Hạm đội tàu cá Trung Quốc neo đậu tại rạn đá Ba Đầu thuộc cụm Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam ở Biển Đông hồi tháng 3. (Nguồn: Reuters) |
Ngày 11/7, Bộ Ngoại giao Canada ra tuyên bố “tái khẳng định sự cần thiết của việc tất cả các bên liên quan phải tuân thủ phán quyết này. Phán quyết là cột mốc ý nghĩa và là cơ sở hữu ích để giải quyết hòa bình tranh chấp tại Biển Đông”.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Canada bày tỏ “đặc biệt quan ngại trước các hành động leo thang và gây bất ổn của Trung Quốc tại Biển Đông và biển Hoa Đông”.
Canada “kêu gọi tất cả các nước, bao gồm Trung Quốc, tuân thủ các cam kết trước đó được đưa ra trong Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002”.
Bên cạnh đó, Canada tuyên bố “ủng hộ các quyền thương mại, hàng hải và hàng không, cũng như các quyền chủ quyền và tài phán của các nước ven Biển Đông, được thực hiện theo luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS".
Theo Bộ Ngoại giao Canada, những nguyên tắc này là "cần thiết cho một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương an toàn, ổn định và thịnh vượng”.
Ngoài ra, Otawa cũng nhấn mạnh: "Canada nỗ lực bảo vệ và khôi phục trật tự quốc tế hiệu quả dựa trên luật định, bao gồm cả đối với các vùng biển và đại dương, cũng như nỗ lực đạt được giải pháp hòa bình cho các tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế".
Tương tự, ngày 12/7, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Motegi Toshimitsu đã ra tuyên bố kêu gọi Philippines và Trung Quốc tuân thủ phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài về vụ kiện của Manila với Bắc Kinh liên quan các tranh chấp ở Biển Đông.
Ngoại trưởng Motegi khẳng định: “Do phán quyết của Tòa Trọng tài là phán quyết cuối cùng và có tính ràng buộc về mặt pháp lý đối với các bên liên quan tới tranh chấp dựa trên các điều khoản của UNCLOS, các bên liên quan tới vụ kiện này, gồm Philippines và Trung Quốc, cần tuân thủ phán quyết đó”.
Bộ trưởng Motegi nhấn mạnh: “Tuyên bố không chấp nhận phán quyết đó của Trung Quốc đi ngược nguyên tắc giải quyết hòa bình các tranh chấp theo luật pháp quốc tế trong UNCLOS và làm suy yếu nguyên tắc thượng tôn pháp luật, vốn là giá trị cơ bản của cộng đồng quốc tế”.
Theo Bộ trưởng Motegi, Nhật Bản hy vọng sự tuân thủ phán quyết của Philippines và Trung Quốc sẽ dẫn tới việc giải quyết hòa bình các tranh chấp trên Biển Đông.
Mặt khác, Nhật Bản đánh giá cao cam kết của Philippines giải quyết hòa bình các tranh chấp trên Biển Đông theo phán quyết của Tòa Trọng tài như Tổng thống Rodrigo Duterte đã từng khẳng định tại cuộc họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc vào tháng 9/2020 và tuyên bố hồi tháng 6/2021 của Bộ trưởng Ngoại giao Teodoro Locsin liên quan tới phán quyết này.