📞

Cần quan tâm tới bạo hành giới tại cộng đồng dân tộc thiểu số

16:07 | 27/09/2013
Những cái nhìn mới về về vấn đề bạo lực trên cơ sở giới và những tác động của nó đối với đời sống của phụ nữ dân tộc Việt Nam đã được đưa ra thảo luận trong Hội thảo “Giới và bạo hành giới đối với phụ nữ dân tộc thiểu số ở nông thôn” vừa diễn ra tại Hà Nội.
(Ảnh minh họa)

Hội thảo do Cơ quan Phụ nữ Liên hợp quốc (UN Women) và Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) phối hợp tổ chức với sự hỗ trợ từ Đại sứ quán Na Uy, CARE Quốc tế tại Việt Nam (CARE).

 

Mặc dù bạo lực trên cơ sở giới xuất hiện trên nhiều lĩnh vực kinh tế, xã hội và dân tộc nhưng nhìn chung đa số các nghiên cứu tại Việt Nam hiện nay tập trung xem xét sự phổ biến và những ảnh hướng của bao lực đối với phụ nữ; rất ít nghiên cứu về tác động của bạo lực đối với phụ nữ dân tộc thiểu số –một nhóm đối tượng đặc biệt dễ bị tổn thương.

 

Vấn đề này đã được các chuyên gia nghiên cứu, đại diện các bộ ban ngành, các tổ chức xã hội dân sự cùng trao đổi tại cuộc Hội thảo nhằm nâng cao hiểu biết về những tác động của vấn đề bạo lực gia đình đối với phụ nữ dân tộc thiểu số và cộng đồng

 

Đồng thời, Hội thảo cũng xem xét vai trò của các tổ chức xã hội dân sự, các nhà tài trợ và Chính Phủ Việt Nam trong việc đảm bảo quyền lợi của các nhóm dân tộc thiểu số trong các diễn đàn quốc gia về bạo lực trên cơ sở giới và giúp tìm kiếm những biện pháp giải quyết phù hợp với văn hóa.

 

Phát biểu khai mạc, đại sứ Na Uy, ông Ståle Torstein Risa khẳng định bình đẳng và đặc biệt là bình đẳng giới là những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Na Uy, đặc biệt là quyền của người dân tộc thiểu số. “Thông qua việc thảo luận những khía cạnh liên quan tới vấn đề giới và bạo hành giới, chúng ta có thể phần nào lấp đầy khoảng trống trong hiểu biết và xóa bỏ những định kiến xưa cũ về vấn đề này.”, ông nói.  

 

Tại hội thảo, các đại biểu tham dự đã chia sẻ quan điểm về những thiếu sót trong nhận thức, hiểu biết chung, kinh nghiệm làm việc với nhóm dân tộc thiểu số; vấn đề rảo cản ngôn ngữ, văn hóa đã giới hạn khả năng tìm kiếm những giải pháp phù hợp bao gồm những can thiệp cơ bản, hệ thống thông tin tiếp cận tới những dịch vụ chăm sóc và bảo vệ.

 

Các đại biểu đều thống nhất để việc hoạch định chính sách và thực thi có hiệu quả, cần có sự hiểu biết sâu hơn về những yếu tố đặc thù của vấn đề bạo lực trên cơ sở giới trong cộng đồng dân tộc thiểu số, nhằm đảm bảo những dịch vụ phù hợp với văn hóa sẽ thực sự đến được những người đang cần sự giúp đỡ.

 

Hoàng Thảo