Tham dự sự kiện có đại diện Bộ Công an, Ban Tôn giáo Chính phủ, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hà Nội, Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội, Ủy ban Đoàn kết Công giáo thành phố Hà Nội và đại diện các tổ chức tôn giáo khác, cùng cộng đồng Tôn giáo Baha’i trong nước và quốc tế.
Bà Mai Anh - đại diện Ban tổ chức Cộng đồng Tôn giáo Baha’i Hà Nội vui mừng nhận lẵng hoa tươi thắm từ Đại diện Ủy ban MTTQVN TP Hà Nội. (Ảnh: MH) |
Tại Lễ kỷ niệm, bà Nguyễn Thị Mai Anh, đại diện Ban Tổ chức Cộng đồng Tôn giáo Baha’i Hà Nội, kiêm thành viên Hội đồng Tinh thần quốc gia Cộng đồng Tôn giáo Baha’i cho biết: “Giáng sinh măm nay có ý nghĩa đặc biệt, kỷ niệm tròn 200 năm ngày Đức Baha'u'llah giáng thế. Chính vì vậy, Tòa Công lý Quốc tế của chúng tôi đã kêu gọi 247 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới tổ chức chào đón Thánh lễ Giáng sinh với nhiều cấp độ”.
“Đức Baha’u’llah dạy chúng tôi phải tuân tùng luật pháp nước sở tại, địa phương sở tại và khi đó chúng tôi mới là những tín đồ Baha’i. Vì vậy, Cộng đồng Tôn giáo chúng tôi luôn tuân tùng luật pháp và tiếp tục phát huy giáo lý về sự thống nhất và hòa bình của Đức Baha’u’llah. Chúng tôi đã và sẽ có nhiều hoạt động thiết thực thúc đẩy sự hiểu biết, đoàn kết giữa các tôn giáo”, bà Mai Anh cho biết thêm.
Cộng đồng Tôn giáo Baha’i trong nước và quốc tế, cùng đại diện các tôn giáo khác tham dự lễ Giáng sinh của cộng đồng này tại Hà Nội. (Ảnh: MH) |
Năm 1948, cộng đồng Baha’i quốc tế được chính thức chấp nhận tại Liên hợp quốc là một tổ chức phi chính phủ, hoạt động trong lĩnh vực hỗ trợ phát triển. Đến tháng 5/1970, cộng đồng này tham gia các cương vị tư vấn tại Hội đồng kinh tế - xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC). Đại diện tôn giáo Baha’i đã được bầu là Chủ tịch các Uỷ ban của Tổ chức phi Chính phủ tại Liên hợp quốc.
Ngoài ra, cộng đồng Baha’i quốc tế có quan hệ chặt chẽ với các tổ chức khác của Liên hợp quốc như: Tổ chức y tế thế giới (WHO), Chương trình môi trường của Liên hợp quốc (UNEP), Quỹ trẻ em của Liên hợp quốc (UNICEF) và đặc biệt là năm 1991, Quỹ phát triển vì Phụ nữ của Liên hợp quốc (UNIFEM) đã tài trợ cho cộng đồng Baha'i quốc tế trong một dự án sử dụng các phương tiện truyền thông để thúc đẩy sự tiến bộ của phụ nữ…
Tôn giáo Baha’i, theo cổ ngữ Arab nghĩa là "Người noi theo ánh sáng của Thượng đế", ra đời năm 1863 tại Ba Tư (cũ) nay là Iran, người sáng lập là Baha’u’llah (có nghĩa là vinh quang của Thượng Đế). Tôn giáo Baha’i bắt nguồn từ phong trào chủ nghĩa Babi (còn gọi là tôn giáo Babi) ra đời ở Ba Tư. Tuy nhiên, đến nay trụ sở chính của Tôn giáo Baha’i đặt tại Israel. Hiện nay, tôn giáo Baha’i có tín đồ ở phần lớn các nước Hồi giáo. Trên thế giới, tôn giáo Baha’i có 5 ngôi đền lớn, mỗi ngôi đền có 9 cạnh, tượng trưng cho 9 tôn giáo lớn hợp nhất (đạo Sabean, Ấn Độ giáo, Do Thái giáo, Bái Hoả giáo, Phật giáo, Thiên Chúa giáo, Hồi giáo, đạo Babi và tôn giáo Baha’i). Thánh địa trung tâm ở trên núi Carmel tỉnh Haifa - Israel (Do Thái cũ), là nơi có Thánh lăng của Bab, Baha'u'llah và Abdul – Baha. (Nguồn: Ban Tôn giáo Chính phủ) |