Các đại biểu tham dự Hội thảo góp ý cho dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi). (Ảnh: Phi Khanh) |
Sửa đổi quy định trong Luật Nhà ở 2014 để đảm bảo tính thống nhất là cần thiết
Phát biểu khai mạc, TSKH. Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam cho biết, Luật Nhà ở 2014 ra đời có vai trò quan trọng trong việc quản lý nhà ở nước ta, tạo điều kiện cho việc quản lý đô thị nông thôn, góp phần quan trọng trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, một số luật được sửa đổi, bổ sung và ban hành mới thay thế như: Bộ luật Dân sự, Luật Xây dựng, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư công... Trong các luật này có nhiều nội dung quy định liên quan đến Luật Nhà ở năm 2014 đã được sửa đổi, bổ sung dẫn đến không thống nhất trong các quy định.
Việc rà soát, điều chỉnh, sửa đổi các quy định có liên quan trong Luật Nhà ở năm 2014 để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ hệ thống pháp luật là rất cần thiết.
Đặc biệt, theo ông Phan Xuân Dũng, nước ta hiện nay đang ở vị thế cao hơn trước rất nhiều, đòi hỏi cách quản lý đô thị nông thôn, trong đó có luật Nhà ở cũng phải thay đổi để phù hợp với tình hình mới.
Mục đích của việc xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi) là nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong việc phát triển nhà ở cho nhân dân, khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội; chính sách phát triển nhà ở phù hợp với chiến lược, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở và đồng bộ, thống nhất với các cơ chế, chính sách có liên quan như đất đai, đầu tư, xây dựng, tài chính, tín dụng...
Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) có 13 chương với 234 điều. Tại hội thảo, việc đóng góp ý kiến đã tập trung vào 8 nhóm chính sách, gồm các quy định về sở hữu nhà ở; chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh; cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; chính sách về nhà ở xã hội; quản lý, sử dụng nhà ở...
Cải cách thủ tục hành chính mới thu hút được các nhà đầu tư
Tại hội thảo, TS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, dự thảo Luật đã được nghiên cứu nghiêm túc, có nhiều đổi mới, song rất cần nâng cao tính thực tiễn. Về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ (chương V) là vấn đề được dư luận rất quan tâm, đã có định hướng từ hơn 20 năm qua, nhưng kết quả không như mong muốn.
Theo thống kê cả nước có gần 2.467 chung cư cũ (xây dựng trước năm 1994), trong số này 25% là nguy hiểm, xuống cấp nhưng đến nay mới chỉ cải tạo được 3%.
Dự thảo Luật sửa đổi đã cập nhật được các quy định mới. Tuy nhiên, ông Đào Ngọc Nghiêm đề nghị, ngoài 2 hình thức thực hiện cải tạo (Nhà nước, doanh nghiệp), đề nghị nghiên cứu thêm mô hình: Cộng đồng các hộ dân liên kết thực hiện. Đây là mô hình đã thành công ở Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc...
Tại Việt Nam, mô hình này cũng đã được đề xuất trong nhiều hội thảo, nghiên cứu của một số trường đại học, nên cần được xem xét thêm.
Chia sẻ quan điểm của mình, GS. TSKH. Đặng Hùng Võ cho rằng, sở hữu nhà khác sở hữu đất. Nhà ở xã hội vốn là vấn đề khó, nhất là khi giá nhà ở thương mại quá cao như hiện nay. Mọi ưu đãi của Chính phủ đều mang lại lợi ích rất lớn. Quản lý nhà ở xã hội không tốt sẽ dễ dẫn đến những hình thức tham nhũng khác nhau mà mục tiêu chính lại không đạt được.
Đưa ra các khuyến nghị, ông Đặng Hùng Võ cho rằng, các thủ tục quản lý đối với khu vực các dự án nhà ở xã hội cần đi theo hướng cải cách thủ tục hành chính, có như vậy mới thu hút được các nhà đầu tư. Nói cách khác, cần quy định ngay trong luật các thủ tục hành chính đơn giản đối với các dự án nhà ở xã hội. Cần thảo luận với Bộ Tài chính để miễn thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp cho khu vực đầu tư phát triển nhà ở xã hội.
GS. TSKH. Đặng Hùng Võ nhấn mạnh, cần bổ sung mục Nhà ở xã hội vùng nông thôn vào Chương Nhà ở xã hội, trong đó quy định về chính sách giải quyết đất ở, nhà ở cho các trường hợp tách hộ nông dân. Trước đây, chúng ta đã có quy định về đất “giãn dân” để xây nhà ở cho các hộ mới tách ra, nay không còn nữa. Cần khôi phục lại chính sách này trong Luật Nhà ở.
"Ngoài ra, cần bổ sung một điều quy định về chất lượng nhà ở xã hội gắn với việc áp dụng công nghệ xây dựng mới và vật liệu xây dựng mới. Bên cạnh đó, cần quy định việc quản lý chất lượng đối với nhà ở xã hội để đảm bảo không xảy ra những điều đáng tiếc sau này", GS. TSKH. Đặng Hùng Võ nói.
Cũng theo ông, dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi được chuẩn bị khá công phu, kỹ lưỡng, đã được nhiều chuyên gia đóng góp ý kiến. Cần cân nhắc về tính khả thi của điều luật thật kỹ lưỡng để tránh tình trạng có luật rồi nhưng không thể thực hiện.