Kiểm tra, lắp đặt đồng hồ điện |
Quyết định tăng giá điện lần này của Chính phủ được đưa ra theo lộ trình đã được duyệt từ lâu nên không gây sốc. Có thể hiểu, đây là động thái nhằm tăng bổ sung cho ngân sách Nhà nước khi vừa qua, nguồn thu từ thuế giảm do chính sách kích cầu.
Tuy nhiên, mặt trái của việc tăng giá đối với bất cứ một mặt hàng thiết yếu nào cũng rất lớn. Bên cạnh đó, trong 1 tháng qua, giá gas đã tăng tới 3 lần, ban đầu là tăng 5.000đ/bình 12kg, kế đến là mức tăng 10.000đ/bình 12kg và gần đây nhất, tăng thêm tới 25.000-30.000đ/bình 12kg. Mặc dù đã giảm thuế song các doanh nghiệp xăng dầu kêu lỗ liên tục và có ý xin tăng giá bán lẻ.
Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong - Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội, thành phố Hà Nội bình luận, tăng giá điện sẽ kéo theo gia tăng chi phí sản xuất của tất cả các doanh nghiệp, ảnh hưởng tới mục tiêu kích cầu. Kế đến là nguy cơ “té nước theo mưa” của giá cả hàng hóa trên thị trường, tăng giá bất hợp lý. Đó là hệ quả rất khó kiểm soát. Chi tiêu trong đời sống sinh hoạt của người dân cũng sẽ tăng, ảnh hưởng tới mục tiêu an sinh xã hội.
Ông Phong cho rằng, công khai hóa chi phí giá thành của ngành điện, thực hiện kiểm toán và công bố kết quả kiểm toán đối với ngành điện là cách tốt nhất để người dân thông cảm và đồng thuận cùng Chính phủ. Lấy kinh nghiệm từ vụ việc gây ì xèo trong dư luận vừa qua về việc xin thưởng từ việc tiền chênh lệch giá điện, Chính phủ cũng cần yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam phải tách biệt rõ các nguồn thu sau khi giá điện tăng và việc sử dụng nguồn thu nay phải phục vụ cho mục tiêu phát triển nguồn điện.
Ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội dự báo, giá cả hàng hóa trong hệ thống siêu thị gần như phụ thuộc vào các nhà cung ứng. Hiện nay, 50-60% hàng hóa trong siêu thị nhỏ là ký gửi nên họ không có tiếng nói trong việc định giá các mặt hàng. Chắc chắn, giá điện tăng thì giá cả hàng hóa sẽ tăng theo nhưng sẽ có độ trễ nhất định.
Ông Vũ Vinh Phú cho rằng, chính sách giá điện là cực kỳ nhạy cảm. Chính vì thế, từ người kinh doanh cho đến người dân bình thường đều mong phải minh bạch hóa giá thành. Hiện nay, nhiều mặt hàng thiết yếu như xăng, gas, điện... vẫn không rõ giá thành là bao nhiêu. Chính sách kích cầu chỉ mới công bố chứ chưa có kết quả.
Nhiều doanh nghiệp còn khó khăn vì không đủ điều kiện hưởng hỗ trợ kích cầu của Nhà nước. Trong bối cảnh này, không ít người dân tiếp nhận thông tin tăng giá điện mà vẫn chưa thực sự thoải mái. Còn nhớ, việc lấy ý kiến Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam về đề án tăng giá điện này chỉ được thực hiện sau gần 1 tháng, khi Bộ Công Thương trình Thủ tướng.
Theo ông Vũ Vinh Phú, Chính phủ nên có cuộc điều tra tác động xã hội sau khi tăng giá điện, để có chính sách điều hành thị trường tốt hơn. Ông Phú nhấn mạnh, không chỉ giá điện, làm sao để mỗi lần phải tăng giá một mặt hàng, người dân sẵn sàng chia sẻ và ủng hộ chủ trương của Chính phủ.
Được biết, mức tăng giá điện 8,92% do Thủ tướng phê duyệt thấp hơn rất nhiều so với đề xuất ban đầu của các đơn vị. Ví dụ, EVN đòi tăng tới 16-22% và phương án giá điện đó được thiết lập trong bối cảnh kinh tế đang lạm phát. Sau đó, Bộ Công Thương chỉ đề nghị mức tăng giá bán lẻ điện là 9,8%. Tuy nhiên, cũng phải lưu ý rằng, giá điện sinh hoạt sẽ có tỷ lệ cao hơn so với tỷ lệ tăng của giá bán điện bình quân và tỷ lệ giá điện cho sản xuất sẽ thấp hơn.
Bộ Công Thương khẳng định, giá điện tăng ở mức trên không gây tác động mạnh tới đời sống xã hội và nền kinh tế. Với cơ chế giá điện mới, có nhiều điểm lợi cho người dân. Với biểu giá bậc thang 7 nấc, trong đó, quy định rõ nấc 50kWh đầu tiên sẽ được bù giá tới 35-40% giá bán lẻ bình quân.
Việc hỗ trợ cho người có thu nhập thấp sẽ đúng đối tượng hơn và được khấu trừ trực tiếp từ hóa đơn tiền điện hàng tháng. Người dân nông thôn sẽ được mua giá điện theo biểu giá bậc thang thống nhất trên toàn quốc, mà không phải qua công tơ tổng, như vậy, sẽ tránh được tình trạng, phải mua giá điện cao vượt mức giá trần như hiện nay. Theo ANTĐ