📞

Cải cách 'bước ngoặt' của Saudi Arabia giúp thay đổi cuộc sống người lao động nhập cư

Trường Phan 15:36 | 12/11/2020
TGVN. Saudi Arabia tuyên bố sẽ chính thức ban hành những cải cách mới nhằm bãi bỏ một số hạn chế trong hệ thống bảo trợ ‘kafala’ nhằm giảm thiểu tình trạng một số người chủ lao động lợi dụng kẽ hở để lạm dụng và bóc lột những người lao động nhập cư tại đất nước này.
Lao động nhập cư có quyền thay đổi công việc dễ dàng hơn trước. (Nguồn: Daily Sabah)

Hàng triệu lao động được hưởng lợi

Bộ Nhân sự và Phát triển Xã hội Saudi Arabia cho biết, việc bãi bỏ một số hạn chế trong hệ thống bảo trợ ‘kafala’ sẽ cho phép người lao động nhập cư có quyền thay đổi công việc dễ dàng hơn trước bằng cách chuyển việc bảo lãnh từ người sử dụng lao động này sang người sử dụng lao động khác.

Bên cạnh đó, lao động nhập cư có thể dễ dàng nhập cảnh vào Saudi Arabia hay được tạo điều kiện có thị thực xuất cảnh nếu muốn rời đi mà không cần sự đồng ý của chủ lao động - điều mà trước đây thường tốn rất nhiều thời gian và gặp nhiều bất cập.

Trước đây, dưới hệ thống bảo trợ kafala, người lao động nước ngoài tại Saudi Arabia thường bị ràng buộc với người chủ lao động - người bảo lãnh và cũng là người chịu trách nhiệm về tình trạng pháp lý cho các lao động nhập cư. Một số chủ lao động tham lam đã lợi dụng sự ràng buộc này để kiểm soát việc xuất nhập cảnh của lao động nước ngoài, cũng như hạn chế khả năng thay đổi công việc của họ.

Rất nhiều chủ lao động còn cố tình giam giữ hộ chiếu của lao động nhập cư, ép buộc họ phải làm việc quá giờ, và thậm chí quỵt tiền lương. Điều này khiến hàng trăm ngàn người lao động bức xúc, buộc phải tháo chạy khỏi vòng xiềng xích của chủ doanh nghiệp và sống chui lủi bất hợp pháp khi không có giấy tờ tuỳ thân.

Thứ trưởng Bộ Nhân sự và Phát triển Xã hội Saudi Arabia Abdullah bin Nasser Abuthnain cho biết, cải cách lần này có tên "Sáng kiến Quan hệ Lao động", dự kiến sẽ có hiệu lực kể từ tháng 3/2021, ảnh hưởng đến khoảng 10 triệu lao động nước ngoài tại quốc gia này.

Bộ này tuyên bố sẽ bảo vệ quyền lợi của cả người lao động và người sử dụng lao động trong khu vực tư nhân; xóa bỏ sự phân biệt giữa lao động nội địa và người nhập cư. Sau này, người sử dụng lao động sẽ phải thuê người lao động dựa trên năng lực và trình độ.

Sáng kiến cải cách lần này là một phần của kế hoạch "Tầm nhìn 2030" do Thái tử Mohammed bin Salman khởi xướng nhằm giúp Saudi Arabia thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài, mở rộng khu vực tư nhân và đa dạng hóa nền kinh tế phụ thuộc vào dầu mỏ; đồng thời góp phần biến đổi thị trường lao động phù hợp với nền kinh tế mở.

Các cải cách hứa hẹn sẽ tạo ra nhiều việc làm hơn cho công dân Saudi Arabia trước tình hình dân số trẻ và tỉ lệ thất nghiệp ngày càng gia tăng.

Từng bước giảm ảnh hưởng của đạo luật ‘kafala’

Nhà nghiên cứu Rothna Begum đến từ Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) cho biết, theo những thông tin mới nhất hiện nay, các nhà chức trách Saudi Arabia đang nỗ lực loại bỏ một số yếu tố bất cập của hệ thống kiểm soát ‘kafala’ ràng buộc tình trạng pháp lý của người lao động nước ngoài với người sử dụng lao động ở nhiều quốc gia vùng Vịnh.

Ông Rothna Begum cũng khẳng định, bất kỳ động thái nào hướng tới việc hỗ trợ người lao động nhập cư thoát khỏi sự kiểm soát người chủ lao động chắc chắn sẽ có lợi cho người lao động di cư và được ủng hộ.

Từ tháng 3-2021, người lao động có thể chuyển việc làm và đảm bảo thị thực xuất cảnh mà không cần thông qua chủ doanh nghiệp. (Nguồn: Daily Sabah)

Là người có kinh nghiệm nghiên cứu lâu năm về luật di cư, người lao động và quyền phụ nữ ở Trung Đông, ông Begum cho rằng, mặc dù chính sách mới ban hành, người lao động nhập cư vẫn cần sự bảo lãnh từ người sử dụng lao động khi đến Saudi Arabia sinh sống và làm việc nhưng người sử dụng lao động.

Ông Begum cho hay, những thay đổi trong Luật di trú của Saudi Arabia là cuộc cải cách nhằm cải thiện điều kiện sống của người lao động nhập cư, nhưng hoàn toàn không đồng nghĩa với việc bãi bỏ hệ thống ‘kafala’. Tuy nhiên, Chính phủ Saudi Arabia sẽ hướng tới tích hợp cả thị thực làm việc và thị thực cư trú cho mỗi cá nhân lao động nhập cư (còn được gọi là chính sách kafeel).

Vẫn còn là chặng đường dài

May Romanos, một nhà nghiên cứu về quyền của người di cư thuộc Tổ chức Ân xá Quốc tế tại khu vực vùng Vịnh, cho rằng trong khoảng thời gian kể từ lúc Saudi Arabia công bố những cải cách mới và thực thi đầy đủ, sẽ rất khó để đánh giá tác động của những chính sách này đối với quyền của người lao động nhập cư, mặc dù những thay đổi mới nhất này sẽ áp dụng cho tất cả người lao động nhập cư, bao gồm cả người giúp việc cho hộ gia đình và bảo mẫu.

Ngược lại, dự luật trên cũng không nêu rõ liệu người sử dụng lao động có thể báo cáo trường hợp người lao động bỏ trốn hay không. Trong trường hợp, người sử dụng lao động báo cáo một nhân viên tự ý bỏ trốn, liệu họ có quyền hủy bỏ thị thực của người lao động trước khi người đó có thể yêu cầu chuyển sang việc làm khác hay không?

Điều này cũng xới lên nhiều vấn đề về tính toàn diện và triệt để khi thực hiện cải cách đạo luật 'kafala'. Rõ ràng, việc cải cách loại bỏ đáng kể sự can thiệp quá sâu của người sử dụng lao động nhưng người lao động có thể bị mắc kẹt dưới những hình thức khác khi các yếu tố lệ thuộc vào chủ doanh nghiệp vẫn còn.

Ngoài Saudi Arabia, Qatar quốc gia đang chuẩn bị đăng cai FIFA World Cup tiếp theo vào năm 2022 gần đây đã đưa ra những thay đổi tương tự đối với Luật Lao động.

(theo Daily Sabah)