Dù hành trình kéo dài hai tuần sắp kết thúc, nhưng “phấn chấn” và “háo hức” vẫn là cảm xúc chủ đạo của những thanh, thiếu niên kiều bào khi chia sẻ với phóng viên của Báo Thế Giới & Việt Nam...
Sinh viên Nguyễn Thị Bích Đào (ngoài cùng, bên phải) cùng bạn bè tại Trại hè. |
Đi để học
Cô sinh viên Nadezhda Kolotova (Nguyễn Hồng Anh) về từ nước Nga chia sẻ, Trại Hè năm nay rất đặc biệt bởi lần đầu tiên cô được đặt chân đến những tỉnh, thành của miền Tây Nam Bộ và được nghe kể về lịch sử hào hùng của nơi "Thành đồng Tổ quốc".
Không chỉ tận mắt thấy Chợ Nổi - một loại hình giao thương rất độc đáo trên sông của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long - điều thú vị với cô sinh viên khoa Phương Đông, Đại học Quốc gia St.Petersburg là được biết thêm nhiều từ địa phương như trái khóm hay trái thơm (quả dứa), mắc (đắt), cái chén (cái bát), ly trà đá (cốc trà đá), bán sỉ (bán buôn)... Cô kể, ban đầu chưa hiểu giọng miền Nam, khi tiếp xúc với người dân nơi đây, cô chỉ biết cười và nói "dạ, dạ", nhưng khi hiểu rồi thì thấy rất thân thương.
Cô sinh viên Nadezhda Kolotova chụp ảnh trước Dinh Độc Lập. |
Đến thành phố Cao Lãnh của tỉnh Đồng Tháp, Hồng Anh được tham quan Khu di tích Cụ Nguyễn Sinh Sắc. Cô cho biết, đây thật sự là một may mắn vì bản thân đang viết khoá luận về đề tài "Phân tích và so sánh các tiểu sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh". Khi tìm hiểu về người sinh thành ra Chủ tịch Hồ Chí Minh, cô nhận thấy, Người đã nhận được tính hiếu học, tình yêu quê hương đất nước từ người cha tôn kính của mình.
Một thắng cảnh khác cũng gây ấn tượng với Hồng Anh là vườn sinh thái Tràm Chim (Đồng Tháp). Hồng Anh vẫn nhớ mãi cảm giác thoải mái và gần gũi khi hòa mình với thiên nhiên giữa dòng kênh xanh ngát.
Hồng Anh tâm sự, mẹ cô thường khuyến khích và tạo điều kiện cho cô về Việt Nam với lời khuyên: "Đi một ngày đàng, học một sàng khôn". Trở về Việt Nam lần này, bản thân cô đã học được cách sống tự lập, giao lưu, học hỏi, cách đối nhân xử thế trong một tập thể. Cô chia sẻ, qua Trại Hè, cô không chỉ có cơ hội rèn luyện thêm ngôn ngữ mẹ đẻ mà còn có cơ hội được khám phá non nước phương Nam. “Ngày mai tôi lại cùng các bạn tiếp tục hành trình đến với những miền đất mới. Và khi về nước, tôi sẽ kể cho các bạn ở Nga về đất nước, con người Việt Nam mến khách, nồng hậu thế nào”, Hồng Anh hồ hởi.
Đại biểu Trại hè thưởng thức đặc sản miền Tây. |
Khám phá bản thân mình
Nếu Hồng Anh bị hấp dẫn bởi tiếng Nam Bộ thì chàng trai Sok Serey (từ Campuchia) lại tỏ ra thích thú với quy trình sản xuất những đặc sản miền Tây. “Chuyến trải nghiệm thực tế này đem lại rất nhiều kiến thức bổ ích, giúp tôi hiểu thêm về quê hương, đặc biệt là vùng sông nước miền Tây. Cá nhân tôi nghĩ cần phải quảng bá hình ảnh tươi đẹp của miền Tây hơn nữa để du lịch sinh thái tại đây được phát triển và thu hút ngày càng nhiều du khách nước ngoài”, cậu tâm sự.
Với cô gái Nguyễn Thị Bích Đào (từ Pháp), mỗi ngày, mỗi địa danh, mỗi vùng đất đều mang lại cho cô những khám phá và trải nghiệm vô cùng thú vị. “Thực sự sau chuyến đi này, tôi đã có được một nhận thức, một suy nghĩ khác về bản thân, thấy mình cần phải cố gắng, phấn đấu nỗ lực hơn nữa trong học tập để có thể làm gì đó cho quê hương, đất nước của mình, nhất là làm thế nào để kết nối với các bạn trẻ trong nước với cộng đồng các bạn trẻ Việt Nam đang ở nước ngoài”, cô nói.
Đoàn đại biểu từ Czech. |
Dịu dàng như đất mẹ
Với Lê Đào Hồng Long (Le David) - chàng sinh viên từng vô địch karate thế giới, vô địch karate châu Âu 2016 và vô địch karate châu Âu giải đồng đội và cá nhân 2017, “không nơi nào dịu dàng như đất mẹ”. Tham gia Trại Hè năm nay, cậu tâm sự: “Tuy được sinh ra và lớn lên ở Czech nhưng trong tim tôi luôn có dòng máu Việt Nam và yêu mến đất nước của mình. Tôi rất vui vì được về thăm Tổ quốc - nơi có những con người sống đầy tình yêu thương. Tôi cũng mong sau này sẽ làm được việc gì đó để góp phần nhỏ bé cho quê hương”.
Đối với Giang Sơn Arrighini – anh chàng về từ Italy, Trại Hè là cơ hội giúp bản thân có điều kiện học hỏi nhiều điều thú vị từ bạn bè trên khắp thế giới. Một chủ đề khiến cậu sinh viên rất quan tâm là được hiểu biết thêm về các cuộc chiến tranh, đặc biệt là sự hy sinh anh dũng cũng như những đau thương, mất mát mà đồng bào miền Nam đã phải trải qua.
Đồng cảm với Arrighini, sinh viên Trần Nam Anh về từ Mỹ cũng chia sẻ: “Tôi ấn tượng với Địa đạo Củ Chi bởi nơi đây nhắc tôi nhớ đến một thời đạn bom, máu lửa nhưng cũng hết sức hào hùng của dân tộc mình. Tôi khâm phục những người dân ở đây bởi vì chỉ với những chiếc cuốc, xẻng đơn sơ mà người dân Củ Chi đã làm nên những điều hết sức kỳ diệu và phi thường. May mắn được sinh ra và lớn lên trong hoà bình, tôi càng ý thức được cần phải cố gắng học tập và rèn luyện nhiều hơn nữa để xứng đáng với sự hy sinh của thế hệ cha ông đi trước”.