Vũ trụ ảo Metaverse là không gian chia sẻ cho mọi người. (Nguồn: Meta) |
Theo dự báo của các chuyên gia và chuyên trang công nghệ hàng đầu thế giới, trí tuệ nhân tạo (AI), vũ trụ ảo (metaverse), Internet vạn vật (IoT), chế tạo robot và công nghệ chuỗi khối (blockchain) sẽ là những xu hướng chính dẫn dắt làn sóng công nghệ toàn cầu trong năm nay.
Các xu hướng công nghệ này cần được đặc biệt quan tâm, do tính cạnh tranh của các doanh nghiệp trong tương lai sẽ phụ thuộc nhiều vào khả năng thích ứng với công nghệ này.
Sự phát triển của AI
Được nhắc đến nhiều trong những năm gần đây, AI đang đi vào cuộc sống một cách mạnh mẽ, thay thế dần một số công việc thủ công, tốn sức lao động. AI giúp xã hội cải thiện cuộc sống nói chung và chất lượng công việc nói riêng.
Hiện nay, AI xuất hiện rất nhiều trong đời sống của người dùng Internet. Mỗi khi người dùng mua sắm online, tìm kiếm thông tin, tìm kiếm tour du lịch… các thuật toán thông minh của AI sẽ nhanh chóng đưa ra các gợi ý thích hợp nhất cho người dùng.
Trong những năm tiếp theo, mức độ quan tâm của thế giới đối với AI sẽ còn tăng lên. Tạp chí Forbes dẫn lời Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn công nghệ Google Sundar Pichai cho rằng: “Tác động của AI đối với nền văn minh nhân loại thậm chí còn quan trọng hơn lửa hoặc điện. Cơ sở hạ tầng công nghệ sẽ phát triển đến mức ngân sách không còn là rào cản đối với việc tiếp cận các giải pháp AI”.
Tác giả Bernard Marr của Forbes cho rằng, một trong những điều đáng lưu ý về AI trong năm 2023 là tác động của nó tới thị trường lao động. AI sẽ khiến một số công việc biến mất, nhưng cũng tạo ra nhiều việc làm mới thay thế. Các nhà tuyển dụng có trách nhiệm cân nhắc về sự tác động của AI đối với tương lai việc làm và tạo điều kiện để lực lượng lao động bắt kịp tốc độ phát triển của AI.
“Kỷ nguyên thứ tư” - vũ trụ ảo (Metaverse)
Meta (công ty mẹ của Facebook) đã tạo ra tiếng vang lớn với Metaverse (vũ trụ ảo) - một không gian chia sẻ, nơi mọi người có thể dạo chơi trong vũ trụ nhờ công nghệ thực tế ảo (VR).
Metaverse được coi như một thế giới kỹ thuật số nhập vai. Trong vũ trụ ảo này, người dùng có thể truy cập tất cả các loại dịch vụ giải trí, dự án hay thậm chí là làm việc ngay trong không gian vũ trụ. Metaverse có kết cấu ba chiều, nơi người sử dụng có thể vận hành mọi thao tác trong đời sống hàng ngày, tương tác và có cảm giác như thật.
Metaverse hoàn toàn có thể là “kỷ nguyên thứ tư”, sau sự xuất hiện của máy tính lớn (mainframe) từ những năm 1950, tiếp theo là máy tính cá nhân và Internet từ những năm 1980, thiết bị di động và điện toán đám mây chúng ta đang dùng ngày nay. Theo ông David Chalmers, triết gia, giáo sư Khoa học thần kinh của trường Đại học New York, Metaverse sẽ dần trở thành hiện thực. Cùng quan điểm với ông, không ít chuyên gia cũng dự đoán rằng Metaverse sẽ “tái tạo tương lai”.
Lợi ích kinh tế của Metaverse là rõ ràng. Theo công ty kiểm toán KPMG, Metaverse sẽ đạt giá trị doanh thu 13 tỷ USD/năm vào năm 2030. Ông Jensen Huang, nhà sáng lập tập đoàn công nghệ Nvidia (Mỹ) tin rằng, GDP của Metaverse một ngày nào đó sẽ “vượt cả GDP của thế giới thực”.
Metaverse trong tương lai chắc chắn sẽ phong phú, phổ biến trên toàn thế giới và có thể sử dụng miễn phí. Vũ trụ ảo sẽ tập trung vào các hoạt động số hóa như giải trí, kết nối cộng đồng, làm việc trực tuyến…
Metaverse cũng tạo ra một hệ sinh thái dành cho các lập trình viên phần mềm, quảng cáo và nhiều phát minh mới giúp việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ đơn giản hơn.
Hệ sinh thái Metaverse phát triển trong tương lai sẽ tác động trực tiếp đến nhiều doanh nghiệp công nghệ ở các lĩnh vực khác nhau như trò chơi, mạng xã hội, công nghệ truyền thông (Zoom), tiền điện tử…
Một thế giới siêu kết nối nhờ Internet. (Nguồn: Worldatlas) |
Thế giới siêu kết nối nhờ Internet
Internet vạn vật (IoT) mang đến lợi ích lớn khi kết nối tất cả mọi người với nhau một cách dễ dàng nhờ vào mạng lưới cảm biến, thiết bị và cơ sở hạ tầng. Khi tất cả kết nối với nhau qua Internet, người dùng có thể kiểm soát đồ vật của mình qua mạng chỉ với một thiết bị thông minh như smartphone, máy tính bảng, hay thậm chí chỉ bằng một chiếc đồng hồ thông minh đeo trên tay.
Theo McKinsey Digital, cứ mỗi giây có 127 thiết bị thông minh kết nối với Internet. Statista còn lạc quan dự báo rằng chỉ riêng công nghệ 5G sẽ cung cấp năng lượng kết nối cho 1,3 tỷ thiết bị IoT di động vào năm 2023. Bức tranh về ngôi nhà tiện nghi với những trải nghiệm sống tự động gần như được phác thảo rõ rệt trong những năm tới.
Theo thời gian, công nghệ phát triển ngày càng nhanh, ngôi nhà lý tưởng cũng sẽ ngày càng được thay đổi và nâng cấp để bắt kịp xu thế. Nhờ IoT, các thiết bị trong nhà được kết nối với nhau, trở nên thông minh hơn và “hiểu ý” chủ nhân. Thậm chí, các thiết bị smarthome đến từ những thương hiệu khác nhau giờ đây cũng có thể giao tiếp với nhau để hỗ trợ người dùng được tốt nhất. “Khi tất cả thiết bị sử dụng chung một ngôn ngữ, công nghệ sẽ phát huy tối đa tính hữu dụng”, bà Samantha Osborne, Phó Chủ tịch Samsung SmartThings, chia sẻ về chuẩn kết nối Matter được hỗ trợ bởi các hãng công nghệ lớn như Apple, Google, Samsung, Amazon.
Ứng dụng robot trong cuộc sống
Tự động hóa quy trình bằng robot (RPA) giúp giảm bớt các hoạt động phải lặp đi lặp lại liên tục, từ đó tối ưu hóa các hoạt động sản xuất và kinh doanh. RPA được dự báo tiếp tục tăng trưởng trong năm 2023 và trở thành một tiêu chuẩn về công nghệ được ứng dụng trong các doanh nghiệp.
Việc ứng dụng công nghệ robot vào các lĩnh vực sản xuất và đời sống như công nghiệp ô tô, nông nghiệp, chăm sóc sức khỏe, kho vận và quản lý chuỗi cung ứng sẽ tăng trưởng mạnh trong năm 2023. Ngoài ra, con người sẽ được chứng kiến nhiều ứng dụng robot tự động hóa trong các ngành, lĩnh vực khác.
Trong năm 2023, robot sẽ càng giống con người, cả về ngoại hình và khả năng.
Những loại robot này sẽ được sử dụng trong cuộc sống với vai trò là lễ tân, người pha chế rượu, bạn đồng hành cùng người lớn tuổi... Robot sẽ thực hiện các nhiệm vụ phức tạp trong nhà máy và kho bãi khi làm việc cùng con người trong sản xuất và hậu cần. Robot cũng có thể thực hiện các nhiệm vụ đơn giản như mang vật dụng và tưới cây, vì vậy sẽ sớm có những robot giúp việc trong nhà.
Xu hướng ứng dụng blockchain
Blockchain được xem là một trong những tập dữ liệu lớn, được số hóa và có khả năng phân bố rộng khắp. Nguyên tắc hoạt động của blockchain là tạo nên một cộng đồng hoạt động gắn kết, không đơn lẻ.
Như nhiều ngành công nghiệp khác, khi mới xuất hiện, nhiều đồng tiền kỹ thuật số được tạo ra và chúng cạnh tranh với nhau. Trong tương lai, có thể chỉ còn lại một vài đồng tiền kỹ thuật số tồn tại và được nhiều người chấp nhận là một hình thức thanh toán.
Blockchain cũng là một hệ thống sổ cái cho phép các công ty có thể theo dõi, giám sát các giao dịch và hợp tác kinh doanh với các đối tác chưa được xác minh mà không cần tới sự hỗ trợ của các tổ chức tài chính. Công nghệ này giúp làm giảm các vấn đề khi kinh doanh, đồng thời đem lại nhiều lợi ích khác cho doanh nghiệp như liên kết mạng lưới dữ liệu của doanh nghiệp, có tính công khai, minh bạch, bảo mật, không thể sửa đổi và phi tập trung.
Nhờ những lợi ích trên, xu hướng công nghệ ứng dụng blockchain trong doanh nghiệp đã trở nên phổ biến và sẽ tiếp tục can thiệp sâu vào nhiều lĩnh vực hơn nữa trong tương lai, từ trò chơi điện tử đến tài chính nói chung.
Theo Tập đoàn dữ liệu quốc tế International Data Corporation, các doanh nghiệp đã chi gần 6,6 tỷ USD vào các giải pháp blockchain trong năm 2021, tăng 50% so với năm 2020. Con số này được dự đoán sẽ tiếp tục tăng đến 15 tỷ USD vào năm 2024. Với sự phát triển vượt bậc của NFT (một loại tài sản số hiện diện trên một chuỗi số blockchain) và metaverse, blockchain chắc chắn sẽ trở thành một công nghệ đóng vai trò quan trọng trong năm 2023.