📞

Cần tuân thủ nghiêm túc, trách nhiệm và thiện chí Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông

Hà Phương (thực hiện) 19:15 | 28/07/2022
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia (Bộ Ngoại giao) Nguyễn Mạnh Đông chia sẻ về sự ra đời, “sứ mệnh” của Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) bên lề Hội thảo kỷ niệm 20 năm DOC được ký kết.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia (Bộ Ngoại giao) Nguyễn Mạnh Đông tham dự trực tuyến Hội thảo kỷ niệm 20 năm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). (Ảnh: Gia Phú)

Thưa ông, trong suốt hai thập kỷ qua, Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) đã đóng vai trò như thế nào trong việc giúp đảm bảo hòa bình, ổn định tại khu vực Biển Đông?

Trước tiên, tôi muốn nói về sự ra đời của DOC. Đứng trước những diễn biến phức tạp của khu vực Biển Đông cuối những năm 1980 và đầu những năm 1990, cả ASEAN và Trung Quốc đều nhận thấy cần phải có một Bộ quy tắc ứng xử để điều chỉnh hành vi của các bên liên quan đến Biển Đông.

Tuy nhiên, trong quá trình đàm phán, ASEAN và Trung Quốc chưa thể đạt được một Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông mà thay vào đó, hai bên đã nhất trí ký Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) ngày 4/11/2002, trong đó thể hiện nhiều cam kết về việc tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, các nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình, Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), các hành vi được khuyến khích và các hành vi cần phải kiềm chế…

Là văn kiện đầu tiên ASEAN và Trung Quốc đạt được trong vấn đề Biển Đông, DOC là cơ sở để soi chiếu, đánh giá tính hợp pháp, chính đáng trong hành vi của các bên liên quan theo các cam kết của mình.

Tại Hội thảo ngày 25/7 kỷ niệm 20 năm DOC, rất nhiều Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và Trung Quốc, những người đặt bút ký DOC đều phát biểu nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của DOC đối với việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng trong khu vực, thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS.

Là văn kiện đầu tiên ASEAN và Trung Quốc đạt được trong vấn đề Biển Đông, DOC là cơ sở để soi chiếu, đánh giá tính hợp pháp, chính đáng trong hành vi của các bên liên quan theo các cam kết của mình. Đồng thời, DOC cũng thúc đẩy việc xây dựng lòng tin, hợp tác biển giữa ASEAN- Trung Quốc. Có thể nói, trong vòng 20 năm qua, DOC đã đi vào cuộc sống, phát huy được vai trò của mình.

Mặc dù vậy, trên thực tế phải thừa nhận một cách rất thẳng thắn rằng mặc dù DOC có ý nghĩa rất lớn nhưng trong vòng 20 năm qua tình hình Biển Đông vẫn tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp và một trong những nguyên nhân của các diễn biến phức tạp đó là việc thực thi DOC chưa được nghiêm túc và đầy đủ, chưa đáp ứng dự định ban đầu của các nhà đàm phán cũng như những người ký kết.

Trong thời gian tới, khi chúng ta vẫn đang chờ đợi Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), ông kỳ vọng như thế nào về triển vọng tuân thủ và thực thi DOC trong bối cảnh gần đây có nhiều những diễn biến phức tại trên Biển Đông?

Thứ nhất, chúng ta phải khẳng định rằng việc thực thi một cách đầy đủ và nghiêm túc, thiện chí DOC là trách nhiệm của cả ASEAN và Trung Quốc đối với việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng ở khu vực.

Trong thời gian vừa qua, việc thực thi DOC giữa ASEAN và Trung Quốc đã được quan tâm, một số lĩnh vực, dự án hợp tác cụ thể đã được triển khai. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình khu vực Biển Đông còn nhiều diễn biến phức tạp, việc thực thi DOC cần được quan tâm nhiều hơn, thực chất hơn, trên các mặt: (i) tuân thủ nghiêm túc các cam kết, tôn trọng các quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia ven biển được xác lập theo đúng UNCLOS; (ii) tăng cường kiểm điểm việc triển khai DOC; (iii) thúc đẩy các dự án, chương trình hợp tác cụ thể phù hợp với các cam kết.

Thứ hai, tất cả các bên đều có trách nhiệm thực hiện kiềm chế, không có hành động làm phức tạp tình hình và duy trì môi trường hòa bình, ổn định và có lợi cho việc thúc đẩy đàm phán COC trong giai đoạn hiện nay.

Vì vậy, trách nhiệm chính của ASEAN và Trung Quốc là tuân thủ một cách nghiêm túc và thực thi một cách có trách nhiệm, thiện chí DOC trên tinh thần hợp tác, phù hợp với luật pháp quốc tế, UNCLOS hướng tới mục tiêu cuối cùng và cao nhất là biến Biển Đông thành vùng biển hòa bình, hữu nghị, hợp tác, đóng góp vào sự phồn thịnh, phát triển của khu vực và thế giới.

Hội thảo trực tuyến kỷ niệm 20 năm DOC. (Ảnh: BC)

Về tiến trình đàm phán COC, xin ông chia sẻ những tiến triển trong quá trình đàm phán và khả năng đạt được COC trong thời gian gần nhất?

Đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) là một trong những nội dung quan trọng của DOC mà ASEAN và Trung Quốc đã cam kết. Chính vì vậy, trong nhiều năm qua, ASEAN và Trung Quốc đã có nhiều nỗ lực theo hướng này. Nhưng thực tế, tiến trình đàm phán thực chất COC chỉ diễn ra từ năm 2018 đến nay và sau đó lại gặp khó khăn do đại dịch, vì vậy, tiến triển của việc đàm phán cũng có sự gián đoạn nhất định.

Những vấn đề mà DOC chưa điều chỉnh một cách hiệu quả hoặc chưa xử lý một các rốt ráo thì COC sắp tới cần giải quyết. Vì vậy, đàm phán COC chắc chắn sẽ khó khăn, phức tạp hơn nhưng tôi nghĩ rằng với quyết tâm cao của cả ASEAN và Trung Quốc, đàm phán sẽ sớm đạt được kết quả cuối cùng.

Trong thời gian gần đây, ASEAN và Trung Quốc đều thể hiện quyết tâm, nối lại các cuộc đàm phán dưới hình thức trực tuyến và trực tiếp và đạt được nhiều tiến triển tích cực. Một trong những tiến triển nhất theo tôi đánh giá là việc ASEAN và Trung Quốc đã nhất trí văn bản COC phải là một văn bản thực chất, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982. Đây là những tư tưởng, định hướng quan trọng chỉ đạo cho quá trình đàm phán sắp tới.

Trong quá trình đàm phán, ASEAN và Trung Quốc đều bày tỏ quyết tâm sớm đạt được COC, song khẳng định không vì sức ép thời gian mà bỏ qua nội dung và chất lượng của COC, bảo đảm COC phải thực sự thực chất, hiệu quả. Khi COC giữa ASEAN và Trung Quốc được thông qua mà được cộng đồng quốc tế tôn trọng và ủng hộ thì đây sẽ gửi đi một tín hiệu rất tốt về khả năng của ASEAN và Trung Quốc trong việc quản lý các khác biệt cũng như xử lý các vấn đề của khu vực.

Rõ ràng, những vấn đề mà DOC chưa điều chỉnh một cách hiệu quả hoặc chưa xử lý một các rốt ráo thì COC sắp tới cần giải quyết. Vì vậy, những đàm phán COC chắc chắn sẽ khó khăn, phức tạp hơn nhưng tôi nghĩ rằng với quyết tâm cao của cả ASEAN và Trung Quốc, đàm phán sẽ sớm đạt được kết quả cuối cùng.

Biển Đông hiện nay đã trở thành vùng biển chiến lược, nhận được nhiều sự quan tâm của các quốc gia trong và ngoài khu vực, tạo ra những cạnh tranh nhất định, ông nhận định về điều này như thế nào?

Biển Đông có vị trí và tầm quan trọng mang ý nghĩa chiến lược đối với các nước trong và ngoài khu vực. Tình hình Biển Đông và an ninh, ổn định ở Biển Đông không chỉ ảnh hưởng, tác động trực tiếp đến các quốc gia trong khu vực mà còn rộng hơn nữa, tác động đến tình hình khu vực và quốc tế.

Việc các quốc gia khác quan tâm tới Biển Đông cũng là điều dễ hiểu, đặc biệt Biển Đông là khu vực có rất nhiều tuyến đường hàng hải quốc tế mà theo UNCLOS 1982 thì các nước có quyền tự do hàng hải, hàng không phù hợp với các quy định có liên quan của Công ước.

Chủ trương của Việt Nam cũng như nhiều nước là hoan nghênh những đóng góp có trách nhiệm của các bên, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982; thực hiện các quyền, trong đó có quyền tự do hàng hải, tự do hàng không và các quyền khác phải phù hợp với Công ước, đóng góp có trách nhiệm vào tiến trình duy trì hòa bình, an ninh, ổn định và hợp tác trong khu vực.