Tổ hợp hạt nhân Fukushima của Nhật Bản. (Nguồn: AP) |
Theo ông Puna, vấn đề này đã được Hội nghị Ngoại trưởng Hàn Quốc-Quần đảo Thái Bình Dương lần thứ năm thảo luận ở Busan hồi tháng 10/2022 và sẽ tiếp tục được thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh Hàn Quốc-Quần đảo Thái Bình Dương, dự kiến diễn ra tại Seoul từ ngày 29-30/5.
Một phái đoàn của các quốc đảo Thái Bình Dương gần đây cũng đã tới Nhật Bản để trao đổi với chính quyền Tokyo về vấn đề này.
Tổng thư ký PIF nói rằng, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio "đã cam kết" Tokyo sẽ không xem xét việc xả nước "cho đến khi tất cả các bên nhất trí rằng nước an toàn và sẽ không gây ra bất kỳ thiệt hại hay ô nhiễm nào cho đại dương".
Theo ông Puna, Thái Bình Dương có một "lịch sử lâu dài về di sản hạt nhân", lưu ý đến những thiệt hại trong quá khứ, chẳng hạn như ô nhiễm và các vấn đề sức khỏe, do các vụ thử hạt nhân mà các cường quốc như Mỹ và Pháp tiến hành trong quá khứ.
Ông nói: "Các nhà lãnh đạo của chúng tôi hiện rất muốn đảm bảo rằng không còn ô nhiễm đại dương của chúng ta từ các vụ thử hạt nhân hoặc phóng hạt nhân nữa".
Hội nghị thượng đỉnh Hàn Quốc-Quần đảo Thái Bình Dương vào cuối tháng này sẽ bàn về cách mở rộng hợp tác giữa Seoul với khu vực.
Hàn Quốc cũng có kế hoạch cử một nhóm chuyên gia đến nhà máy Fukushima vào cuối tháng này để kiểm tra kế hoạch xả nước của Nhật Bản và xác minh xem liệu Tokyo có khả năng xử lý nước như họ tuyên bố hay không.