Việt Nam đứng thứ 5 trong ASEAN
Với thứ hạng mới này, WB khẳng định môi trường kinh doanh, thuận lợi hóa kinh doanh của Việt Nam năm 2018 cải thiện rất nhiều so với vị trí thứ 82 trong năm 2017. So sánh tương quan vị thế của Việt Nam trong các quốc gia ASEAN, Việt Nam đã vượt khá nhiều nước trong khu vực.
Cụ thể, trong ASEAN, Việt Nam chỉ đứng sau 4 nước là Singapore (đứng vị trí thứ 2), Malaysia (vị trí 24), Thái Lan (vị trí 26, tăng 22 bậc) và Brunei (vị trí thứ 56, tăng 20 bậc) và xếp trên 6 nước còn lại là Indonesia (vị trí thứ hạng 72, tăng 19 bậc), Philippines (113), Campuchia (135), Lào (141), Myanmar (171) và Timor Leste (178).
WB khẳng định môi trường và thuận lợi hóa kinh doanh của Việt Nam năm 2018 đã cải thiện đáng kể so với năm 2017. (Nguồn: WB report) |
Trong khảo sát năm nay, WB đánh giá các nền kinh tế dựa trên 10 tiêu chí, gồm Thành lập doanh nghiệp, Xin giấy phép xây dựng, Nộp thuế, Tiếp cận điện năng, Bảo vệ lợi ích nhà đầu tư thiểu số, Giao thương quốc tế, Thực thi hợp đồng, Đăng ký tài sản, Vay vốn và Xử lý khi mất khả năng thanh toán. Môi trường kinh doanh của Việt Nam được quốc tế đánh giá cao vì có nhiều cải thiện từ chính sách của Chính phủ, trong đó có 8/10 chỉ số tăng điểm.
Cụ thể, những lĩnh vực mà Việt Nam được đánh giá có nhiều cải cách, giúp việc kinh doanh dễ dàng hơn là Tiếp cận điện năng, Vay vốn, Nộp thuế, Giao thương quốc tế và Thực thi hợp đồng. 10 lĩnh vực của Việt Nam có thứ hạng xếp trong khoảng từ 20 đến 129. Được đánh giá cao nhất vẫn là Xin giấy phép Xây dựng (xếp thứ 20), và thấp nhất là Xử lý khi mất khả năng thanh toán (129). Riêng chỉ số về Đăng ký tài sản và Bảo vệ cổ đông thiểu số không tăng so với năm 2017.
Trong năm 2017, Chính phủ Việt Nam đã thực hiện hàng loạt chính sách thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh bằng các cuộc gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với khu vực kinh tế tư nhân. Các Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa đã và đang được làm có hiệu quả. Mới đây nhất, Luật hỗ trợ Doanh nghiệp vừa và nhỏ đã được thông qua; các chính sách kêu gọi các bộ, ngành và địa phương xóa bỏ, cắt giảm điều kiện kinh doanh, giấy phép con đã và đang được các nơi thực hiện có hiệu quả bước đầu.
Xu hướng đơn giản hóa thủ tục
Báo cáo Doing Business 2018, đánh giá các nền kinh tế trên thế giới đều đang thực hiện các cải tổ để giúp việc kinh doanh đơn giản hơn. Châu Âu và Trung Á tiếp tục là khu vực có tỷ lệ các nước cải tổ nhiều nhất. Theo thống kê của WB, 190 nền kinh tế đã thực hiện 264 cải cách trong một năm qua, chủ yếu tập trung giảm tính phức tạp và chi phí hành chính trong việc thành lập doanh nghiệp và vay vốn.
Riêng ở khu vực Đông Á – Thái Bình Dương, các nền kinh tế trong khu vực đã thực hiện 45 biện pháp cải cách, đưa tổng số các biện pháp cải cách kinh tế tư nhân được thực hiện tại khu vực trong vòng 15 năm qua lên con số 371.
Tính riêng trong năm 2017, Đông Á - Thái Bình Dương cũng là nơi có 2 trong số 10 nền kinh tế đứng hàng đầu thế giới về cải thiện môi trường kinh doanh là Singapore và Đặc khu Kinh tế Hongkong (Trung Quốc). Trong khu vực cũng có 2 trong số 10 nền kinh tế có nhiều cải thiện nhất là Brunei và Thái Lan. Cả Brunei và Thái Lan đều có 8 cải cách được thực hiện được trong năm ngoái. Nhưng nếu đây là một kỷ lục mới của Thái Lan, thì đã là năm thứ 2 liên tiếp đối với Brunei.
Theo đó, trong một năm, Brunei đã tinh giản thêm thủ tục cấp giấy phép xây dựng nhờ hoàn thiện quy trình xin giấy phép xây dựng; đồng thời cũng tăng cường tiếp cận tín dụng bằng cách ban hành luật mới về giao dịch bảo đảm, từ đó tạo hành lang pháp lý thống nhất về bất động sản và xây dựng được cơ chế đăng ký tài sản bảo đảm hiện đại. Nước này cũng tạo thuận lợi hơn cho hoạt động xuất nhập khẩu nhờ cải tiến Cơ chế một cửa quốc gia và thủ tục hải quan.
Các tiêu chí đánh giá của WB. (Nguồn: WB report) |
Đối với Thái Lan, thủ tục thành lập doanh nghiệp đã thuận lợi hơn nhờ bãi bỏ quy định phải có con dấu công ty, cũng như yêu cầu phải xin phê duyệt của Bộ Lao động. Nhờ đó mà thời gian cần để thành lập doanh nghiệp đã giảm xuống chỉ còn 4,5 ngày so với 27,5 ngày trước đây. Với việc triển khai hệ thống thông tin địa lý, các cơ quan quản lý của Thái Lan cũng hoàn thiện thêm quy trình xin cấp đường điện và nâng cao tính ổn định của các quy định về quản lý đất đai.
Trong 15 năm, Việt Nam và Indonesia được đánh giá là hai quốc gia thực hiện nhiều cải cách nhất khu vực, mỗi nước cùng có 39 cải cách. Năm 2017, Indonesia đã thực hiện 7 cải cách về Môi trường kinh doanh, trong đó bao gồm: Tăng cường tiếp cận tín dụng thông qua việc thành lập trung tâm thông tin tín dụng mới; Tạo thuận lợi trong thủ tục nộp thuế; Tăng cường các biện pháp bảo vệ nhà đầu tư thiểu số và tăng cường minh bạch công ty; Giảm các loại phí thành lập doanh nghiệp mới.
Một số cải cách tạo ấn tượng của một số nền kinh tế trong khu vực có thể kể đến như: Biện pháp tạo thuận lợi trong thủ tục nộp thuế của Trung Quốc giúp giảm 52 giờ làm thủ tục; Nâng cấp công trình cảng nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại xuyên biên giới của Malaysia; Giảm thuế chuyển nhượng của Indonesia…
Tuy vậy, Báo cáo của WB đã chỉ ra một số tồn tại đã tạo nên sự chênh lệch lớn giữa các nền kinh tế trong khu vực, kéo thứ hạng bình quân của cả khu vực như: tiêu chí Thành lập doanh nghiệp (thứ hạng bình quân 103), Thương mại xuyên biên giới (102) và Thực thi hợp đồng (102)… Chẳng hạn, tại Singapore, việc Giải quyết tranh chấp thương mại chỉ cần 164 ngày, tốn phí 25,8% giá trị khiếu kiện (xếp thứ 2 toàn cầu về Thực thi hợp đồng). Ở Philippines cần tới 962 ngày (xếp thứ 149 toàn cầu về Thực thi hợp đồng), còn tại Campuchia mức phí tổn lên tới 103,4% giá trị khiếu kiện (xếp thứ 179 về Thực thi hợp đồng).