📞

Căng thẳng Ấn Độ-Trung Quốc gia tăng: Điều đình thất bại lại đến tranh cãi ngoại giao

Việt Hà 16:49 | 14/10/2021
Chưa đầy một tuần sau khi vòng đàm phán mới nhất nhằm giải quyết thế bế tắc ở khu vực Ladakh thất bại, tranh chấp biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc trở nên căng thẳng hơn với tranh cãi ngoại giao giữa hai bên.
Căng thẳng Ấn Độ-Trung Quốc gia tăng trong những ngày gần đây liên quan chuyến thăm của Phó Tổng thống Ấn Độ M Venkaiah Naidu tới Arunachal Pradesh. (Nguồn: IANS)

Ngày 13/10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên hối thúc Ấn Độ ngừng mọi hành động có thể làm phức tạp vấn đề biên giới giữa hai nước và đưa ra những bước đi nhằm bảo vệ hòa bình, ổn định tại các khu vực biên giới này.

Theo ông Triệu, Bắc Kinh không bao giờ công nhận cái gọi là "bang Arunachal Pradesh" và mạnh mẽ phản đối các chuyến thăm do các nhà lãnh đạo Ấn Độ tới khu vực này.

Trung Quốc hối thúc phía Ấn Độ tôn trọng các quan ngại lớn của Bắc Kinh, đưa quan hệ song phương trở lại một lộ trình phát triển thuận lợi và bền vững.

Ông Triệu đưa ra tuyên bố trên trong cuộc họp báo khi được đề nghị bình luận về chuyến thăm gần đây của Phó Tổng thống Ấn Độ M Venkaiah Naidu tới Arunachal Pradesh.

Phản ứng với bình luận của quan chức Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Arindam Bagchi cho biết: “Chúng tôi bác bỏ những bình luận như vậy. Arunachal Pradesh là một phần không thể tách rời và bất khả xâm phạm của Ấn Độ".

Theo người phát ngôn này, các nhà lãnh đạo Ấn Độ thường xuyên đến Arunachal Pradesh cũng giống như đến bất kỳ bang nào khác của Ấn Độ và "việc phản đối chuyến thăm của các nhà lãnh đạo Ấn Độ tới một bang của Ấn Độ là không hợp lý”.

Ông Bagchi đồng thời nói thêm, tình hình căng thẳng hiện tại dọc theo Đường kiểm soát thực tế (LAC) ở phần phía Tây của khu vực biên giới Ấn Độ-Trung Quốc là do các nỗ lực đơn phương của Bắc Kinh nhằm thay đổi hiện trạng, vi phạm các thỏa thuận song phương.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ bày tỏ mong muốn Trung Quốc nỗ lực hướng tới việc giải quyết sớm các vấn đề tồn đọng dọc LAC ở Đông Ladakh, trong khi tuân thủ đầy đủ các thỏa thuận và nghị định thư song phương.

(theo THX, PTI)