Họa sĩ Đặng Dương Bằng bắt đầu sự nghiệp hội họa năm 1974 với tư cách là hội viên Hội Mỹ thuật Hà Nội. Sau đúng 50 năm, triển lãm Nocturne được tổ chức ở Thủ đô, là sự tri ân của ông dành cho Hà Nội - quê hương yêu dấu luôn ngự trị trong trái tim, giấc mơ và từng nét bút những đêm không ngủ…
Họa sĩ Đặng Dương Bằng bên tác phẩm. (Ảnh: NVCC) |
Nhiều người rất ngạc nhiên khi biết họa sĩ hiện là Giáo sư về công nghệ nano trong an toàn thực phẩm tại Đan Mạch. Hai lĩnh vực này tác động ra sao đến quá trình sáng tạo nghệ thuật của ông?
Công việc tốn nhiều thời gian nhất của tôi ở trường Đại học Bách khoa Đan Mạch hiện nay là lên ý tưởng, chuẩn bị các đề án nghiên cứu xin tài trợ cho các nhóm nghiên cứu khoa học. Nhưng càng bận rộn tôi lại càng nảy ra nhiều ý tưởng hội họa và khao khát được vẽ nhiều nhất.
Vẽ chính là cách giúp tôi định tâm, giải tỏa căng thẳng và lấy lại cân bằng cho cuộc sống, là cách giúp tôi bù đắp nỗi nhớ quê nhà, cũng là cách giúp tôi đối diện với chính mình, thanh lọc, gột bỏ những tạp niệm. Mỗi khi vẽ xong tôi ngủ ngon vì hội hoạ cho tôi những giấc mơ thật đẹp.
Ban ngày làm khoa học, đêm về vẽ tranh. Hai hoạt động tưởng chừng như không liên quan nhưng lại khiến cho cuộc sống của tôi hạnh phúc. Nếu hội họa giúp tôi vượt qua căng thẳng trong công việc nghiên cứu, thì khoa học lại giúp cho hội hoạ của tôi có những cách đặt vấn đề mới. Tôi luôn sử dụng tư duy của người làm khoa học để làm mới nghệ thuật thông qua những thử nghiệm, nghiên cứu hay cách đặt vấn đề mới.
Đôi lúc khoa học mang đến cho tôi những ý tưởng mới trong hội họa. Chẳng hạn như trong công việc hàng ngày tại phòng thí nghiệm, khi nhìn qua kính hiển vi các tiêu bản tế bào, vi khuẩn nhuộm màu hay khi nhìn các ảnh chụp virus hoăc các cấu trúc nano dưới kính hiển vi điện tử, tôi thấy chúng chẳng khác gì các bức tranh trừu tượng của các họa sĩ bậc thầy trên thế giới. Thực tế, khá nhiều phác thảo trên giấy Post-it màu vàng của tôi đã ra đời ngay tại phòng lab, trong thời gian chờ đợi giữa các lượt thí nghiệm.
Tranh ông thường khai thác vẻ đẹp từ những khoảnh khắc bình dị. Những chủ đề về Hà Nội, phụ nữ, hoa, mèo… hẳn có ý nghĩa riêng với cá nhân ông?
Tôi cho rằng cuộc sống sẽ đẹp hơn khi ta nhìn thấy được cái đẹp từ trong những điều bình dị nhất và nghệ sĩ giúp mọi người nhận ra điều đó qua nghệ thuật của mình.
Đối với tôi, một cuộc đời đẹp được làm nên bởi nhiều khoảnh khắc và khi ta lưu giữ được nó thật lâu. Ý tưởng đến với tôi có thể là khoảnh khắc giao mùa, khi trời trở lạnh hay đổ cơn mưa, có thể là một nhạc khúc của Phú Quang, Trịnh Công Sơn về Hà Nội, có thể là một giấc mơ kỳ lạ…
Tuy nhiên, việc diễn tả vẻ đẹp từ khoảnh khắc bình dị thường thấy chưa bao giờ là dễ dàng. Thách thức lớn nhất đối với nghệ sĩ là diễn tả một thứ mà ai cũng biết bằng ngôn ngữ riêng để những khoảnh khắc ấy độc đáo và bất tử.
Ngoài ra, tôi vẽ tranh để giải tỏa nỗi nhớ quê hương. Hà Nội của tôi, mẹ và chú mèo xiêm của mẹ là những ký ức êm đềm nhất xoa dịu chính tôi. Vẻ đẹp người phụ nữ trong tà áo dài luôn khiến tôi nghĩ về mẹ và chú mèo cũng chính là tôi, nằm trong lòng mẹ.
Tại sao ông sử dụng nhiều chất liệu từ sơn dầu đến giấy tái chế cho triển lãm?
Tôi cho rằng, “cái tôi” cực kỳ quan trọng trong hội họa. Đó chính là phong cách, giúp khán giả nhận ra “tiếng nói” riêng của họa sĩ trong hàng ngàn nghệ sĩ. Cách tôi “chơi” với nhiều chất liệu khác nhau cũng là cách tìm ra tôi trong nghệ thuật.
Với tư duy của người làm nghiên cứu khoa học, tôi luôn thích thử nghiệm để tìm ra cái mới. Khi sống ở châu Âu, tôi không có điều kiện để làm tranh sơn mài truyền thống. Tôi đã thử nghiệm làm sơn mài trên các chất liệu mới. Khi đã vẽ nhiều những tác phẩm rực rỡ, hay những chất liệu đắt tiền như dát vàng, tôi lại muốn thử thách mình với điều tối giản.
Cũng với cách nghĩ của người làm khoa học, tôi thích chứng minh rằng: cái đẹp có thể đến từ những thứ tưởng chừng như rẻ tiền hay bỏ đi.
Tôi rất khoái vẽ tranh lên những chiếc vé tàu khi du lịch. Tôi nhìn thấy vẻ đẹp ấm áp trong bìa hộp bánh đựng pizza, hay giấy nâu gói bánh mì ăn sáng. Tôi thấy những kỷ niệm đẹp trên tờ giấy ăn, giấy bọc kẹo socola của một bữa tiệc vui, tấm vé hoà nhạc một nơi lưu lại nhiều kỷ niệm.
Sức sáng tạo của nghệ sĩ không chỉ là tìm thấy cái đẹp trong những chất liệu sang quý mà nhìn ra được cái đẹp của những thứ bình dị nhất và kỳ diệu hơn là tạo ra cuộc sống mới cho những thứ tưởng chừng đã vứt bỏ.
Bảo vệ môi trường và tái chế là trào lưu toàn cầu, đặc biệt là ở châu Âu. Những xu hướng tạo ra các sản phẩm từ việc tiết kiệm tiêu dùng, hay mang lại giá trị cho những đồ vật cũ là tiền đề cho những sản phẩm mới và hội họa cũng như một hoạ sĩ như tôi không nằm ngoài xu hướng đó.
Không gian triển lãm các tác phẩm của họa sĩ Đặng Dương Bằng. |
Được biết, nhiều tác phẩm của ông nằm trong bộ sưu tập của các nhân vật nổi tiếng như Elton John và Gates Foundation của Bill Gates?
Bức tranh được Elton John sở hữu là một bức tranh nằm trong series “The Beau and the Beast” trong một dự án đấu giá tranh từ thiện ủng hộ các bệnh nhân AIDS tại Gallery Attitude, London (2012). Ba bức tranh sen và chuồn chuồn nằm trong series “The sounds of silence” là các bức tham gia triển lãm ủng hộ từ thiện cho hoạt động của Gate Foundation tại New York (2010).
Đối với tôi, tất cả những người yêu nghệ thuật của tôi đều mang lại niềm vui, không quan trọng đó là người nổi tiếng hay người yêu nghệ thuật bình thường.
Tuy nhiên, điều làm tôi vui nhất đó là những bức tranh mà những người nổi tiếng mua trong các sự kiện nghệ thuật từ thiện cho thấy nghệ thuật của mình giúp đỡ được những người đang khó khăn khắp nơi trên thế giới.
Những trải nghiệm xa xứ ảnh hưởng như thế nào đến nghệ thuật của ông?
Tôi sống xa quê hương gần 40 năm nên cuộc sống ở Đan Mạch gần như đã quá quen thuộc và trở thành quê hương thứ hai của tôi. Tôi nhớ nhà, nhớ mẹ, nhớ bạn bè, nhớ tiếng Việt và cô đơn nơi xứ lạnh, đất rộng người thưa, mùa Đông tuyết xám. Nơi những ngày Tết rất nhớ hơi ấm gia đình thì mọi thứ vẫn diễn ra đều đặn như thế.
Nhưng khi đã quen với cuộc sống đó rồi thì tôi lại thấy hạnh phúc vì mình đã có những nỗi buồn thật đẹp. Được nghĩ về mẹ, về Hà Nội có thể sẽ làm mình rơi nước mắt nhưng lại luôn là những cảm xúc đẹp nhất, ấm áp nhất để được khóc.
Ông muốn khán giả cảm nhận thông điệp gì từ các tác phẩm của mình?
Tôi muốn khi thưởng lãm tranh, các bạn hãy quên tôi là ai và hy vọng bạn có thể tìm thấy một góc cảm xúc hay những bình yên cho chính mình qua những bức tranh. Đó là cách tôi và bạn - hai con người có thể chưa bao giờ gặp nhau nhưng vẫn kết nối với nhau qua sự chia sẻ cái đẹp trong hội họa và cuộc sống.
Sinh sống và làm việc tại Leiden (Hà Lan) từ 1990 và định cư tại Copenhagen (Đan Mạch) từ năm 1999, hoạ sĩ Đặng Dương Bằng đã có 40 triển lãm solo tại Copenhagen, Paris, Amsterdam, Leiden, London, New York, Tokyo, Seoul, Melbourne… Nhiều tác phẩm của ông nằm trong bộ sưu tập của người nổi tiếng như Elton John, hoặc trưng bày tại những không gian công cộng Gates Foundation (New York), Đại học Copenhagen (Đan mạch), Đại học Odense (Đan Mạch), Ngân hàng Den Danske (Đan Mạch), Quỹ nghệ thuật BRK Lyngby (Đan Mạch)… |
| Kiều bào tin tưởng, đồng lòng phát huy sức mạnh đại đoàn kết Chia sẻ với TG&VN, tân Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam khoá X là các kiều bào tiêu ... |
| Nghệ sĩ Vũ Minh Dũng: Hành trình bước khỏi ranh giới Mỗi khi cảm thấy nhớ nhà, nghệ sĩ Vũ Minh Dũng, người đang làm việc ở Leipzig, Munich (Đức) thường xem các bộ phim tài ... |
| Chủ tịch VYSEF: ‘Thổi’ sức trẻ vào hoạt động cộng đồng Gắn bó với hoạt động cộng đồng nhiều năm qua, Chủ tịch Liên hiệp Hội thanh niên sinh viên Việt Nam tại châu Âu Nguyễn ... |
| Khích lệ chuyên gia, kiều bào có nhiều đóng góp xây dựng quê hương Ngày 9/11, Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức tuyên dương các chuyên gia, trí thức, ... |
| Cộng đồng người Việt Nam tại Thụy Điển chung sức đồng lòng đóng góp vào sự phát triển của quê hương Nhân dịp thăm chính thức Vương quốc Thụy Điển, chiều 11/11, tại Stockholm, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã gặp gỡ cộng ... |