📞

Cần đổi mới giáo dục để hội nhập

08:00 | 07/01/2018
Muốn hội nhập quốc tế nhanh chóng, phải đổi mới và phát triển nền giáo dục nước nhà theo hướng hiện đại, nhưng vẫn giữ được bản sắc dân tộc.

Chúng ta đang đứng trước trào lưu của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 với nhiều hy vọng lẫn thách thức. Hòa mình vào cuộc cách mạng này, thế hệ học sinh sẽ là những chủ nhân tương lai của đất nước. Nếu không chuẩn bị hành trang cho lớp trẻ ngay từ hôm nay, chúng ta sẽ thua ngay trên sân nhà. Bởi lẽ, sức lao động cơ bắp đơn thuần rất có thể sẽ bị thay thế bởi robot.

Thách thức thời hội nhập

Về tiềm năng, với trí tuệ nhân tạo, vạn vật kết nối, dữ liệu lớn, robot thế hệ mới, công nghệ in 3D, công nghệ nano, công nghệ sinh học sẽ có thể đưa nước ta trở thành một nền kinh tế thông minh. Trong đó, con người sống, làm việc và tương tác với nhau theo những tốc độ và quy mô mà loài người chưa từng thấy.

Việt Nam cần nhanh chóng có những hoạch định giáo dục dài hạn để hội nhập quốc tế. (Nguồn: giaoduc.net)

Triển vọng rất lớn như vậy, nhưng khi hội nhập quốc tế, nước ta cũng gặp thách thức, nguy cơ không nhỏ. Người ta dự đoán thực trạng mất việc làm sẽ xảy ra với những người làm công việc dịch thuật (từ 2024), lái xe (2027), bán hàng lẻ (2031), bác sĩ phẫu thuật (2053). Đến khoảng 2060 - 2070, máy tính có thể làm được mọi công việc, kể cả nghiên cứu toán học…

Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) dự báo, chỉ trong vòng hai thập niên nữa, 56% lao động tại năm nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam có nguy cơ mất việc làm vì robot.

Chính vì vậy, hơn bao giờ hết, phải đổi mới cơ bản và toàn diện nền giáo dục. Với phương thức đào tạo cũ, chúng ta đang chứng kiến con số hơn 200.000 bạn trẻ tốt nghiệp đại học không tìm được việc làm và tương lai số lượng thất nghiệp sẽ còn tăng hơn nữa.

Trước thực trạng đó, chúng ta phải nhanh chóng nâng cao trình độ, kiến thức của các bạn trẻ, để các em không thua kém học sinh, sinh viên các nước khác. Bên cạnh đó, giới trẻ cũng phải hiểu rõ kiến thức về lịch sử, địa lý, về thực tiễn xã hội đất nước ta hiện nay và đủ tâm thức học tập suốt đời. Đó là mục tiêu chính của việc đổi mới nền giáo dục một cách cơ bản và toàn diện.

Thực tế, học sinh và sinh viên Việt Nam có tố chất thông minh không thua kém các nước khác. Năm 2017, các đội tuyển học sinh Việt Nam tham dự Olympic khu vực và quốc tế đã giành được 31 huy chương (14 Vàng, 13 Bạc và 4 Đồng). Cùng với đó, thành công của các Hội nghị trong khuôn khổ APEC 2017 cho thấy, Việt Nam mong muốn chia sẻ kinh nghiệm của mình, đồng thời cũng mong nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ của các thành viên APEC trong công cuộc đổi mới giáo dục. Qua đó, chúng ta hướng tới mục tiêu xây dựng một chiến lược giáo dục đảm bảo các yếu tố như năng lực học tập, sáng tạo và tìm việc làm.

Thay đổi, hay thất bại?

Theo thống kê, từ năm 2012, có hơn 100.000 lưu học sinh Việt Nam học tập ở nước ngoài (hơn 90% theo hình thức tự túc). Số lượng lưu học sinh tập trung đông nhất ở Australia (gần 25%), sau đó đến Hoa Kỳ (16%), Trung Quốc (13%).

Bộ GD&ĐT đã quản lý và cấp học bổng toàn phần hoặc bán phần cho gần 6.000 lưu học sinh Việt Nam học tập tại 47 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó số lượng nhiều nhất (hơn 2.000) học tại Nga. Tại Hoa Kỳ, số du học sinh Việt Nam tính ở thời điểm năm 2015 là 17.000 người.

Mặt khác, chúng ta tiến hành đổi mới chương trình và sách giáo khoa có tham chiếu với trình độ các cấp học ở những nước có nền giáo dục phát triển. Về giáo dục đại học, ta chủ trương tăng cường tinh thần tự chủ để nâng cao chất lượng. Cùng với đó, Dự thảo sửa đổi Luật Giáo dục đại học coi trọng về tính chủ động, đổi mới về hội đồng trường, bầu lãnh đạo nhà trường, tự chủ các hoạt động tài chính, xây dựng mức giá dịch vụ đào tạo…

Nhà báo Thomas Friedman sau khi phát hành cuốn Thế giới phẳng (The world is flat) đã viết tiếp cuốn Thế giới nhanh (The world is fast). Trong thời đại hội nhập quốc tế và thế giới phẳng này, nước ta cần tham khảo có chọn lọc những kinh nghiệm giáo dục của các nước tiên tiến. Bởi lẽ, trên cuộc đua này, nếu không thay đổi nhanh chóng và nghiêm túc, chúng ta rất dễ bị bỏ lại phía sau.

Với 1,2 triệu giảng viên, không chịu lạc hậu, chúng ta cần theo kịp bước tiến về giáo dục của các nước phát triển. Phần lớn giáo viên trong hệ thống giáo dục đang vượt qua biết bao khó khăn trong cuộc sống để giữ gìn tinh thần yêu nghề, yêu trẻ.

Chúng ta cũng đang có 21 triệu học sinh, sinh viên hào hứng học tập dù trong những điều kiện trường lớp chưa được khang trang như nhiều nước khác. Thế hệ trẻ đang khát khao trí thức, chinh phục đỉnh cao mới và mong muốn trở thành những thành viên tích cực trong việc xây dựng và bảo vệ đất nước.

Vì thế, lúc này chúng ta cần tập trung vào việc phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Đồng thời, học phải đi đôi với hành, phải ứng dụng được với thực tiễn cuộc sống, giáo dục nhà trường phải liên kết chặt chẽ với giáo dục gia đình và xã hội. Cùng với đó, việc đào tạo nhân lực phải gắn liền với nhu cầu phát triển của đất nước, đồng thời kết nối được với thế giới. Bên cạnh giáo dục chuyên môn, thế hệ trẻ hôm nay cần được chú trọng giáo dục nhân cách nhiều hơn nữa.

Không chỉ vậy, thay vì đào tạo ồ ạt nhưng không sử dụng, hoặc cung lớn hơn cầu, chúng ta nên chú trọng tới chất lượng và hiệu quả của nguồn nhân lực, để có thể đáp ứng được nhu cầu trong nước và quốc tế.

GS. NGND. Nguyễn Lân Dũng

Ủy viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực