Tại phiên họp, các nước đều bày tỏ vui mừng trước việc thông qua Nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) cuối năm 2016 về Hợp tác phát triển (QCPR), định hướng cho hợp tác phát triển của LHQ trong giai đoạn 2016-2020. Tuy nhiên, các nước đang phát triển nhấn mạnh nhu cầu cần huy động thêm nguồn lực để thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 về Phát triển bền vững.
Phiên khai mạc về Hợp tác phát triển năm 2017 của Hội đồng Kinh tế - Xã hội của Liên hợp quốc (ECOSOC), ngày 28/2. (Nguồn: UN) |
Hiện nguồn lực hỗ trợ dành cho các hoạt động phát triển của LHQ có xu hướng chững lại và tiếp tục có sự mất cân bằng giữa nguồn lực cốt lõi và nguồn lực dành riêng cho các dự án cụ thể, ảnh hưởng đến việc thực hiện các chương trình, dự án phát triển tại thực địa. Do đó, nhiều nước đề nghị các Quỹ, Chương trình phát triển của LHQ phối hợp hài hòa với các hoạt động với Chương trình nghị sự phát triển bền vững 2030.
Các nước phát triển nhấn mạnh đến các biện pháp huy động vốn và nguồn lực mang tính “đổi mới”, trong đó có các biện pháp về thuế, hợp tác công - tư, hỗ trợ của các định chế tài chính quốc tế…; đồng thời đề cao việc nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, đổi mới phương thức vận hành của hệ thống phát triển LHQ.
Về sự hỗ trợ của LHQ dành cho các nhóm nước, nhiều nước thu nhập trung bình nhấn mạnh việc cần có các tiêu chí đánh giá mới về năng lực của các quốc gia một cách toàn diện, không chỉ dựa trên yếu tố thu nhập. Việc giảm hỗ trợ cho các nước đạt ngưỡng thu nhập trung bình mà không tính tới các khía cạnh dễ bị tổn thương của các nước này ngoài thu nhập (như điều kiện khí hậu, thiên tai, nợ nước ngoài…) sẽ ảnh hưởng tới phát triển bền vững.
Phát biểu tại phiên họp, Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ đánh giá cao vai trò cũng như sự hỗ trợ của LHQ trong các hoạt động phát triển tại các nước, đồng thời kêu gọi các nước nỗ lực thực hiện Nghị quyết về Hợp tác phát triển, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến hoạt động của các cơ quan phát triển LHQ tại thực địa.
Đại sứ Nguyễn Phương Nga chia sẻ quan ngại của nhiều nước về xu hướng suy giảm nguồn lực và kêu gọi các nước tài trợ tiếp tục cam kết hỗ trợ nguồn lực dành cho phát triển. Đại sứ Nguyễn Phương Nga kêu gọi tăng cường nỗ lực nhằm cải tổ hệ thống phát triển LHQ theo hướng tăng cường phối hợp giữa các tổ chức LHQ, trong đó sáng kiến “Thống nhất hành động”. Ý kiến về sáng kiến “Thống nhất hành động” của Việt Nam nhận được sự ủng hộ từ nhiều nước, đặc biệt là các nước tài trợ mong muốn tăng cường hiệu quả hoạt động của LHQ tại thực địa.