📞

Cần tận dụng tối đa nguồn vốn ODA cho phát triển

12:06 | 05/09/2017
Theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách Nhà nước cho đầu phát triển khó khăn và Việt Nam đã “tốt nghiệp” IDA, cần tận dụng tối đa nguồn vốn ODA cho phát triển. Lãng phí nguồn lực này thể hiện sự thiếu trách nhiệm đối với đất nước bởi đây là nguồn vốn phải trả lãi suất.

Sáng 5/9, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên về tình hình phát triển kinh tế-xã hội và công tác đối ngoại trên địa bàn tỉnh.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu ý kiến chỉ đạo tại Hội nghị. (Ảnh: Tuấn Anh)

Tham dự buổi làm việc có Lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài Chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đại diện Bộ Ngoại giao, các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên.

Theo báo cáo tại buổi làm việc, trong 8 tháng đầu năm 2017, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh ước đạt 14,1%, vượt kế hoạch đề ra 2,1%. Thu ngân sách đạt trên 9.600 tỷ đồng, vượt thu trên 3.000 tỷ đồng.

Tổng giá trị xuất khẩu trên địa bàn ước đạt 15,43 tỷ USD, tăng 26,7% so với cùng kỳ trong khi tổng giá trị nhập khẩu ước đạt 9,3 tỷ USD, tăng 20%.

Toàn tỉnh cấp mới đăng ký kinh doanh cho 511 doanh nghiệp, nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh lên 5.731 với tổng vốn đăng ký hơn 62 nghìn tỷ đồng; 124 dự án FDI đang hoạt động với tổng vốn đăng ký đạt trên 7,2 tỷ USD.

Đặc biệt, theo Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Hồng Bắc, mức tiêu thụ điện lực của Thái Nguyên đứng thứ nhì khu vực phía Bắc, sau Bắc Ninh, cho thấy tốc độ phát triển công nghiệp cao của tỉnh.

Toàn cảnh buổi làm việc. (Ảnh: Tuấn Anh)

Thái Nguyên cũng đã tích cực triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới. Toàn tỉnh hiện có 56 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 11,4% năm 2016.

Đáng chú ý, năm 2018, Thái Nguyên phấn đấu hoàn thành Dự án cấp điện cho các thôn, bản của tỉnh với mục tiêu xóa xóm trắng về điện, trước kế hoạch ba năm so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX.

Theo Lãnh đạo tỉnh, Thái Nguyên đang tập trung triển khai nhiều dự án trọng điểm như đô thị hai bờ Sông Cầu, khu du lịch Hồ Núi Cốc, khu công nghiệp và các cụm công nghiệp…

Thái Nguyên đang triển khai 7 dự án ODA trong giai đoạn 2016-2020. Giá trị thực hiện vốn ODA các tháng đầu năm 2017 đạt 59,8% so với kế hoạch vốn ODA cả năm, đảm bảo tiến độ thực hiện theo kế hoạch và đúng quy định của pháp luật.

Về đối ngoại, tỉnh Thái Nguyên đã ký kết thỏa thuận hợp tác với tỉnh Gyeongsangbuk-do (Hàn Quốc), TP. Linkoping (Thụy Điển), tỉnh Luang Prabang (Lào)... 

Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Hồng Bắc báo cáo tại buổi làm việc. (Ảnh: Tuấn Anh)

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 31 tổ chức phi chính phủ nước ngoài có giấy phép hoạt động còn hiệu lực và đang triển khai dự án tại địa phương liên quan trong các lĩnh vực: Giáo dục, y tế, sức khỏe cộng đồng, phát triển nông thôn, chống biến đối khí hậu, góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống người dân địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Phát biểu tại buổi làm việc, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đánh giá cao và biểu dương những nỗ lực của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên và những kết quả quan trọng trên các mặt công tác của tỉnh trong năm 2016 và 8 tháng đầu năm 2017.

Những thành tựu quan trọng có thể kể đến là Thái Nguyên đứng thứ 2 cả nước về tăng trưởng, thứ ba cả nước về giá trị kim ngạch xuất khẩu. GDP bình quân đầu người và giá trị sản xuất công nghiệp lần lượt đứng thứ tư và thứ ba trong số 10 tỉnh thuộc vùng Thủ đô.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh trao quà lưu niệm cho Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Trần Quốc Tỏ. (Ảnh: Tuấn Anh)

Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện với chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh xếp thứ 7/63 tỉnh/thành phố năm 2016. Ba năm liên tiếp, tỉnh Thái Nguyên nằm trong số 10 tỉnh/thành có chất lượng điều hành tốt nhất.

Phó Thủ tướng hoan nghênh tỉnh Thái Nguyên chủ động, sáng tạo trong việc thu hút vốn đầu tư tư nhân vào phát triển các dự án hạ tầng của tỉnh, đặc biệt là các dự án trọng điểm, có sức lan tỏa cao.

Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh quán triệt tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp của Chính phủ; có giải pháp thiết thực để phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế-xã hội đề ra, góp phần hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng 6,7% chung của cả nước năm 2017; tiếp tục quan tâm, triển khai công tác giải quyết việc làm, thực hiện chính sách đối với người có công, người nghèo, đồng bào dân tộc…

Liên quan đến các dự án sử dụng vốn ODA, Phó Thủ tướng cho rằng Thái Nguyên là một trong những địa phương có nhiều dự án ODA (29 dự án), trong đó có dự án đường cao tốc Hà Nội-Thái Nguyên, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

(Ảnh: Tuấn Anh)

Về các dự án ODA đang triển khai trên địa bàn tỉnh, Phó Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn vay, không để tình trạng chậm giải ngân, gây lãng phí nguốn vốn này trong bối cảnh vốn ngân sách Nhà nước cho đầu tư phát triển gặp nhiều khó khăn. Lãng phí còn thể hiện sự thiếu trách nhiệm đối với đất nước bởi đây là nguồn vốn vay phải trả lãi suất.

Do ngồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi ngày càng khan hiếm trong khi lãi suất vốn vay nước ngoài sẽ cao hơn trong thời gian tới, Phó Thủ tướng quán triệt tinh thần không sử dụng vốn vay vào giải phóng mặt bằng. Tỉnh Thái Nguyên cần quan tâm đến việc giải phóng mặt bằng bởi thời gian giải phóng mặt bằng càng chậm thì thời gian vay sẽ dài hơn, lãi suất sẽ cao hơn.

Cũng tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã cho ý kiến chỉ đạo nhằm thúc đẩy các dự án đầu tư trọng điểm trên địa bàn tỉnh, trong đó có các dự án sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức như: dự án xây dựng hạ tầng Khu du lịch Quốc gia Hồ Núi Cốc gắn với Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt An toàn khu (ATK) Định Hóa; dự án nâng cấp đô thị thành phố Thái Nguyên thuộc “Chương trình đô thị miền núi phía Bắc” và dự án nâng cấp đô thị thành phố Sông Công, thị xã Phổ Yên.