EU đề ra kế hoạch tăng cường hiện diện tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương song không nhằm "chống Trung Quốc". (Nguồn: Getty) |
Tuyên bố được đưa ra trong cuộc họp trực tuyến nêu rõ, EU đã cân nhắc "nên củng cố trọng tâm chiến lược, sự hiện diện và các hành động ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương... trên cơ sở phát huy dân chủ, pháp quyền, nhân quyền và luật pháp quốc tế".
Các Ngoại trưởng EU khẳng định kế hoạch tăng cường sự hiện hiện tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương không nhằm "chống Trung Quốc".
Kế hoạch này có thể đồng nghĩa với việc EU sẽ thúc đẩy hoạt động ngoại giao trong các vấn đề liên quan tới Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, triển khai nhiều nhân sự hơn và đẩy mạnh đầu tư vào khu vực, cũng như có thể tăng cường độ phủ sóng an ninh lớn hơn.
Tuyên bố khẳng định: "EU sẽ phát triển hơn nữa các mối quan hệ đối tác và củng cố sự đồng lòng với các đối tác chung chí hướng và các tổ chức liên quan trong vấn đề an ninh và quốc phòng.
Điều này sẽ bao gồm việc ứng phó với những thách thức đối với an ninh quốc tế, trong đó có cả an ninh hàng hải".
Dự kiến, EU sẽ công bố chiến lược chi tiết hơn vào tháng 9 tới.
Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trên bản đồ chính trị thế giới, khiến không chỉ Mỹ mà ngay cả EU cũng cần đưa ra cách tiếp cận mới cho mình.
Nhiều nước lớn trong EU đã thể hiện sự quan tâm tới khu vực này khi Pháp, Đức và Hà Lan là những nước tiên phong trong nỗ lực tăng cường quan hệ với các nước ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương như Ấn Độ, Nhật Bản và Australia.
Không chỉ có các nước trong EU, ngày 16/3 vừa qua, Anh - quốc gia đã rời EU cũng công bố những thay đổi chiến lược quan trọng, trong đó tuyên bố 'xoay trục' về "trung tâm địa chính trị" mới của thế giới là Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, thể hiện sự quan tâm ngày một lớn tới khu vực này.
Sách lược mới, dựa trên các đánh giá lớn nhất về chính sách quốc phòng và đối ngoại của London trong 30 năm qua, thể hiện quan điểm của chính quyền Thủ tướng Boris Johnson về một trật tự quốc tế dựa trên luật pháp và hợp tác, tự do thương mại.