📞

Cấm xe chạy diesel để cải thiện môi trường

07:30 | 25/12/2016
Từ năm 2025, xe hơi sử dụng nhiên liệu diesel sẽ không được lưu hành tại 4 thành phố lớn nhất thế giới, nhằm cải thiện chất lượng không khí.

Kế hoạch trên đã được thị trưởng 4 thành phố Paris (Pháp), Madrid (Tây Ban Nha), Athens (Hy Lạp) và Mexico City (Mexico) công bố tại Hội nghị Thượng đỉnh Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu tại New York (Mỹ) cuối tháng 9 vừa qua với sự tham dự của nhiều nguyên thủ, bộ trưởng, trưởng đoàn đại biểu của 193 nước thành viên LHQ.

Lãnh đạo các thành phố này cũng cam kết hỗ trợ phát triển hệ thống giao thông công cộng và các loại phương tiện thay thế, đồng thời có kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông thân thiện hơn với người đi xe đạp và đi bộ. Động thái mạnh mẽ của 4 thị trưởng trên được xem là động lực, khuyến khích chính quyền các thành phố khác trên thế giới hành động, góp phần đẩy nhanh quá trình ngừng sử dụng công nghệ diesel.

Công nghệ Diesel hết thời hoàng kim

Theo thống kê, trên toàn châu Âu hiện vẫn còn hơn 1/3 số lượng xe hơi sử dụng động cơ diesel. Trước kia, loại động cơ này đã phát triển ở nhiều quốc gia, một phần vì lý do kinh tế và một phần do hậu quả của các biện pháp chống biến đổi khí hậu - xe diesel đốt nhiên liệu hiệu quả hơn động cơ xăng thông thường, giảm lượng khí thải CO2.

Xe chạy diesel đang ảnh hưởng đến chất lượng môi trường.

Tuy nhiên, trong gần 1 thế kỷ qua, người tiêu dùng ngày càng có định kiến với loại động cơ này bởi nó được xem là tác nhân chính gây ra tình trạng ô nhiễm không khí ở nhiều thành phố trên thế giới do thải ra nitrogen dioxide và các hạt siêu nhỏ, làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và sức khỏe con người.

Thị trưởng Paris Anne Hidalgo cho biết, “biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn nhất mà nhân loại phải đối mặt. Chúng tôi muốn nói rằng con người sẽ không còn phải chịu đựng ô nhiễm không khí, các vấn đề về sức khỏe và tử vong do ô nhiễm gây ra, đặc biệt đối với người dân là những người dễ bị tổn thương nhất”.

Cách đây một năm, Thủ tướng Pháp khi đó là ông Manuel Valls, cũng đã thừa nhận việc quảng cáo xe hơi dùng nhiên liệu diesel là một sai lầm. Gần đây, thị trường ôtô thế giới bị xáo động sau vụ việc tại Volkswagen và hàng loạt mẫu xe sử dụng động cơ diesel của nhiều thương hiệu khác cũng bị đưa vào diện thanh tra do tỷ lệ khí thải thực tế xả ra môi trường khác xa số liệu được công bố.

Từ vụ bê bối đó, có thể thấy việc thử nghiệm kiểm soát khí thải và hiệu suất nhiên liệu của các nhà làm luật gặp nhiều khó khăn như thế nào. Nếu nhà chức trách yêu cầu ô tô chạy diesel phải trang bị thêm các hệ thống làm sạch khí thải, chúng sẽ tốn kém hơn và việc tăng giá bán xe dĩ nhiên sẽ ảnh hưởng đến doanh thu và danh tiếng của các hãng xe.

Những diễn biến trên cho thấy tư duy và nhận thức của các nước, đặc biệt ở châu Âu, đối với vấn đề môi trường có sự thay đổi tích cực.

Trò chơi đuổi bắt

Thật may là hàng loạt xe điện và xe lai (sử dụng đồng thời cả điện và xăng) đã được phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu này. Các hãng sản xuất xe hơi Nhật Bản và Mỹ đi theo hai lộ trình công nghệ khác nhau, trong đó các hãng xe Nhật Bản như Toyota sử dụng xe lai chạy xăng, còn các hãng xe Mỹ như General Motors và Tesla thiên về sản xuất xe chạy điện thuần túy.

Toyota đang cố chơi trò đuổi bắt khi phát triển dòng xe điện trong khi Jaguar Land Rover mới đây cũng tuyên bố ra mắt dòng sản phẩm xe điện I-PACE. Trong khi đó, Volkswagen đang nỗ lực với hy vọng rằng 25% doanh số xe Volkswagen sẽ đến từ xe điện vào năm 2025.

Tuy nhiên, cho đến nay, ngoại trừ Tesla đang gia nhập thị trường cao cấp, doanh số dòng xe điện lại gây thất vọng. Xe điện chủ yếu được sử dụng tại Na Uy do được chính phủ nước này hỗ trợ đáng kể.

Nguyên nhân của việc này một phần do quảng cáo thổi phồng trước kia. Mặc dù, người ta đã kỳ vọng lớn vào dòng xe điện trong vài năm, các model thật sự phù hợp gần đây mới xuất hiện lần đầu tiên trên thị trường dưới dạng BMW i3, Nissan Leaf 2 và Tesla Model S.

Các yếu tố khác làm chậm quá trình tiếp nhận xe điện có thể là thiếu niềm tin vào công nghệ và hiệu quả của xe điện, chẳng hạn như tuổi thọ pin ngắn mà lại không ổn định.

Tuy nhiên, người ta có thể hy vọng thái độ của người tiêu dùng sẽ thay đổi. Các nhà nghiên cứu dự đoán sẽ có hàng loạt mẫu xe điện mới ra mắt thị trường vào năm 2017. Đã đến lúc, chính phủ các nước cần khuyến khích và hỗ trợ người dân sử dụng các dòng xe phù hợp chạy năng lượng sạch.

Theo ông Alan Andrews thuộc tổ chức phi chính phủ hoạt động vì môi trường ClientEarth: "Việc không cho phép các loại xe sử dụng động cơ diesel tiếp tục lưu hành từ năm 2025 cho thấy các nước phát hiện và nhận thức được những thiệt hại mà diesel gây ra cho sức khỏe của con người. Tuy nhiên, nếu xét đến con số 467.000 người chết sớm mỗi năm ở châu Âu do ô nhiễm không khí, việc phải chờ đến năm 2025 là quá lâu". Ông kêu gọi các nhà lãnh đạo khác "đi xa hơn và nhanh hơn với những biện pháp táo bạo mới".

Dầu diesel được đặt tên theo nhà sáng chế Rudolf Diesel, có thể được dùng trong loại động cơ đốt trong mang cùng tên - động cơ diesel. lViệt Nam đang lưu hành 2 loại dầu diesel là: - Dầu DO 0,05S có hàm lượng lưu huỳnh không lớn hơn 500mg/kg (500ppm) áp dụng cho phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. - Dầu DO 0,25S có hàm lượng lưu huỳnh không lớn hơn 2.500mg/kg (2.500ppm) dùng cho phương tiện giao thông đường thủy, được khuyến cáo không dùng cho các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.