Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (trái) cách chức ông Yoav Gallant (phải) khỏi vị trí Bộ trưởng Quốc phòng vào ngày 26/3. (Nguồn: Flash 90) |
Bộ trưởng Gallant là quan chức cấp cao nhất trong chính phủ của Thủ tướng Netanyahu công khai kêu gọi ngừng kế hoạch cải cách tư pháp, vốn đang vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của dư luận Israel thời gian gần đây.
Phát biểu của ông Gallant được đưa ra trong bối cảnh hàng trăm nghìn người đã lại xuống đường biểu tình tại 150 địa điểm trên toàn quốc vào tối thứ Bảy tuần thứ 12 liên tiếp. Cuộc biểu tình có quy mô lớn nhất là tại thành phố Tel Aviv, với ước tính hơn 195.000 người tham gia.
Phát biểu của Bộ trưởng Gallant nhận được sự ủng hộ của các nghị sĩ Yuli Edelstein và David Bitan của đảng Likud.
Lãnh đạo phe đối lập, cựu Thủ tướng Yair Lapid, đã ca ngợi bài phát biểu "dũng cảm" của ông Gallant là một bước đi quan trọng vì an ninh của Israel. Trong khi đó, Bộ trưởng An ninh quốc gia - chính trị gia cực hữu Itamar Ben Gvir kêu gọi bãi nhiệm ông Gallant.
Chỉ một ngày sau động thái của ông Gallant, quan chức này đã bị Thủ tướng Netanyahu cách chức Bộ trưởng Quốc phòng.
Văn phòng của Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã đưa ra một thông báo ngắn về quyết định trên mà không đưa ra bất kỳ lý do nào. Động thái này được coi là một dấu hiệu cho thấy liên minh của ông Netanyahu đang cố gắng thúc đẩy các dự luật cải cách quan trọng dự kiến sẽ sớm được đưa ra bỏ phiếu tại Quốc hội.
Hiện chưa rõ các nghị sĩ của đảng Likud có theo chân ông Gallant kêu gọi ngừng kế hoạch cải cách hay không.
Liên minh cầm quyền do Thủ tướng Netanyahu đứng đầu hiện giữ 64 ghế tại Quốc hội có tổng số 120 nghị sĩ. Điều này có nghĩa là sẽ cần thêm ít nhất 3 nghị sĩ khác ngoài ông Gallant để ngăn chặn các dự luật được thông qua trong thời gian tới.
Trước quyết định của chính phủ Israel, Tổng lãnh sự nước này tại New York Asaf Zamir đã tuyên bố từ chức để phản đối.
Trên mạng xã hội Twitter, ông Asaf Zamir viết: "Tôi không thể tiếp tục đại diện cho chính phủ này nữa. Tôi tin rằng nhiệm vụ của tôi là đảm bảo Israel vẫn là ngọn hải đăng của nền dân chủ và tự do trên thế giới."
Trong khi đó, tối muộn 26/3 tại Israel, (tức sáng sớm 27/3 giờ Việt Nam), hàng trăm nghìn người dân đã xuống đường biểu tình, chặn đường cao tốc tại thành phố Tel Aviv và bao vây dinh thự Thủ tướng tại thành phố Jerusalem.
Cùng thời gian này, trên Twitter, cựu Thủ tướng Israel Naftali Bennett cảnh báo, Nhà nước Do Thái đang rơi vào tình hình nguy hiểm chưa từng có kể từ chiến tranh Yom Kippur - xung đột giữa Israel và liên minh các nước Arab (6-26/10/1973) khiến nước này mất đi 2.656 người và 7.250 người khác bị thương.
Ông kêu gọi "Thủ tướng Netanyahu rút lại lệnh cách chức ông Gallant, ngừng cải cách và tiến hành thương lượng".
Theo chính trị gia này, "không quan trọng ai đúng ai sai. Tôi kêu gọi tất cả người biểu tình và công dân Israel làm mọi thứ không kèm bạo lực, không kèm đổ máu”.
Trước những diễn biến bất thường mới, ngày 27/3, các đài truyền hình Kan và Channel 12 đưa tin dựa trên các “nguồn tin chính trị” rằng, Thủ tướng Netanyahu đang cân nhắc ngừng kế hoạch cải cách tư pháp.
Trước đó, tối 23/3, Thủ tướng Netanyahu đã có bài phát biểu được phát sóng toàn quốc, trong đó ông Netanyahu nhấn mạnh sẽ tham gia đầy đủ vào tiến trình cải cách tư pháp để bảo đảm sự cân bằng, khẳng định các dự luật sẽ tiếp tục được thông qua bất chấp làn sóng biểu tình hiện nay.