Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu. (Nguồn: AA.com) |
Hy Lạp và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) trong cùng ngày 29/8 đã bắt đầu hoạt động huấn luyện không quân chung ở Đông Địa Trung Hải. Đức – chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu, đang nỗ lực làm trung gian hòa giải giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp và cảnh báo Liên minh châu Âu (EU) sẽ áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ nếu nước này không có hành động giảm thiểu xung đột leo thang hiện nay.
Cấp độ mới
Ngược dòng lịch sử quay lại những năm 1974, Hy Lạp có ý định mở rộng lãnh hải của đảo ra đến 12 hải lý. Do sự phản đối của Thổ Nhĩ Kỹ, Hy Lạp tạm ngừng mở rộng lãnh hải của đảo Aegean nhưng vẫn bảo lưu quyền được mở rộng trong tương lai. Sau đó, hai bên cũng có những thoả hiệp nhất định về vấn đề lãnh hải giữa hai nước.
Năm 1976, Hy Lạp đã phải chấp nhận thương lượng để giải quyết tình trạng này cùng với các vấn đề nảy sinh trên biển khác liên quan đến các vịnh và không phận của mình. Tuy nhiên, những cơn sóng ngầm từ đó đến nay vẫn tích tụ dần và chờ thời điểm bùng phát.
Những ngày qua, Đông Địa Trung Hải lại dậy sóng với những động thái đáp trả qua lại giữa Ankara và Athens. Không chỉ phản ứng về ngoại giao, hai nước còn tiến hành các cuộc tập trận quân sự để đáp trả nhau sau những tranh cãi về hoạt động thăm dò khí đốt tự nhiên của Thổ Nhĩ Kỳ tại khu vực ngoài khơi phía Đông Địa Trung Hải.
Hy Lạp luôn khẳng định các cuộc thăm dò của Thổ Nhĩ Kỳ là bất hợp pháp, trong khi Ankara lại cho rằng nước này đang tiến hành thăm dò khí đốt thuộc thềm lục địa của mình. Khi tranh cãi chưa có hồi kết thì các bên đã liên tục tiến hành các cuộc tập trận ở phía Đông Địa Trung Hải khiến cho căng thẳng tiếp tục leo thang ở cấp độ mới.
Trong bài phát biểu ngày 29/8, Bộ Ngoại giao Hy Lạp một lần nữa nhấn mạnh về vấn đề này và cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang đe dọa nước láng giềng bằng cách sử dụng vũ lực là trái với luật pháp quốc tế theo quy định tại khoản 4 điều 2 của Hiến chương Liên hợp quốc, đồng thời nhắc lại Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển được ký kết ngày 10/12/1982 trong đó tại điều 3 có ghi mọi quốc gia đều có quyền ấn định chiều rộng lãnh hải của mình; chiều rộng này không vượt quá 12 hải lý kể từ đường cơ sở được vạch ra theo đúng Công ước quốc tế.
Về phía mình, Thổ Nhĩ Kỳ không đồng tình với quan điểm của Hy Lạp, ngày 29/8, Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết đã cảnh báo Hy Lạp về việc mở rộng lãnh hải và hành động này có thể gây nên chiến tranh. Thổ Nhĩ Kỳ hiện vẫn tiếp tục thực hiện các cuộc tập trận và các hoạt động thăm dò ở phía đông Địa Trung Hải, một động thái làm trầm trọng thêm quan hệ vốn đang rất nóng giữa các quốc gia trong khu vực.
EU sẽ "mạnh tay"?
Hội nghị thượng đỉnh không chính thức của các Bộ trưởng Ngoại giao EU đã được tổ chức tại Berlin trong hai ngày 27 và ngày 28/8, các đại biểu đã nhất trí đẩy nhanh việc áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ.
Như vậy, sau cuộc họp tại Berlin, trách nhiệm đối với căng thẳng hiện nay ở Đông Địa Trung Hải đang được đặt lên vai Thổ Nhĩ Kỳ. Theo dự kiến, Liên minh châu Âu sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt Ankara vào ngày 24/9 nếu các cuộc đàm phán về tranh chấp lãnh thổ giữa hai bên thất bại.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ đã không hành xử đúng như một đồng minh NATO và tuyên bố EUsẽ áp dụng lập trường cứng rắn đối với Ankara. Trong tuyên bố mới nhất của mình, Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng thể hiện rõ quan điểm ủng hộ Hy Lạp và Cộng hòa Cyprus. Theo bà, xung đột về phân chia đặc quyền kinh tế chỉ có thể được giải quyết khi các bên cùng ngồi lại với nhau.
Trước đó, trong cuộc gặp tại Berlin ngày 27/8 với Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg, Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng bày tỏ quan ngại về căng thẳng leo thang giữa hai thành viên NATO. Còn Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg khẳng định NATO sẽ tìm cách giảm thiểu nguy cơ xảy ra xung đột ở phía Đông Địa Trung Hải đồng thời sẽ tham gia hỗ trợ cho những nỗ lực ngoại giao của Đức nhằm làm dịu căng thẳng hiện nay.
Ông Stoltenber cũng kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp, hai thành viên quan trọng trong NATO giảm leo thang, giải quyết tranh chấp trên tinh thần đoàn kết giữa các đồng minh và trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Phát biểu tại cuộc họp của Bộ trưởng Ngoại giao EU, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas nhất trí sẽ tạo điều kiện để hai nước giải quyết các vấn đề hiện nay trực tiếp với nhau. Ông cũng kêu gọi Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ ngừng mọi cuộc tập trận và các động thái khiêu khích lẫn nhau.
Hiện nay, phần lớn giới chức châu Âu đều thể hiện quan điểm sẵn sàng đứng về phía Hy Lạp và Cộng hòa Cyprus trong vấn đề này. Đại diện các nước này lẫn NATO kêu gọi hai bên kiềm chế và tiến tới đối thoại để giảm căng thẳng.
Ông Oliver Varhelyi - Cao ủy châu Âu kêu Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ giảm leo thang và hạ nhiệt căng thẳng hiện nay đồng thời khẳng định những đối đầu hiện nay sẽ không mang lại kết quả gì.
EU quyết định sẽ cho Thổ Nhĩ Kỳ một tháng để ngừng các hành động khiêu khích đơn phương và các hành vi vi phạm luật pháp quốc tế trước khi châu Âu áp đặt các lệnh trừng phạt. Theo dự kiến, Hội nghị thượng đỉnh EU trong hai ngày 24-25/9 sẽ tập trung vào quan hệ EU-Thổ Nhĩ Kỳ và quyết định một loạt các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ Ankara do Brussels đề xuất nếu không có hành động giảm leo thang.
Giới phân tích cũng cho rằng, việc Thổ Nhĩ Kỳ nối lại các hoạt động thăm dò dầu khí ở vùng biển tranh chấp và kéo dài các cuộc tập trận không chỉ khiến cơ hội đàm phán giữa Thổ Nhĩ Kỳ-Hy Lạp bị đổ bể mà sẽ đẩy các quốc gia liên quan lún sâu vào những tranh chấp tại vùng biển này.
Những căng thẳng hiện nay càng ngày càng đẩy mối quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ với EU ra xa hơn và tiến trình gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ chắc chắn sẽ rơi vào bế tắc.