Bà Ngô Thị Hòa (hàng trước, thứ 3 từ phải sang) cùng các học viên lớp bồi dưỡng kỹ năng đối ngoại cho cán bộ nữ Bộ Ngoại giao. |
Xin bà cho biết kết quả nổi bật của công tác nữ thời gian gần đây?
Nhìn vào con số 1.041 cán bộ nữ trên tổng số 2.387 cán bộ, công chức của Bộ Ngoại giao (chiếm 43%) có thể thấy rằng, công tác nữ ở Bộ đã thực sự khởi sắc. Hiện chúng ta có 23 cán bộ nữ là tiến sĩ trong tổng số 72 tiến sĩ của Bộ (chiếm 32%), có 243 cán bộ nữ là thạc sĩ trong tổng số 570 thạc sĩ (42,6%).
Tỷ lệ nữ đang tham gia công tác quản lý lãnh đạo là 1 Thứ trưởng, 8 Vụ trưởng và tương đương (7,5%), 50 Phó Vụ trưởng (23,6%), 21 Trưởng phòng (29,5%), 37 Phó Trưởng phòng (45%).
Công tác đề bạt cán bộ nữ cũng được quan tâm rất thỏa đáng. Năm 2013, có 1 nữ Vụ trưởng, 7 nữ Phó Vụ trưởng, 1 nữ Tập sự Phó Vụ trưởng, 6 nữ Trưởng phòng và 6 nữ Phó Trưởng phòng đã được đề bạt. Chúng ta đã có 1 cán bộ nữ được bổ nhiệm là Đại sứ trong tổng số 21 Đại sứ, Tổng lãnh sự được bổ nhiệm năm nay.
Trong nhiệm kỳ 2012-2015 của Đảng ủy, số lượng đảng viên nữ là 348 (22,9%), số lượng nữ tham gia vào cấp ủy là 50 (28,6%).
Được lãnh đạo Bộ đặc biệt quan tâm và được coi là một hoạt động trọng điểm của Bộ, công tác nữ ngày càng sôi nổi, đi vào thực chất và có hiệu quả hơn. Về cơ cấu tổ chức, chúng ta có tới hai bộ máy tham gia trực tiếp vào công tác này là Ban Vì sự tiến bộ của Phụ nữ (BVSTBPN) gồm 13 thành viên và Ban Nữ công-Công đoàn Bộ (BNC-CĐB) gồm 17 thành viên. Ngoài ra, chúng ta còn có một hệ thống cán bộ làm về công tác nữ trong từng đơn vị. Sự phối hợp giữa các đơn vị với BVSTBPN và BNC-CĐB luôn nhịp nhàng, chặt chẽ. Cho đến nay, mọi hoạt động đều đã được triển khai rất tốt, chị em tham gia vào bộ máy này đều là những người rất tâm huyết, không chỉ trong công tác chuyên môn mà còn về công tác bình đẳng giới và công tác nữ nói chung.
Cùng với Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020, vấn đề bình đẳng giới ở Bộ ta đang được triển khai như thế nào?
Có thể nói, hiện nay, Luật Bình đẳng giới đã thực sự đi vào cuộc sống công tác, học tập của mỗi đơn vị, cá nhân của Bộ. Yếu tố giới đã được lồng ghép có hiệu quả trong tất cả lĩnh vực nhằm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ nữ, tạo nên không khí hăng say thi đua học tập, công tác và xây dựng hạnh phúc gia đình trong nữ cán bộ, công chức, viên chức của Ngành. Đại diện nữ của Bộ cũng tham gia tích cực vào các hoạt động cấp nhà nước về bình đẳng giới như Thứ trưởng Nguyễn Phương Nga hiện là Ủy viên Ủy ban Quốc gia Vì sự tiến bộ của Phụ nữ, chị đã hoạt động tích cực và được Ủy ban đánh giá rất cao.
Trong nửa đầu năm 2013, Bộ ta đã cử đại diện tham dự Hội thảo đối thoại chính sách về thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong lãnh đạo do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức (ngày 26/3) và Tọa đàm Đại biểu Quốc hội và 5 năm thực hiện Luật Bình đẳng giới do Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức (3/6). Mới đây, Bộ cũng đã góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới và dự thảo Đề án kiện toàn và nâng cao chất lượng công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ các cấp, các ngành.
Để cụ thể hóa Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020, Bộ đã xây dựng Kế hoạch hành động về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015 tập trung vào các lĩnh vực: tuyển dụng, đào tạo, quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm, chăm sóc sức khỏe và nâng cao hiệu quả hoạt động nữ. Theo đó, BVSTBPN và BNC-CĐB đã đề ra Chương trình công tác nữ cho cả năm với các hoạt động cụ thể thúc đẩy bình đẳng giới cho từng quý, từng tháng.
Chúng tôi luôn thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng (Công đoàn, Đảng ủy, Văn phòng, Cục Quản trị Tài vụ, Vụ Tổ chức Cán bộ) nhằm tranh thủ sự ủng hộ lớn nhất về tinh thần và vật chất. Vì vậy, đại diện nữ luôn được tham gia đề xuất ý kiến trong việc quyết định các vấn đề liên quan đến công tác xây dựng ngành, công tác bố trí sắp xếp cán bộ, như điều động, luân chuyển, phong hàm ngoại giao, chuyên gia cấp Bộ và cấp Vụ…
Bà có thể cho biết trọng tâm trong công tác nữ trong thời gian tới?
Theo tinh thần Nghị quyết 22-NQ/TW của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế, chúng tôi chủ trương xây dựng một đội ngũ cán bộ nữ ngoại giao làm đối ngoại phục vụ hội nhập quốc tế. Điều mà Lãnh đạo Bộ mong muốn là công tác nữ của Bộ cần phải vượt qua những hoạt động thông thường về nhu cầu cuộc sống như "cơm, áo, gạo, tiền" để tiến tới gắn với phát triển công tác chuyên môn.
Từ năm 2012, ngoài những hoạt động mang tính chất truyền thống như kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ, chăm lo đời sống, sức khỏe cho chị em, tổ chức giao lưu từ thiện, chúng tôi đã chú trọng đến việc tổ chức các hoạt động nâng cao trình độ cho cán bộ nữ với các lớp học nâng cao kỹ năng đối ngoại và các buổi nói chuyện chuyên đề về tác phong phụ nữ ngoại giao. Chúng tôi cũng đã tổ chức những hoạt động ngoại giao chính thức như buổi giao lưu của Phu nhân Bộ trưởng với các nữ Đại sứ và các cán bộ nữ của các nước ASEAN và đối tác. Ngoài ra, Ban Nữ công cũng xây dựng mối quan hệ với Ban Nữ công của Bộ Ngoại giao Trung Quốc qua các buổi giao lưu luân phiên và trao đổi kinh nghiệm.
Điểm nổi bật là Bộ Ngoại giao vẫn đang được tham gia một dự án mang tầm quốc gia là "Nâng cao năng lực lãnh đạo của cán bộ nữ phục vụ triển khai hội nhập quốc tế" do Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tài trợ, Vụ Hợp tác Kinh tế đa phương chủ trì. Dự án này đã được triển khai 5 năm, được UNDP đánh giá rất tốt và bây giờ lại tiếp tục triển khai giai đoạn II. Theo đó, cán bộ nữ ngoại giao đã được hưởng lợi rất nhiều, nhất là các khóa học.
Vào dịp 20/10 tới, chúng tôi sẽ tổ chức Tọa đàm với chủ đề "Xây dựng đội ngũ cán bộ đối ngoại nữ phục vụ hội nhập quốc tế".
Là người gắn bó với công tác nữ và thường xuyên tiếp xúc với chị em, theo bà, những thiệt thòi của cán bộ nữ ngoại giao là gì?
Không thể phủ nhận, chính sách cho chị em đã được Lãnh đạo Bộ đề ra rất cụ thể và có sự quan tâm đặc biệt. Tuy nhiên, trên thực tế, tỷ lệ cán bộ nữ là chuyên viên cao cấp hay trưởng các cơ quan trong và ngoài nước vẫn còn thấp và ở độ tuổi khá cao.
Về mặt khách quan, bên cạnh những đơn vị chưa thực sự khuyến khích chị em tham gia công tác quản lý thì việc cân đối công việc - gia đình là trở ngại lớn. Hơn nữa, đặc thù công tác luân chuyển ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng hoạt động của cán bộ nữ và làm gián đoạn quá trình phấn đấu của họ.
Về mặt chủ quan, tôi cho rằng nhiều chị em vẫn chưa vượt qua tâm lý tự ti mang tính chất "phái yếu" của mình. Tôi biết có nhiều chị em rất hào hứng, luôn đặt ra mục tiêu để khẳng định bản thân, nhưng lại có những chị em vẫn còn tư tưởng an phận thủ thường, chưa có chí tiến thủ.
Một khía cạnh khác cũng ảnh hưởng đến tâm lý của chị em chính là sự nhìn nhận của giới đồng nghiệp nam ở đâu đó vẫn còn hơi khắt khe và định kiến. Có lẽ, để khắc phục được điều này thì cùng với việc thay đổi nhận thức của chị em, rất cần cái nhìn thiện cảm, khích lệ của anh em trong Bộ.
Xin cảm ơn bà!
THUẬN VŨ (thực hiện)