Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ chỉ chiếm 0,3% trong tổng số các doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam. (Ảnh minh họa) |
Không phải đến bây giờ Việt Nam mới đề cập đến việc phát triển ngành công nghệ hỗ trợ mà chúng ta đã từng đề ra nhiều chính sách, chiến lược cho ngành này. Tuy nhiên, đến nay ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam vẫn khá “èo uột”. Vậy theo ông, nguyên nhân do đâu?
Tôi cho rằng, đây chính là thời điểm vàng, chín muồi để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. Chính phủ đã có những sự quan tâm xác đáng. Cụ thể Nghị định 111/2015/NĐ-CP về phát triển công nghiệp hỗ trợ vừa được ban hành và đặc biệt tới đây Chính phủ cũng đã giao cho Bộ Công Thương soạn thảo một Luật riêng về công nghiệp hỗ trợ. Đây sẽ văn bản cao nhất, mở đường cho ngành công nghiệp hỗ trợ.
Tôi muốn nhấn mạnh, để phát triển công nghiệp hỗ trợ, yếu tố quyết định chính là sự vào cuộc của chính quyền chứ không phải là vốn, công nghệ. Hiện nay, Việt Nam mới chỉ có 1.383 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tại ba nhóm ngành cơ khí, điện tử và công nghiệp cao su trên tổng số hơn 500.000 doanh nghiệp đang hoạt động, tức là chỉ chiếm 0,3%. Đây là con số quá ít ỏi đối với một quốc gia đang muốn tiến lên công nghiệp hóa như nước ta. Chúng ta không thể thực hiện công nghiệp hóa nếu chỉ dựa vào lắp ráp và gia công. Và điều này cần sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền.
Lấy bài học của Nhật Bản làm ví dụ, từ năm 1956 – 1958, quốc gia này đã liên tiếp cho ra đời ba đạo luật về công nghiệp hỗ trợ, được đánh giá là những đạo luật “sống còn” giúp vực dậy ngành công nghiệp hỗ trợ của Nhật Bản. Hay như Hàn Quốc, ngay từ khi chưa có các Hiệp định thương mại tự do (FTA), Chính phủ nước họ đã xác định công nghiệp hỗ trợ chính là ngành công nghiệp “xương sống”. Họ sẵn sàng bỏ tiền cung cấp điện, cung cấp đất, làm nhà xưởng để mời các doanh nghiệp đầu tư vào ngành này. Và chỉ khi có lãi, họ mới bắt đầu thu tiền vì họ hiểu đây chính là ngành công nghiệp chủ chốt của đất nước.
Ngoài ra, một trong những thách thức của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ là những khó khăn trong việc tiếp cận chuỗi giá trị toàn cầu. Trên thực tế, nhiều sản phẩm, chi tiết linh kiện hỗ trợ không hề dễ bán và không phải cứ làm tốt là bán được. Nếu theo dõi các hợp đồng về cung cấp linh kiện của ba đối tác là Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản sẽ thấy rất ít cơ hội cho các doanh nghiệp của ta nếu không được họ hỗ trợ.
Vì vậy, tôi đề xuất cần phải tạo điều kiện nhiều hơn cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, tạo nên những “vườn ươm”, “lồng ấp” cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trong ngành này. Trước một loạt các FTA thế hệ mới hiện nay, Chính phủ sẽ không thể cứ bỏ tiền ra mãi để phát triển doanh nghiệp. Nhưng Chính phủ có thể đầu tư xây dựng các trung tâm lồng ấp doanh nghiệp, mời các chuyên gia nước ngoài, mời chính các hãng sẽ là nhà lắp ráp tương lai để họ đào tạo doanh nghiệp, hỗ trợ phương tiện – thiết bị tại chỗ để tạo ra những doanh nghiệp cung ứng, mà trước mắt là cho những chi nhánh của họ đang hoạt động tại Việt Nam. Chúng ta hoàn toàn có đủ năng lực để xây dựng những trung tâm, vườn ươm như vậy và điều này hoàn toàn không vi phạm bất cứ cam kết nào trong các FTA.
Với sự vào cuộc tích cực từ phía chính quyền và các doanh nghiệp, tôi kỳ vọng đến năm 2020, chúng ta sẽ có khoảng 5.000 doanh nghiệp hỗ trợ và đến năm 2025, chúng ta sẽ có khoảng 10.000 – 20.000 doanh nghiệp hỗ trợ.
Vậy chúng ta cần phải kết hợp với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) như thế nào để nhận được chuyển giao công nghệ cho ngành công nghiệp hỗ trợ?
Trước một loạt các FTA thế hệ mới mà chúng ta vừa ký kết, các giải pháp về hành chính sẽ không còn có giá trị. Vì vậy sắp tới chúng ta sẽ phải nhờ đến các giải pháp kinh tế vì những giải pháp này vẫn còn nhiều khe hở trong các khuôn khổ FTA. Đơn cử như việc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hay các tập đoàn nước ngoài những cơ hội tốt hơn để họ có thể tham gia vào các vườn ươm doanh nghiệp khởi nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ để họ chủ động tạo ra những nhà cung ứng của mình ngay tại Việt Nam.
Nghị định 111 hiện đã tạo ra nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp nhưng nếu những ưu đãi đó mở rộng cho cả những nhà đầu tư nước ngoài thì tôi chắc rằng những tập đoàn lớn sẽ sẵn sàng mở rộng hợp tác và tìm kiếm những nhà cung ứng linh kiện của Việt Nam.
Có ý kiến cho rằng, chúng ta không nên phát triển một cách dàn trải mà nên tập trung vào một số ngành xuất khẩu chủ lực. Vậy thời gian tới, chúng ta nên tập trung vào công nghiệp hỗ trợ cho các ngành hàng nào?
Tôi nghĩ không nên phân loại thành công nghiệp hỗ trợ cho ngành dệt may hay công nghiệp hỗ trợ cho ngành ô tô… Chi tiết linh kiện của công nghiệp chỉ nên phân làm ba loại: cơ khí – điện tử - nhựa và cao su. Theo tôi, nếu xét theo thứ tự ưu tiên và phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của Việt Nam thì chi tiết nhựa và cơ khí cần được quan tâm trong thời gian tới. Đây là những chi tiết linh kiện không đòi hỏi quá cao về công nghệ nhưng lại đang chiếm tỷ trọng rất lớn trong cơ cấu sản phẩm.
Các chi tiết linh kiện điện tử có giá trị gia tăng cao nhưng đòi hỏi trình độ công nghệ cao và hoàn toàn không dễ làm, chưa phù hợp với những quốc gia mà nền khoa học cơ bản còn yếu như nước ta. Hãy lấy Thái Lan là hình mẫu để học tập. Thái Lan cũng bắt đầu phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ từ đồ nhựa, chi tiết nhựa và họ đã rất thành công. Tại sao chúng ta không học họ. Đây chính là sự lựa chọn phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của chúng ta hiện nay.