Thủ tướng Campuchia Hun Manet bắt tay Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường tại lễ ký kết các thỏa thuận ngày 17/10/2023. (Nguồn: CamboJA.News) |
Trong khuôn khổ chuyến thăm Trung Quốc lần thứ hai và dự Diễn đàn Vành đai và Con đường (BRF), Thủ tướng Campuchia Hun Manet đã chứng kiến ký kết 8 Biên bản ghi nhớ (MoU), nâng tổng số thỏa thuận giữa hai nước lên 23 kể từ giữa tháng 9 năm nay.
Trong các thoả thuận mới được ký kết giữa hai bên, bao gồm thỏa thuận khung về dự án kênh đào Phù Nam Techo. Thỏa thuận này sẽ cho phép Tổng công ty Cầu đường Trung Quốc (CRBC) tiến hành nghiên cứu chuyên sâu về tất cả các khía cạnh của dự án trong vòng 8 tháng.
Kênh đào Phù Nam Techo dự kiến có độ dài 180km, sẽ đi qua các tỉnh Kandal, Takeo, Kampot và Kep của Campuchia. Dự án vốn được chính phủ Campuchia phê duyệt hồi tháng 5 ước tính trị giá khoảng 1,7 tỷ USD và mất 4 năm để hoàn thành. Đây là dự án hậu cần đầu tiên kết nối sông Mekong trên lãnh thổ Campuchia với đường biển, nhằm mở rộng tiềm năng vận tải đường biển của Campuchia.
Phó Thủ tướng Campuchiakiêm Chủ tịch Ủy ban liên bộ nghiên cứu và thực hiện dự án lưu thông đường thủy và hậu cần Tonle Bassac - ông Sun Chanthol cho biết dự án này là một bước tiến quan trọng trong lĩnh vực giao thông vận tải của Campuchia.
Bộ Giao thông Công chính Campuchia đã nghiên cứu dự án theo 2 giai đoạn, nghiên cứu sơ bộ trong 14 tháng và nghiên cứu tính khả thi trong 12 tháng.
Dự án sẽ giúp Campuchia giảm thời gian và khoảng cách vận chuyển, tạo ra một khu vực thương mại và nhiều cảng phát triển hậu cần, mở rộng các vùng phát triển nông nghiệp, thủy lợi, nuôi trồng thủy sản, du lịch và chăn nuôi cho 1,6 triệu người sống dọc theo kênh đào.
Cựu phát ngôn viên Chính phủ Campuchia Phay Siphan cho hay tuyến đường thủy này sẽ giảm khoảng cách vận chuyển hơn 69 km từ cảng tự trị Phnom Penh đến cảng tự trị Sihanoukvillequa cảng Cái Mép của Việt Nam, cũng như 135 km từ cảng tự trị Phnom Penh đến cảng quốc tế Kampot.
Trong 10 năm qua, rất nhiều thành tựu bắt nguồn từ sự hợp tác trong khuôn khổ giữa Campuchia và Trung Quốc, bao gồm việc phát triển Đặc khu kinh tế Sihanoukville, Đường cao tốc Phnom Penh-Sihanoukville, Sân bay quốc tế Siem Reap-Angkor mới và Đường cao tốc Phnom Penh-Bavet.
Nhà phân tích kinh tế Ky Sereyvath của Campuchia nói với CamboJA rằng đầu tư BRI của Trung Quốc vào Campuchia trong 10 năm qua đã chứng kiến sự phát triển cơ sở hạ tầng và tăng trưởng kinh tế đáng kể.