📞

Campuchia sau thời Thủ tướng Hun Sen sẽ ra sao?

Minh Vương 05:58 | 05/08/2023
Đất nước Đông Nam Á sẽ không chứng kiến quá nhiều thay đổi về chính sách dưới sự lãnh đạo của con trai ông Hun Sen, Đại tướng Hun Manet.
Ông Hun Sen sẽ rời vị trí Thủ tướng sau 38 năm. (Nguồn: AFP)

Một tuần sau khi cuộc bầu cử Campuchia khép lại, ba điều đã trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết.

Đầu tiên, Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) đã giành chiến thắng áp đảo khi chiếm tới 120/125 ghế trong Quốc hội, cho dù có giảm năm ghế so với năm 2018. Đặc biệt, ngày 26/7, ông Hun Sen tuyên bố sẽ rời vị trí Thủ tướng sau 38 năm cầm quyền liên tục. Cuối cùng, thay thế cho nhà lãnh đạo này ở chiếc ghế nóng sẽ là con trai ông - Đại tướng Hun Manet - Phó Tổng Tư lệnh quân đội Hoàng gia Campuchia, Tư lệnh lục quân và thành viên Ban Thường vụ của CPP. Dự kiến, quy trình bổ nhiệm có thể được hoàn tất trong tuần này (ngày 6/8) hoặc tuần tới (ngày 10/8).

Cả ba điều này không ẩn chứa nhiều yếu tố bất ngờ. Ngay trước thềm bầu cử, tỷ lệ ủng hộ dành cho CPP, với việc đảng Ngọn nến (CP) không đủ điều kiện tham dự, áp đảo 17 đảng còn lại tại Campuchia.

Từ lâu, ông Hun Sen đã “bóng gió” câu chuyện rời chức Thủ tướng và giao lại “ghế nóng” cho con trai Hun Manet. Tuy nhiên, tuyên bố của chính trị gia lão làng vẫn gây ra không ít dư chấn trong cộng đồng quốc tế, đồng thời gợi mở nhiều thắc mắc. Trong số đó, nổi bật nhất chắc hẳn sẽ là câu hỏi: “Tương lai đất nước Campuchia sau thời của Thủ tướng Hun Sen sẽ ra sao?”.

Nét mới…

Đầu tiên, đó chắc chắn là sự xuất hiện của ông Hun Manet trên cương vị mới. Kể từ năm 2021, sau khi Thủ tướng Hun Sen đề cập khả năng con trai kế nhiệm cùng sự hậu thuẫn của đảng CPP, ông Hun Manet nhanh chóng trở thành ngôi sao sáng, với bước chuyển từ binh nghiệp sang hoạt động chính trị.

Tuy nhiên, xuất thân của Tướng Hun Manet có nhiều khác biệt so với cha mình. Không chỉ là con trai Thủ tướng đương nhiệm, ông còn trở thành người Campuchia đầu tiên tốt nghiệp Học viện Lục quân West Point (Mỹ), đồng thời có bằng thạc sĩ kinh tế tại Đại học New York (Mỹ) và tiến sĩ kinh tế tại Đại học Bristol (Anh).

Giới chuyên gia nhận định xuất phát điểm này đã “góp phần củng cố uy tín của ông ấy” trong hành trình thăng tiến nhanh chóng. Sự xuất hiện của nhà lãnh đạo còn trẻ (45 tuổi), với nền tảng giáo dục ở phương Tây sẽ giúp CPP thu hút các cử tri trẻ tuổi hơn và thổi một luồng gió mới cho sự phát triển của Campuchia.

Ngoài ra, sự tươi mới này có khả năng sẽ thể hiện rõ nét hơn cả trong cách tiếp cận ngoại giao của chính trị gia này trong thời gian tới. Là người trẻ nhất trong lãnh đạo các nước Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), với phong thái ngoại giao mới mẻ cùng khả năng giao tiếp tiếng Anh trôi chảy, ông Hun Manet chắc chắn sẽ là gương mặt được chú ý đặc biệt trên các diễn đàn khu vực trong thời gian tới.

Trong bối cảnh hiện nay, thắt chặt hơn nữa quan hệ với ASEAN, tích cực tham gia hội nhập kinh tế khu vực và giao lưu nhân dân trong Đông Nam Á, đặc biệt là với giới trẻ, có thể là ưu tiên của ông Manet khi làm thủ tướng.

Trong chuyện cũ

Tuy nhiên, xét trong bối cảnh hiện nay, không khó để thấy các khía cạnh khác của Campuchia dưới thời ông Hun Manet sẽ chưa chứng kiến thay đổi quá nhiều so với giai đoạn trước, xét trên ba yếu tố sau.

Thứ nhất, đó là tầm ảnh hưởng của ông Hun Sen. Với hơn 38 năm làm Thủ tướng và thành viên cốt cán của CPP, chính trị gia này vẫn là một “tượng đài” chưa thể vượt qua tại đất nước Đông Nam Á.

Đồng thời, ngay cả khi không còn là người đứng đầu Chính phủ, song trên cương vị Chủ tịch CPP, nghị sĩ Quốc hội, Chủ tịch Thượng viện và Chủ tịch Hội đồng cố vấn tối cao Quốc vương Campuchia và cha ruột của nhà lãnh đạo mới, ông Hun Sen đóng vai trò quan trọng trong truyền đạt kinh nghiệm dày dặn, dù là về đối nội hay đối ngoại, cho con trai Hun Manet.

Thứ hai, với những gì ông Hun Sen đã làm được, đặc biệt trong ổn định chính trị và phát triển kinh tế, người kế cận ông nhiều khả năng sẽ duy trì và tiếp tục phát huy các chính sách đối nội đã được triển khai, dù là về chính trị hay kinh tế.

Sau bốn thập kỷ, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Campuchia đã tăng từ 2,82 tỷ USD (1995) lên 30,7 tỷ USD (ước tính 2023), đứng thứ 109 thế giới. Thu nhập bình quân đầu người là 1.900 USD (2023), đứng thứ 151 thế giới. Giai đoạn 2001-2010, với tăng trưởng lên tới 7,7%/năm, kinh tế Campuchia nằm trong nhóm 10 nước tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Đột phá này đến từ sự chuyển đổi sang hệ thống kinh tế định hướng thị trường, cũng như tài “chèo lái” của ông Hun Sen.

Ông Hun Manet chụp ảnh cùng đảng viên và người ủng hộ Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) tại chiến dịch vận động tranh cử vừa qua. (Nguồn: AFP)

Trong bối cảnh đó, ông Hun Manet nhiều khả năng không mạo hiểm đưa ra điều chỉnh lớn về chính sách kinh tế giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, việc chính trị gia này có thể thực hiện là đẩy mạnh nỗ lực hội nhập quốc tế của Campuchia thông qua thu đầu tư nước ngoài, đàm phán hiệp định tự do thương mại, cải cách thể chế và tăng cường sự tham gia của người trẻ vào quá trình phát triển kinh tế.

Về chính trị, dù theo học ở phương Tây, song với thời gian làm thành viên Ủy ban Thường vụ của CPP, ông Hun Manet có thể duy trì lập trường của cha mình. Dưới thời ông, đảng này tiếp tục củng cố vị thế với các cử tri, đồng thời tích cực thu hút, tăng cường sự ủng hộ từ cộng đồng người Campuchia ở nước ngoài.

Thứ ba, trong lĩnh vực đối ngoại, dù có thể mang tới cách tiếp cận mới trong một số vấn đề, song ông Hun Manet nhiều khả năng sẽ bám sát chủ trương, đường lối đối ngoại của CPP. Những chủ trương, đường lối này đã được nêu tương đối cụ thể trong bài báo do lãnh đạo đảng CPP “chắp bút” trên tờ Phnom Penh Post ngày 26/7, gần như cùng lúc với tuyên bố từ chức của ông Hun Sen.

Bài viết khẳng định chính sách đối ngoại giai đoạn 2023-2028 là “sự mở rộng” của phiên bản năm năm trước. Đảng cầm quyền Campuchia cho rằng Mỹ và Trung Quốc sẽ không ngừng cạnh tranh. Washington muốn duy trì tầm ảnh hưởng toàn cầu mạnh mẽ, còn Bắc Kinh tìm kiếm vai trò nổi bật hơn trong các vấn đề quốc tế. Do đó, theo CPP, quan hệ Mỹ-Trung là trung tâm của quan hệ quốc tế và góp phần định hình châu Á - Thái Bình Dương. Khu vực này chứng kiến các hợp tác chặt chẽ, hay đối đầu mạnh mẽ nhất giữa các cường quốc và lực lượng mới nổi.

Trong bối cảnh đó, ASEAN tiếp tục là nền tảng quan trọng để Campuchia thúc đẩy quan hệ với đối tác và các chủ thể thông qua cơ chế hợp tác và tham vấn. Theo CPP, Campuchia tiếp tục theo đuổi một “chính sách đối ngoại độc lập dựa trên luật pháp và tôn trọng các quy tắc, mục đích và nguyên tắc được nêu trong Hiến chương của Liên hợp quốc và ASEAN”.

Trước tác động từ xung đột Nga-Ukraine, tình hình Myanmar, vấn đề Biển Đông, eo biển Đài Loan và bán đảo Triều Tiên, nước này sẽ áp dụng chính sách ngoại giao “nhã nhặn nhưng kiên quyết, linh hoạt và thận trọng” để thích ứng trước diễn biến mới. Ngoài ra, đảng CPP cầm quyền nhấn mạnh Campuchia sẽ tích cực tham gia sáng kiến khu vực và toàn cầu nhằm duy trì và thúc đẩy hòa bình, ổn định và thịnh vượng. Phnom Penh cam kết chống lại các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, tội phạm xuyên quốc gia, khủng bố và các dịch bệnh truyền nhiễm.

Tuy nhiên, việc triển khai các chủ trương, đường lối này ra sao để đạt kết quả sẽ là nhiệm vụ không đơn giản đối với chính quyền của ông Hun Manet, trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới biến động không ngừng trong những năm qua.

Đáp án chi tiết cho câu hỏi về tương lai Campuchia hậu Thủ tướng Hun Sen, có lẽ vẫn còn bỏ ngỏ. Song, chắc chắn rằng, sau gần bốn thập kỷ cầm quyền, chính trị gia này đã đi vào lịch sử như một phần không thể thiếu trong quá trình phát triển mạnh mẽ của đất nước Đông Nam Á. Giờ đây, con trai ông, Hun Manet, đang đứng trước cơ hội lớn để tiếp nối di sản ấy và tạo nên dấu ấn của riêng mình.