Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chụp ảnh lưu niệm cùng các cán bộ ngoại giao nữ. |
Thưa bà, để nói về vai trò của cán bộ ngoại giao nữ xưa và nay, bà sẽ nói gì?
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, phụ nữ luôn luôn giữ vị trí quan trọng và có những cống hiến to lớn, góp phần xây dựng nên truyền thống vẻ vang của dân tộc. Trong lịch sử ngoại giao Việt Nam, không thể không nhắc đến những người phụ nữ, với phong cách ngoại giao lịch lãm, duyên dáng và sự thông minh, nhạy bén, đã góp phần làm nên những dấu ấn quan trọng trên mặt trận ngoại giao thời kỳ đấu tranh thống nhất và xây dựng đất nước.
Lịch sử ngành Ngoại giao cũng đã có rất nhiều gương mặt nữ điển hình như các bà, các chị: Nguyễn Thị Bình, Hồ Thể Lan, Tôn Nữ Thị Ninh, Nguyễn Thị Hồi, Phan Thúy Thanh… Ngày nay chúng ta đang có các nữ Đại sứ như: Nguyễn Phương Nga, Nguyễn Nguyệt Nga, Hồ Đắc Minh Nguyệt… và các nữ Đại sứ, Tổng Lãnh sự hiện đang công tác tại các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Cán bộ nữ của Ngành nói chung không những làm tốt công tác chuyên môn mà còn tham gia và thực hiện tốt các phong trào “Ba đảm đang”, “Giỏi việc nước đảm việc nhà”, “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo”, “Xây dựng cơ quan văn hóa ngày làm việc 8 giờ có chất lượng hiệu quả”... Đặc biệt, được sự quan tâm của các thế hệ lãnh đạo Bộ, công tác nữ thường xuyên được quan tâm, đưa sinh hoạt của nữ công vào nề nếp và có nội dung thiết thực.
Có thể khẳng định, cán bộ nữ ngoại giao luôn luôn đóng vai trò quan trọng, đóng góp vào thành công chung của ngành Ngoại giao trong 70 năm qua.
Với tỷ lệ gần 40% cán bộ nữ, xin bà cho biết những đóng góp cụ thể của lực lượng này đối với hoạt động của Bộ Ngoại giao hiện nay?
Có thể nói, cán bộ nữ ngoại giao đang chiếm một vị trí rất quan trọng trong tất cả các mặt công tác của Bộ, cả về công tác chuyên môn cũng như xây dựng Ngành. Chúng ta có 1 nữ Thứ trưởng (hiện đang đi công tác nhiệm kỳ), 7 Đại sứ, 11 Vụ trưởng và tương đương, 51 Phó Vụ trưởng là nữ. Về học vị, chúng ta có 26 cán bộ nữ có trình độ Tiến sĩ (chiếm 32,9% trong tổng số 79 Tiến sĩ của Bộ), 267 cán bộ nữ có trình độ Thạc sĩ (chiếm 43,2%) và 497 cán bộ nữ có trình độ Đại học (chiếm 43,7%). Các cán bộ nữ thực sự đã “đều tay” cùng với cán bộ nam trong hoạt động chuyên môn.
Trong giai đoạn hiện nay, được sự quan tâm của lãnh đạo Bộ, đặc biệt là Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh, công tác nữ của Bộ rất khởi sắc trên tất cả các mặt. Hiện nay, chúng tôi đã xây dựng được những chương trình thường xuyên của Phu nhân Phó Thủ tướng đối với Ngoại giao Đoàn vào dịp 8/3 hay Ngày ASEAN của năm. Trong tất cả các hoạt động quốc tế, đối ngoại về phụ nữ và bình đẳng giới, Bộ Ngoại giao luôn là đơn vị chủ chốt, chủ trì đóng góp và triển khai những nội dung trên. Bộ Ngoại giao cũng tham gia vào nhiều đoàn cấp cao đi dự các hội nghị quốc tế về phụ nữ.
Ở tầm quốc gia, chúng ta luôn có một Thứ trưởng Ngoại giao là thành viên của Ủy ban Quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ. Bộ Ngoại giao cũng là đơn vị chủ trì Dự án về nâng cao năng lực lãnh đạo của phụ nữ, hỗ trợ các bộ, ngành, các địa phương rất nhiều trong công tác này.
Đặc biệt, ngày 11/8 vừa qua, Bộ đã tổ chức Lễ ra mắt Nhóm Phụ nữ Cộng đồng ASEAN tại Hà Nội (ASEAN Women’s Circle of Hanoi - AWCH). Với thành phần là các phu nhân và cán bộ nữ của Bộ Ngoại giao Việt Nam và của các Cơ quan đại diện các nước ASEAN tại Hà Nội, hoạt động của AWCH sẽ tạo cơ hội để phụ nữ trong khu vực được chia sẻ thông tin, kiến thức, kinh nghiệm, thúc đẩy bình đẳng giới và nâng cao vai trò của phụ nữ ngoại giao.
Theo bà, yếu tố nào tạo nên sức mạnh của nữ cán bộ ngoại giao?
Tôi xin mượn ý của Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga - Phó Trưởng Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ Bộ: đó là tính nữ. Chia sẻ tại buổi nói chuyện chuyên đề "Nữ cán bộ ngoại giao: Hài hoà công tác chuyên môn và trách nhiệm gia đình trong bối cảnh hội nhập kinh tế", chị Nguyệt Nga cho rằng tính nữ là một lợi thế vĩnh cửu, là sức mạnh mềm mà tạo hoá đã ban cho người phụ nữ. Vì thế, dù làm bất cứ công việc gì, người phụ nữ làm đối ngoại cần biết tận dụng lợi thế của mình cùng với năng lực chuyên môn để đạt được thành công tối đa trong công việc, đặc biệt là trong đàm phán, thỏa thuận với các đối tác nước ngoài.
Tôi hoàn toàn đồng ý với nhận định này và khi cán bộ ngoại giao nữ biết cách phát huy thế mạnh của phái đẹp - điều mà bạn bè quốc tế luôn coi là "vũ khí bí mật" của phụ nữ Việt, thì làm gì cũng thành công.
Trong một lần trả lời phỏng vấn gần đây, bà cho rằng thời điểm để cán bộ ngoại giao nữ phát triển đang rất thuận lợi. Bà có thể nói rõ hơn về điều này?
Thuận lợi đó là hiện nay, lãnh đạo Bộ và lãnh đạo các đơn vị rất quan tâm tạo điều kiện để chị em phát triển. Và với cơ cấu gần 40% cán bộ là nữ thì chị em hoàn toàn yên tâm phấn đấu vươn lên giữ các trọng trách cao hơn trong công tác. Vấn đề là chị em phải vượt qua được chính mình, giải quyết tốt nhiệm vụ: hài hoà công tác chuyên môn và trách nhiệm gia đình. Cùng với sự phát triển của xã hội hiện đại, các anh em cũng đã “chung tay cùng gánh vác trách nhiệm gia đình” nên cũng tạo ra nhiều thời gian và cơ hội cho chị em “gánh vác chuyện xã hội”.
Tôi tin rằng, với đức tính lo toan, quán xuyến của mình, người phụ nữ hiện đại hoàn toàn có thể sắp xếp thời gian khoa học để hoàn thành cả hai nhiệm vụ này.
Nhân Ngày Phụ nữ Việt Nam, xin chúc bà và toàn thể phụ nữ Bộ Ngoại giao luôn tươi trẻ, gặt hái nhiều thành công và hạnh phúc trong cuộc sống!
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh: Nữ cán bộ ngoại giao luôn chiếm ưu thế và vượt nam giới trong các kỳ thi tuyển dụng. Phụ nữ trong Bộ không những giỏi kiến thức, giỏi làm đối ngoại mà còn giỏi công việc gia đình, với thiên chức người vợ, người mẹ, đóng vai trò xương sống trong từng tế bào nhỏ của xã hội... Bác Hồ đã từng nói: "Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ", điều này một lần nữa khẳng định vai trò quan trọng của người phụ nữ trong sự phồn vinh của đất nước. Các nữ cán bộ Bộ Ngoại giao và các cán bộ nữ làm công tác đối ngoại chung trên cả nước cũng đã và đang đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ đối ngoại của đất nước. Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn, Trưởng Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ Bộ Ngoại giao: Lịch sử dân tộc ta luôn gắn liền với hình ảnh và tên tuổi của các thế hệ phụ nữ. Đặc biệt, lịch sử ngành Ngoại giao cũng đã có rất nhiều gương mặt nữ điển hình có đóng góp quan trọng vào hoạt động đối ngoại của đất nước. Tôi mong rằng chị em tiếp tục nâng cao kiến thức, kỹ năng đối ngoại, nỗ lực phấn đấu trong công tác, đóng góp tích cực vào thành công chung của Bộ Ngoại giao thời kỳ mới. Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga - Phó Trưởng Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ, Phụ trách Bộ phận thường trực Ban Thư ký APEC Việt Nam 2017, Bộ Ngoại giao: Người phụ nữ làm ngoại giao vừa phải đối diện với những công việc mang tầm chiến lược, phải tham dự các sự kiện đối ngoại nhưng vẫn phải quán xuyến công việc gia đình và hài hoà các mối quan hệ họ hàng, bạn bè, xã hội... Do đó, ngoài việc thường xuyên làm giàu tri thức, chị em phụ nữ làm đối ngoại cần phải hết sức lưu ý đến sức khoẻ, phong thái và vẻ đẹp ngoại hình của bản thân. Còn mỗi khi căng thẳng do công việc hay những vấn đề của cuộc sống, người phụ nữ cần tự tạo cho mình niềm vui để trở lại là chính mình. |
Anh Sơn (thực hiện)