “liên quan đến các cuộc tấn công vào lực lượng vũ trang, tàu thuyền hoặc máy bay của Philippines - bao gồm cả lực lượng bảo vệ bờ biển của nước này - ở bất cứ nơi nào trên Biển Đông”.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Canada nêu rõ: “Canada lên án các hành động nguy hiểm và gây bất ổn mà Trung Quốc thực hiện đối với các tàu Philippines. Việc Trung Quốc sử dụng vòi rồng, các hành động nguy hiểm và đâm vào tàu Philippines là không phù hợp với các nghĩa vụ của Trung Quốc theo luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982. Những hành động này gây nguy hiểm cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng trên khắp khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương".
Bộ Ngoại giao Canada nhấn mạnh trật tự dựa trên luật lệ, bao gồm các nguyên tắc được ghi trong Hiến chương Liên hợp quốc, là rất quan trọng và phải được duy trì.
Canada phản đối các hành động leo thang, cưỡng ép và yêu cầu tranh chấp phải được giải quyết thông qua đối thoại chứ không phải bằng vũ lực hay ép buộc.
Canada kêu gọi Trung Quốc tuân thủ các nghĩa vụ của mình, bao gồm cả việc thực thi phán quyết của Tòa trọng tài thường trực (PCA) năm 2016, có tính ràng buộc đối với các bên.
Ngoài ra, Bộ Ngoại giao và thương mại Australia (DFAT) cũng đã lên án các hành động gần đây của Trung Quốc. Australia bày tỏ quan ngại sâu sắc trước những hành động nguy hiểm và bất hợp pháp của tàu Trung Quốc thời gian vừa qua.
Tuyên bố này được đưa ra ngay sau khi Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường kết thúc chuyến thăm kéo dài 4 ngày tới Canberra.
Nhật Bản cũng có chung quan ngại trước các diễn biến căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines tại Biển Đông. Trong thông cáo của Bộ Ngoại giao Nhật Bản ngày 18/6, Tokyo phản đối mạnh mẽ mọi nỗ lực dùng vũ lực nhằm đơn phương thay đổi hiện trạng ở Biển Đông hoặc bất kỳ hành động nào làm gia tăng căng thẳng.
Chiến lược 3 lực lượng
Trong 2 ngày 16-17/6, Mỹ, Nhật Bản, Philippines và Canada đã tập trận trên Biển Đông nhằm “duy trì tự do hàng hải và hàng không” cũng như “tăng cường an ninh và ổn định khu vực”.
Cuộc tập trận có sự tham gia của tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Ralph Johnson của Mỹ, tàu hộ vệ HMCS Montreal của Canada, tàu khu trục JS Kirisame của Nhật Bản và tàu tuần tra BRP Andres Bonifacio của Philippines.
Hoạt động hợp tác hàng hải giữa bốn quốc gia bao gồm một loạt hoạt động và tập trận hàng hải nhằm kiểm tra và xác nhận khả năng tương tác giữa các học thuyết, chiến thuật, kỹ thuật và quy trình của các lực lượng vũ trang.
Theo Hạm đội Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương các cuộc tập trận này được tiến hành phù hợp với luật pháp quốc tế đảm bảo an toàn hàng hải dân sự và bảo vệ môi trường biển.
Thời gian qua, căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines ngày càng leo thang tại Biển Đông. Không ít lần, sau khi sử dụng tàu dân binh và tàu của Lực lượng hải cảnh Trung Quốc (CCG) đối phó với tàu của Philippines thì Trung Quốc đã điều động tàu hải quân. Đây chính là chiến lược 3 lực lượng mà Bắc Kinh vận dụng để thiết lập và kiểm soát vùng xám ở Biển Đông.
Phân tích về chiến lược 3 lực lượng của Trung Quốc, trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí Việt Nam, TS. James Holmes (chuyên gia chiến lược hàng hải - Đại học Hải chiến Mỹ) đã chỉ ra 3 lực lượng bao gồm: Lực lượng dân binh trên biển (PAFMM), CCG và cuối cùng là hải quân.
Trong đó, PAFMM phụ trách đụng độ trực tiếp với các nước để tăng cường hiện diện ở các vùng biển. Hỗ trợ cho PAFMM là CCG để can thiệp khi bị tàu công vụ nước khác xử lý. Nhiều tàu của CCG được trang bị vũ khí hỏa lực mạnh để thị uy và đe dọa tàu công vụ lẫn tàu cá, tàu thương mại các nước.
Theo TS. Holmes, những năm qua, CCG không ngừng được Trung Quốc trao thêm quyền hành. Việc sử dụng PAFMM và CCG sẽ tránh tiếng sử dụng quân sự cho Trung Quốc, dù thực chất tàu của CCG có hỏa lực mạnh. Nếu các nước sử dụng tàu quân sự để đối phó, Bắc Kinh có thể điều tàu hải quân để giúp thị uy và tăng cường răn đe.
| Tổng thống Indonesia: Lập trường của ASEAN về Biển Đông rất rõ ràng với 'chìa khóa' là luật pháp quốc tế Ngay trước thềm Hội nghị cấp cao ASEAN diễn ra tại Labuan Bajo (Indonesia), từ 9-11/5, Tổng thống Indonesia Jokowi đã trả lời phỏng vấn ... |
| Vấn đề Biển Đông: Mỹ-Ấn Độ thúc đẩy thượng tôn pháp luật và UNCLOS, Philippines nói 'đã nhìn thấy đường đi' cho COC Mỹ đang thúc đẩy vai trò của Ấn Độ trong vấn đề Biển Đông, kêu gọi tuân thủ luật pháp quốc tế để giải quyết ... |
| Việt Nam tham gia thủ tục tư vấn về biến đổi khí hậu tại Toà án quốc tế về Luật biển Vừa qua, Việt Nam đã chính thức đệ trình ý kiến tham gia thủ tục của Toà án quốc tế về Luật biển (TALB) cho ... |
| Philippines - Đức nhấn mạnh thượng tôn luật pháp quốc tế tại Biển Đông Philippines và Đức đều đồng lòng nhấn mạnh vai trò của luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982 trong việc duy trì hòa ... |
| Mỹ, Australia, Nhật Bản và Philippines gửi thông điệp thượng tôn luật pháp quốc tế tại Biển Đông Mục tiêu hợp tác an ninh biển giữa Mỹ, Nhật Bản, Australia và Philippines là đảm bảo hòa bình, ổn định tại Biển Đông cũng ... |