Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) dự kiến sẽ hoạt động vào cuối năm nay. Nhiều người cho rằng Campuchia vẫn chưa sẵn sàng tham gia cộng đồng vì thiếu lao động có tay nghề, ông nghĩ như thế nào về quan điểm này?
Thực ra, hiện có một thực tế là ở Campuchia, nhu cầu của doanh nghiệp không khớp với những gì chúng tôi đào tạo sinh viên trong các trường đại học. Chúng tôi đào tạo ra nhiều kế toán viên, tiến sĩ, cử nhân... nhưng doanh nghiệp thì lại cần thợ cơ khí, thợ điện, thợ mộc… - những lao động kỹ thuật.
Thật lạ khi có ai đó cho rằng chúng tôi chưa sẵn sàng cho AEC. Chúng tôi đã là một phần của ASEAN và chúng tôi đã sẵn sàng cho hội nhập kinh tế ASEAN trước ngày 31/12/2015. Trong AEC, ngoại trừ việc hàng hoá và dịch vụ có thể lưu chuyển dễ dàng hơn trước thì tôi không thấy bất cứ điều gì khác với ngày hôm nay.
Chính phủ Campuchia vừa đưa ra chính sách phát triển công nghiệp giai đoạn 2015-2025, hy vọng sẽ mang lại cho Campuchia mức độ phát triển kinh tế cao hơn. Chúng tôi muốn chuyển từ nền công nghiệp thâm dụng lao động sang công nghiệp bán lành nghề, sản xuất nhẹ, chế biến thực phẩm và lắp ráp điện tử. Chúng tôi muốn chuyển từ một nước có thu nhập thấp sang nước có thu nhập trung bình vào năm 2030 và một quốc gia có thu nhập cao vào năm 2050. Đó là mục tiêu và tầm nhìn của Chính phủ Campuchia.
Hiện tại, 80% dân số của chúng tôi là nông dân. Đến năm 2030 và năm 2050, tỷ lệ này sẽ dưới 50%. Các bạn sẽ thấy Campuchia là đất nước sản xuất nhẹ. Chúng tôi sẽ trở thành một phần của chuỗi cung ứng trong khu vực và chuỗi cung ứng toàn cầu.
Campuchia là thành viên sáng lập của Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á (AIIB) - một sáng kiến mới của Trung Quốc. Điều này có ý nghĩa quan trọng như thế nào đối với khu vực?
Tôi nghĩ AIIB rất quan trọng đối với ASEAN và châu Á. ASEAN đã đưa ra các kế hoạch lớn để kết nối ASEAN và kêu gọi nguồn tài trợ 70 tỷ USD/một năm cho 10 năm tiếp theo. Châu Á cần khoảng 8.000 tỷ USD để cải thiện cơ sở hạ tầng và Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) không thể tài trợ cho toàn bộ các dự án cơ sở hạ tầng. Chúng tôi hoan nghênh AIIB trở thành một nguồn thay thế hoặc bổ sung để có được những khoản vay xây dựng cơ sở hạ tầng của chúng tôi.
Ông có cho rằng Mỹ đang chống lại AIIB?
Tôi không thể nói thay lời nước Mỹ, nhưng Mỹ đang dần bị cô lập trong vấn đề này. Tất cả các đồng minh Hàn Quốc, Pháp, Đức, thậm chí Australia của Mỹ đều đã nỗ lực để trở thành một thành viên AIIB trước thời hạn 31/3. Duy có Nhật Bản vẫn còn đang đứng ngoài AIIB.
Tôi cho rằng thế giới đã thay đổi. Chúng ta cần nhận ra ảnh hưởng của Trung Quốc. Khi Trung Quốc thịnh vượng, các nước láng giềng và cả thế giới cũng sẽ phát triển thịnh vượng. Xem lại cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008, nếu như nền kinh tế của Trung Quốc cũng sụp đổ như châu Âu, Mỹ thì đã không có ai đứng ra giúp nền kinh tế thế giới tăng trưởng trở lại. Điều gì sẽ xảy ra khi các nền kinh tế Mỹ, châu Âu, Trung Quốc, Ấn Độ cùng sụp đổ?
Tôi muốn ví như thế này: Bạn bị chết đói, không có gì để ăn trong 30 ngày, thậm chí là 30 năm như trường hợp người Campuchia. Sau đó, anh chàng Trung Quốc mang đến một bát cơm chiên và nói: “Bạn đang đói. Đây là chiên cơm cho bạn”. Tiếp đó, bạn nghe thấy một anh chàng nói: “Đừng ăn, tại sao bạn ăn cơm chiên từ Trung Quốc?”. Nếu là tôi, tôi sẽ nói với anh chàng này rằng: “Bạn hãy cho tôi một chiếc hamburger cỡ bự của McDonald. Nếu bạn cho tôi một sự thay thế - chiếc bánh McDonald cỡ bự thay cho cơm chiên, thì tôi có sự lựa chọn. Nhưng nếu bạn không cho tôi chiếc bánh trong khi tôi đang chết đói và cũng không cho tôi ăn cơm, thì tôi xin lỗi, tôi không thể làm điều đó”.
Đó là lý do tại sao chúng tôi cần tài trợ từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, từ ADB, WB. Tiền không có bất kỳ “màu sắc” nào đối với chúng tôi, miễn là chúng ta có thể vay mượn để xây dựng cơ sở hạ tầng và cải thiện đất nước.
Nguyễn Phạm (lược dịch)