Đây là nhận định được các chuyên gia của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đưa ra tại buổi Họp báo công bố Báo cáo Triển vọng phát triển Châu Á (ADO) 2017 ngày 10/4 tại Hà Nội.
Triển vọng tăng trưởng sáng
Báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á (ADO) 2017 dự báo, nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,5% trong năm 2017 và 6,7% trong năm 2018 nhờ sự gia tăng hoạt động trong các lĩnh vực chế tạo, xây dựng, thương mại bán buôn và bán lẻ, ngân hàng và du lịch.
Sản xuất công nghiệp và xuất khẩu sẽ tiếp tục gia tăng khi nền kinh tế Mỹ tiếp tục mạnh lên, và các cơ hội thương mại mới được mở ra với Liên minh châu Âu thông qua hiệp định thương mại tự do (FTA) mới sẽ có hiệu lực vào đầu năm 2018.
Triển vọng đầu tư tư nhân cũng tỏ ra sáng sủa. Cải cách thực tiễn kinh doanh đã giúp Việt Nam cải thiện vị thế trong xếp hạng Môi trường Kinh doanh của Ngân hàng Thế giới (World Bank) từ vị trí 91 trên 189 quốc gia được khảo sát trong năm 2016 lên 82 trên 190 nước trong khảo sát năm 2017.
Họp báo công bố Báo cáo Triển vọng phát triển Châu Á (ADO) 2017. (Ảnh: P.M) |
“Với mức tăng trưởng dự báo 6,5% trong năm 2017, Việt Nam là một trong những quốc gia ở châu Á tăng trưởng tốt. Triển vọng kinh tế là sáng sủa”, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam Eric Sidgwick khẳng định.
Một trong những động lực của tăng trưởng, theo báo cáo, là nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Với những mức kỷ lục được duy trì trong thu hút FDI sẽ thúc đẩy ngành chế tạo trong nước, đồng thời giúp tăng nguồn thu từ xuất khẩu của Việt Nam ngay cả khi dòng thương mại khu vực và toàn cầu tiếp tục suy giảm.
“Kim ngạch xuất khẩu hàng hoá được dự báo sẽ tăng với tốc độ 10%/năm trong vòng 2 năm tới khi các nhà máy có vốn đầu tư nước ngoài bắt đầu đi vào sản xuất và các FTA mới có hiệu lực. Kim ngạch nhập khẩu dự báo sẽ còn tăng nhanh hơn vì các luồng vốn FDI lớn hơn sẽ làm tăng nhu cầu nhập khẩu hàng hoá vốn và đầu vào cho sản xuất”, báo cáo nhận định.
Ngoài ra, tầng lớp trung lưu đang tăng nhanh của Việt Nam được dự báo tăng gấp đôi so với hiện nay lên 33 triệu người vào năm 2030, cũng sẽ giúp gia tăng tiêu dùng cá nhân và thúc đẩy thương mại bán lẻ.
Nông nghiệp là động lực của tăng trưởng
Báo cáo nhận định, khi Việt Nam bắt đầu phục hồi trở lại sau đợt hạn hán nặng nề nhất trong vòng một thập kỷ thì vai trò của ngành nông nghiệp đối với nền kinh tế và khả năng đưa Việt Nam từ nước có thu nhập trung bình thấp lên trung bình cao đã nhận được sự quan tâm cao hơn về chính sách.
Theo Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam Eric Sidgwick, nông nghiệp đã luôn là một động lực quan trọng của tăng trưởng, giảm nghèo, an ninh lương thực và xuất khẩu kể từ khi chính phủ bắt đầu cải cách lĩnh vực này vào cuối thập niên 1980. Tuy nhiên, những năm gần đây, trước sức ép cạnh tranh quốc tế ngày càng tăng và năng suất lao động trong nước thấp, tăng trưởng của khu vực này đã chậm lại, chỉ khoảng 2%/năm kể từ năm 2011. Sản lượng nông nghiệp bình quân trên mỗi lao động ở Việt Nam hiện chỉ bằng 1/3 của Indonesia và chưa bằng một nửa so với Thái Lan và Philippines.
“Trong khi Việt Nam tiếp tục khắc phục những tác động ngày càng xấu của biến đổi khí hậu đối với nông nghiệp, các cải cách sâu rộng hơn và nguồn vốn đầu tư lớn hơn cho lĩnh vực này sẽ có vai trò then chốt để tăng năng suất nông nghiệp và bảo đảm tăng trưởng đồng đều và bền vững về môi trường trong dài hạn”, ông Sidgwick cho hay.
Cải cách nông nghiệp là yếu tố then chốt để thúc đẩy tăng trưởng. (Nguồn: Tạp chí Tài chính) |
Ông Aaron Batten, Chuyên gia kinh tế trưởng của ADB cho rằng, Việt Nam cần cấp thiết giải quyết những tác động ngày càng tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với nông nghiệp. Việt Nam là một trong những nước dễ bị tổn thương nhất trước biến đổi khí hậu, và nông nghiệp càng đứng trước nguy cơ lớn hơn, vì nông nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào các điều kiện khí hậu và sinh thái nông nghiệp ổn định.
“Để chuẩn bị đầy đủ nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, Việt Nam cần có sự lãnh đạo mạnh mẽ, đảm bảo sao cho các cân nhắc về biến đổi khí hậu được lồng ghép đầy đủ vào công tác hoạch định chính sách, ưu tiên cho các dự án đầu tư xanh, thông minh như cải thiện quy hoạch tài nguyên nước và sử dụng nước hiệu quả hơn”, ông Aaron Batten nói.
Báo cáo của ADB nhấn mạnh, để chuyển đổi nông nghiệp, cần giải quyết một số thách thức cơ bản trong chính sách, bao gồm tạo điều kiện cho cạnh tranh mạnh mẽ hơn trong các chuỗi cung ứng nông nghiệp và chế biến sau thu hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn để hỗ trợ các mặt hàng nông sản mang lại giá trị gia tăng cao hơn. Đồng thời, áp dụng các thông lệ quản lý tài nguyên thiên nhiên bền vững hơn và tích hợp hiệu quả hơn những cân nhắc về biến đổi khí hậu vào trong các quy trình ra quyết định.
Nguy cơ tụt hậu
Dù nhận định khác lạc quan về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, ông Aaron Batten cũng cho rằng, tăng trưởng của Việt Nam vẫn “dưới mức cần thiết” để trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030.
“Với mức tăng trưởng hiện tại, Việt Nam chỉ đạt được mục tiêu là nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2031. Tăng mức tăng trưởng thêm 2% sẽ rút ngắn khoảng thời gian này vào năm 2026”.
Ông Eric Sidgwick nhận định, để trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao, Việt Nam phải tăng trưởng trên 7% nhưng hiện nay Việt Nam chỉ tăng trưởng trên 6%. Như vậy, Việt Nam vẫn có nguy cơ bị tụt hậu.
Việt Nam phải đạt mức tăng trưởng trên 7% nếu muốn trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030. (Nguồn: Cafe F) |
Vế vấn đề nợ công, chuyên gia của ADB thừa nhận, đây cũng là thách thức của Việt Nam khi nợ công đã lên đến mức trần 65% GDP do Quốc hội cho phép.
“Nếu nhìn vào cấu trúc nợ công của Việt Nam hiện nay thì chúng ta có thể thấy phần lớn nợ công hiện nay là do nợ trong nước. Nợ nước ngoài có tăng nhưng không tăng nhanh bằng nợ trong nước. Nợ trong nước tăng là bởi vì chúng ta bị thâm hụt và bội chi ngân sách”, ông Eric Sidgwick phân tích.
Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam khuyến nghị, để giảm nợ công, Việt Nam cần giữ mức tăng trưởng GDP tốt, giảm thâm hụt ngân sách, giảm chi thường xuyên. “Tăng thu là quan trọng nhưng giảm chi cũng không kém phần quan trọng”, ông Eric Sidgwick nói.