Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh vấn đề trên tại phiên toàn thể Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ lần thứ 17, diễn ra ngày 12/10 tại thành phố Erevan (Armenia) vốn được coi là nơi giao thoa của các nền văn minh và mới đây vừa long trọng kỷ niệm 2.800 năm thành lập.
Theo Phó Thủ tướng, lịch sử lâu đời và sự phát triển trường tồn trong đa dạng văn hóa nơi đây cho thấy thúc đẩy sự hòa nhập xã hội, tôn trọng sự đang dạng, khoan dung và cùng chung sống chính là những nền tảng cơ bản nhất cho hòa bình và thịnh vượng của mỗi quốc gia, dân tộc. Đây cũng là những nguyên tắc và cam kết mạnh mẽ của Cộng đồng Pháp ngữ nhằm thúc đẩy một trật tự quốc tế bình đẳng, công bằng, quan tâm và đáp ứng những nguyện vọng chính đáng của người dân, phát riển bền vững và bảo vệ môi trường.
Chính vì vậy, Việt Nam hoan nghênh và ủng hộ chủ đề của Hội nghị là “Cùng chung sống trong đoàn kết, cùng chia sẻ các giá trị nhân văn và tôn trọng đa dạng: Cội nguồi của hòa bình và thịnh vượng trong không gian Pháp ngữ".
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu tại phiên toàn thể Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ lần thứ 17. |
Phó Thủ tướng nêu rõ thế giới nói chung và không gian Pháp ngữ nói riêng đang đứng trước nhiều thách thách toàn cầu, khu vực, liên khu vực mà không một quốc gia đơn lẻ nào có thể tự mình giải quyết. Do đó, vai trò của các thể chế đa phương như Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF) là hết sức quan trọng.
Cộng đồng Pháp ngữ cần thúc đẩy hợp tác đi vào chiều sâu và có cách tiếp cận tổng thể trên tất cả các vấn đề nhằm tìm ra các biện pháp giải quyết hiệu quả nguồn gốc sâu xa của khủng hoảng và bất ổn như bất bình đẳng, nghèo đói, kém phát triển, tiếp tục củng cố các cơ chế hiện có về phòng ngừa xung đột và giải quyết tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, Phó Thủ tướng phát biểu.
Chia sẻ về tình hình khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Phó Thủ tướng nhấn mạnh đây một bộ phận quan trọng của không gian Pháp ngữ, nơi cũng đang phải xử lý nhiều thách thức xuất phát từ sự cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc, xung đột sắc tộc, khủng bố, tội phạm mạng, các điểm nóng khu vực, biến đổi khí hậu...
Phó Thủ tướng khẳng định Việt Nam luôn tích cực tham gia và đóng góp có trách nhiệm vào các nỗ lực chung vì hòa bình, an ninh và phát triển của thế giới cũng như khối Pháp ngữ, kêu gọi và sẵn sàng cùng với các bên liên quan giải quyết hòa bình các tranh chấp trên Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển năm 1982, đề nghị Cộng đồng Pháp ngữ tiếp tục ủng hộ việc bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông phù hợp luật pháp quốc tế, thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC), thúc đẩy đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử (COC) thực chất và hiệu quả.
Nhân dịp này, Phó Thủ tướng đề nghị các nước Pháp ngữ ủng hộ Việt Nam - ứng cử viên duy nhất của nhóm châu Á-Thái Bình Dương, trở thành thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.