📞

Các thành phố lớn trên thế giới xử lý rác thải như thế nào?

10:30 | 26/01/2018
Bốn thành phố lớn New York, Sao Paulo, Amsterdam và Tokyo có các mô hình khác nhau để xử lý lượng rác khổng lồ hàng ngày.

Hiện có tới 3,5 triệu tấn rác được thải ra trên thế giới mỗi ngày. Con số này cao gấp 10 lần so với 100 năm trước và dự kiến sẽ tăng lên 11 triệu tấn vào cuối thế kỷ 21.

Tại Mỹ, mỗi tháng trung bình một người thải ra lượng rác tương đương với trọng lượng cơ thể của người đó, còn tại Nhật Bản con số này là 2/3. Theo tờ The Washington Post, New York tạo ra 33 triệu tấn rác/năm trong khi Lagos, thành phố lớn nhất của Nigeria có lượng rác thải chỉ bằng 1/15.

Hơn nữa, khi một quốc gia trở nên giàu có, thành phần chất thải cũng thay đổi, với nhiều bao bì, linh kiện điện tử, đồ chơi và các thiết bị gia dụng hơn là các vật liệu hữu cơ. Thế giới mỗi năm sản xuất hơn 300 triệu tấn nhựa và ước tính, đến năm 2050, sẽ có tới 5.250 tỷ đồ vật chất thải bằng nhựa khác nhau, tương đương 270.000 tấn trôi dạt trong các đại dương, lấn át cả loài cá.

New York (Mỹ)

Mỹ là một trong những nước tạo ra nhiều chất thải nhất thế giới, đặc biệt là tại các thành phố lớn với mật độ dân số cao. Ở hầu hết các nơi trên thế giới, sự giàu có tỷ lệ thuận với lượng rác thải ra môi trường, nhưng ở Mỹ, những quần thể nghèo cũng thải ra một lượng rác đáng kể, trong đó phần nhiều đến từ thức ăn nhanh.

Nhìn chung, New York có chính sách ưu tiên giải quyết rác thải so với các thành phố khác ở Mỹ khi giấy, lon và chai nhựa được tách ra để tái chế. Tuy nhiên, ngành công nghiệp tái chế ở đây còn quá nhỏ so với số lượng rác thải ra, vốn phần lớn được đốt ở ngoài bang. Một trong những đề xuất về Kế hoạch Triệt thoái không còn rác của Thị trưởng New York Bill de Blasio chính là loại bỏ việc chuyển rác thải sang các bang khác vào năm 2030.

Chất thải nhựa được vận chuyển đến nhà máy tái chế ở Brooklyn, New York. (Nguồn: Washington Post)

Sao Paulo (Brazil)

Khu vực nội đô và ngoại ô thành phố này có tới 21 triệu người sinh sống. Theo một số liệu nghiên cứu, với sự lớn mạnh của tầng lớp trung và thượng lưu trong thập kỷ qua, Sao Paolo đã sản sinh ra nhiều rác thải hơn.

Rác thải được cư dân thu gom vào túi và đặt ra đường, trước nhà của họ và được thu nhặt hàng ngày, trừ ngày chủ nhật. Nhưng trước khi xe tải thu rác đến, các hợp tác xã đã lựa chọn vật liệu còn dùng được và đem bán cho công ty chế biến. Những phần rác thải còn lại được mang đi chôn.

Amsterdam (Hà Lan)

Hầu hết rác thải tạo ra bởi hơn 2 triệu cư dân sống ở Amsterdam đều được mang đi đốt, trước khi những vật liệu như kim loại, giấy và thủy tinh được tách riêng ra. Hà Lan cũng cung cấp dịch vụ này cho Anh do ở xứ sở sương mù không có đủ lò đốt.

Để giảm lượng rác bằng nhựa, các doanh nghiệp thường tính thêm chi phí đối với túi nylon đựng đồ mua ở siêu thị. Cuối năm 2017, một nhà máy thu hồi nhựa và những vật liệu khác đã được đưa hoạt động để đảm đương một lượng rác thải lớn hơn trong thành phố.

Tokyo (Nhật Bản)

Tokyo là một trong những thành phố đông đúc nhất thế giới với 36 triệu người và tạo ra khoảng 12 triệu tấn rác thả/năm. Do thiếu không gian để chứa rác thải, Tokyo nhấn mạnh nhiều đến việc tái chế rác thải thành năng lượng với 48 lò đốt. Đó là lý do tại sao chai, lon, giấy, carton và các vật liệu không cháy được tách ra tại các gia đình và thu gom vào những ngày khác nhau trong tuần.

(theo Infobae)