📞

Cần “giải pháp đột phá” về tài chính cho dầu khí

14:00 | 06/03/2016
Giá dầu suy giảm chóng mặt, khiến ngành Dầu khí Việt Nam lâm vào tình cảnh khó khăn chưa từng thấy.

Hàng loạt các biện pháp cấp bách đã được lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các đơn vị thành viên thực hiện như: cải tiến quản lý sản xuất, tái cơ cấu bộ máy, tiết giảm chi phí sản xuất, tích cực cải tiến, phát huy sáng kiến để giảm giá thành…

Tại hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ Tập đoàn mở rộng vừa qua, nhiều Lãnh đạo các đơn vị thành viên đã thẳng thắn kiến nghị các giải pháp đột phá về tài chính, nhằm đưa Tập đoàn Dầu khí và nhiều đơn vị thành viên vượt khó khăn, trở lại quỹ đạo phát triển. Nhấn mạnh quan điểm: Giá dầu có thể giảm, nhưng niềm tin đối với Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) không được đi xuống, Tổng giám đốc PVEP Ngô Hữu Hải nêu rõ việc xin Chính phủ một cơ chế xử lý nguồn vốn hoạt động cho tìm kiếm, thăm dò bằng cách trích tối đa 30% lợi nhuận sau thuế của PVN và PVEP.

Theo ông Hải, năm 2015, tổng số tiền nộp thuế của PVEP là 8,3 nghìn tỷ. Nếu là một công ty bình thường thì doanh nghiệp chỉ phải nộp 3,3 nghìn tỷ, nghĩa là sẽ dư ra 5 nghìn tỷ. Nhưng vì theo hợp đồng dầu khí, khi dầu lên đến đầu giếng thì sẽ ngay lập tức bị áp thuế trung bình 45%, bất luận có lãi hay không. Điều này đúng khi áp thuế đối với các doanh nghiệp nước ngoài. Nhưng với PVEP thì Chính phủ nên có một cơ chế khác và có thể chỉ áp dụng từ 2016-2017 là ngành dầu khí sẽ vượt qua khó khăn, nếu không sẽ phải đóng mỏ.

“Nếu đóng mỏ thì các đơn vị dầu khí nước ngoài sẽ hoan hô, còn Việt Nam thì lại không có nguồn thuế. Hơn nữa, đóng mỏ thì lấy đâu ra khí chạy các nhà máy điện, sản xuất phân urê… Không phải cứ chạy đi mua dầu, mua khí từ nước ngoài về mà đã là xong”, ông Hải trình bày. “Chúng tôi khẩn thiết mong lãnh đạo tập đoàn Dầu khí Việt Nam có phương án tài chính đột phá trình Chính phủ để giải được bài toán hiện nay. Nếu không thì chúng ta sẽ rất khó khăn”. Tổng giám đốc PVEP nói.

Theo thông tin từ ông Ngô Hữu Hải, có một vài dự án mà khoản chi phí tàu dịch vụ, xử lý và xuất dầu thô (FPSO) quá cao. Nếu không có biện pháp xử lý thì theo ông Hải, PVEP xin phép đóng mỏ Lam Sơn đầu tiên, ít nhất là 3-6 tháng vì đầu tư vào đây lúc này là mất trắng”.

Vị Tổng giám đốc PVEP cho biết, trong cuộc họp với Ban Giám đốc, ông đã đề nghị các đồng chí lãnh đạo nên nêu gương, thậm chí là có thể tự nguyện cho công ty nợ lương. Theo ông Hải, đó là điều quan trọng nhất và có thể trở thành một phong trào thi đua trong những công việc cụ thể, con người cụ thể, dự án cụ thể và có kết quả cụ thể.