Một đập thủy điện của Campuchia trên sông Mekong. (Nguồn: Getty Images) |
Theo đại diện của Bộ Mỏ và Năng lượng Campuchia, Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng Victor Jona, quyết định này được đưa ra dựa trên kết quả đánh giá tác động môi trường vào tháng 2 vừa qua nhằm đảm bảo cho sự phát triển bền vững trong thời gian dài. Chính phủ Campuchia hiện đang xem xét chính sách phát triển năng lượng thông qua các giải pháp thay thế khác như nhiệt điện, khí đốt tự nhiên và năng lượng mặt trời.
Ông Victor Jona nói: “Trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2030, chúng tôi không có kế hoạch phát triển thủy điện trên dòng sông Mekong. Việc nghiên cứu phát triển thủy điện trên dòng sông này đòi hỏi phải nghiên cứu cẩn thận, đánh giá ảnh hưởng về môi trường, nên cần thời gian dài. Do vậy, trong 10 năm tới, chúng tôi không có kế hoạch phát triển thủy điện trên dòng sông Mekong”.
Trước đó, Campuchia công bố kế hoạch xây đập thủy điện Sambor, có thể sản xuất được 2.600MW và một số đập thủy điện nhỏ khác. Trong năm 2019, thủy điện cung cấp hơn 48% sản lượng điện trong nước của Campuchia, và nhập khẩu khoảng 25% sản lượng điện, chủ yếu từ Việt Nam và Thái Lan.
Quyết định trên được các nhà khoa học đánh giá giúp đảm bảo cho sự phát triển bền vững của hàng triệu cư dân sinh sống dọc sông Mekong. Ngoài ra, nó cũng giúp bảo vệ sự đa dạng sinh học trên dòng sông này, đặc biệt là quần thể cá heo nước ngọt Irrawaddy.
Sông Mekong chảy từ Trung Quốc qua Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Trong vài năm gần đây, mực nước sông ngày càng cạn kiệt, mực nước ghi nhận năm 2019 ở mức thấp nhất trong 50 năm qua. Các nhà khoa học cho rằng nguyên nhân nước sông cạn kiệt là hạn hán kỷ lục và biến đổi khí hậu, bên cạnh những tác động của con người.