📞

Cách tính tiền lương, phụ cấp theo mức lương cơ sở mới từ 1/7/2023 thế nào?

Phi Khanh 07:00 | 10/05/2023
Dưới đây là cách tính tiền lương, phụ cấp và các hoạt động phí với cán bộ, công chức, viên chức với mức lương cơ sở tăng lên 1,8 triệu đồng/tháng từ 1/7/2023.
Cách tính tiền lương, phụ cấp theo mức lương cơ sở mới thế nào?

Cách tính mức lương, phụ cấp

Theo dự thảo Thông tư, cách tính mức lương, phụ cấp và hoạt động phí áp dụng với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đó là:

Mức lương thực hiện từ ngày 1/7/2023 = Mức lương cơ sở 1.800.000 đồng/tháng x Hệ số lương hiện hưởng.

Về công thức tính mức phụ cấp, theo dự thảo Thông tư, đối với các khoản phụ cấp tính theo mức lương cơ sở:

Mức phụ cấp thực hiện từ ngày 1/7/2023 = Mức lương cơ sở 1.800.000 đồng/tháng x Hệ số phụ cấp hiện hưởng.

Đối với các khoản phụ cấp tính theo % mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có):

Mức phụ cấp thực hiện từ ngày 1/7/2023 = (Mức lương thực hiện từ ngày 1/7/2023 + Mức phụ cấp chức vụ lãnh đạo thực hiện từ ngày 1/7/2023 (nếu có) + Mức phụ cấp thâm niên vượt khung thực hiện từ ngày 1/7/2023(nếu có)) x Tỷ lệ % phụ cấp được hưởng theo quy định.

Đối với các khoản phụ cấp quy định bằng mức tiền cụ thể thì giữ nguyên theo quy định hiện hành.

Công thức tính mức tiền của hệ số chênh lệch bảo lưu (nếu có):

Mức tiền của hệ số chênh lệch bảo lưu thực hiện từ ngày 1/7/2023 = Mức lương cơ sở 1.800.000 đồng/tháng x Hệ số chênh lệch bảo lưu hiện hưởng (nếu có).

Đối với đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp quy định tại Khoản 5 Điều 1 Thông tư này: Căn cứ vào hệ số hoạt động phí đối với đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp theo quy định của pháp luật hiện hành để tính mức hoạt động phí theo công thức sau:

Mức hoạt động phí thực hiện từ ngày 1/7/2023 = Mức lương cơ sở 1.800.000 đồng/tháng x Hệ số hoạt động phí theo quy định.

Đối tượng áp dụng

Bộ Nội vụ đang dự thảo Thông tư Hướng dẫn thực hiện mức lương cơ sở đối với các đối tượng hưởng lương, phụ cấp trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội và hội.

Theo đó, các đối tượng áp dụng Thông tư này đó là:

Cán bộ, công chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước làm việc trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương; ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương; ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Viên chức hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.

Cán bộ, công chức, viên chức được luân chuyển, biệt phái đến làm việc tại các hội, tổ chức phi Chính phủ, dự án và cơ quan, tổ chức quốc tế đặt tại Việt Nam theo quyết định của cấp có thẩm quyền.

Cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố quy định tại Nghị định số 92/2009/NĐCP ngày 22 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố.

Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp hưởng hoạt động phí theo quy định của pháp luật hiện hành. Người làm việc trong tổ chức cơ yếu.

Các đối tượng khác cũng thuộc phạm vi áp dụng Thông tư này khi tính toán xác định mức đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội và giải quyết các chế độ liên quan đến tiền lương theo quy định của pháp luật...